Những hệ lụy từ bệnh tai biến mạch máu não liệt nửa người

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Tai biến mạch máu não không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng mà còn để lại nhiều di chứng nguy hiểm, trong đó, liệt nửa người là di chứng phổ biến nhất. Cùng tìm hiểu tai biến mạch máu não liệt nửa người là gì và làm thế nào để cải thiện qua bài viết sau đây. 

1. Liệt nửa người – Biến chứng thường gặp nhất sau tai biến mạch máu não

Sau cơn tai biến mạch máu não, người bệnh có thể gặp nhiều di chứng tùy vào mức độ và vùng não bị tổn thương. Trong đó, tai biến mạch máu não liệt nửa người là biến chứng nặng nề và thường gặp nhất sau khi mắc tai biến.

Trường hợp vùng não bên trái gặp tổn thương sẽ gây liệt nửa người bên phải. Ngược lại, nếu não phải tổn thương sẽ khiến nửa cơ thể bên trái bị liệt. Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 92% người bị tai biến sẽ gặp phải di chứng này. Nguy cơ này cao hơn ở những người mắc các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường…

Biểu hiện là:

– Một bên cơ thể suy yếu, đau nhức, tê

– Khó hoặc không thể cử động được, giảm khả năng cầm nắm…

– Giảm, thậm chí mất hoàn toàn khả năng vận động

– Mất thăng bằng

– Gặp khó khăn hoặc không thực hiện được những sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, đi vệ sinh…

– Khó nói chuyện

– Khó nuốt trong khi ăn

Liệt nửa người do tai biến mạch máu não

Liệt nửa người là di chứng phổ biến sau tai biến mạch máu não.

2. Những mối nguy từ tai biến mạch máu não liệt nửa người

2.1 Ảnh hưởng đến khả năng lao động, sinh hoạt học tập, làm việc

Tình trạng tê, liệt khiến khả năng vận động của người bệnh giảm, việc thực hiện các hoạt động trở nên khó khăn hơn. Những sinh hoạt thường ngày như đi lại, vệ sinh cá nhân, cũng không còn thuần thục và dễ dàng như trước. Nhiều người thậm chí không thể thực hiện được những động tác đơn giản. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng lao động, học tập của người bệnh. 

2.2 Ảnh hưởng tới sức khỏe

Liệt vận động không chỉ làm giảm hoặc mất khả năng vận động của người bệnh mà còn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng hồi phục của họ, nổi bật như:

– Trật khớp vai

Các nghiên cứu cho thấy sau tai biến mạch máu não, có tới 84% bệnh nhân bị đau và hạn chế vận động vùng khớp vai. Nguyên nhân là do các tình trạng bán trật khớp vai, co cứng – cứng khớp vai, viêm quanh khớp vai. Trong đó bán trật khớp vai là phổ biến nhất.

Bình thường, để khớp hoạt động linh hoạt và ổn định, cần có sự kết hợp tốt của hệ thống xương, dây chằng và cơ. Nhưng khi bệnh nhân bị tai biến, các cơ vùng quanh khớp vai và các chi trên bị yếu. Đồng thời sức nặng của chi trên làm khớp vai bị lỏng lẻo và trật ra ngoài ổ khớp, gây đau, hạn chế vận động khớp và làm chậm hồi phục vận động tay.

Để phòng tránh tình trạng này, người bệnh sau tai biến thường được đeo đai treo vai khi không ở tư thế nằm. Khi chăm sóc tuyệt đối không được lôi, kéo tay bị liệt. Một số bài tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cũng có thể giúp giảm đau khớp vai, tăng cường tuần hoàn, tăng sức mạnh cho vùng cơ quanh khớp,…

– Viêm phổi

Tỷ lệ bệnh nhân tai biến bị viêm phổi khá cao, từ 6 – 22%. Tình trạng này thường liên quan đến vấn đề rối loạn nuốt, sặc khi ăn. Đặc biệt, ở các bệnh nhân liệt vận động bệnh, viêm phổi có thể trầm trọng hơn do nằm lâu dẫn đến cơ hô hấp yếu. Điều này làm chậm thời gian hồi phục, tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh.

– Huyết khối tĩnh mạch

Ở bệnh nhân bị liệt vận động, quá trình đẩy máu từ tĩnh mạch về tim không được diễn ra một cách bình thường, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong hệ thống tĩnh mạch, từ đó gây tắc mạch chi, phù chân, đau nhức. Nguy hiểm hơn tình trạng này có thể dẫn đến tắc mạch phổi và tử vong.

Ngoài ra, bệnh nhân bị liệt nửa người sau tai biến còn có thể bị teo cơ, cứng khớp, loãng xương. Các tổn thương này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ làm chậm khả năng hồi phục và tăng nguy cơ tàn tật ở người bị tai biến.

2.3 Ảnh hưởng đến tâm lý

Việc phải nằm bất động, không làm được những công việc hằng ngày, đặc biệt phải phụ thuộc vào người thân từ những công việc nhỏ nhất có thể khiến người bệnh chán nản, mặc cảm về bản thân cùng nhiều vấn đề về tâm lý khác.

Hệ lụy của tai biến mạch máu não liệt nửa người

Liệt nữa người sau tai biến khiến người bệnh vận động khó khăn, gây ảnh hưởng đến năng suất công việc, sức khỏe và cả tâm lý người bệnh.

3. Phục hồi chức năng như thế nào cho người liệt vận động sau tai biến mạch máu não?

Để hạn chế tình trạng liệt nửa người sau tai biến giúp người bệnh sớm phục hồi, cần áp dụng các biện pháp sau:

3.1 Phục hồi khả năng vận động

– Đặt người tai biến mạch máu não ở tư thế đúng

– Lăn trở thường xuyên để phòng loét do tỳ đè. Trong giai đoạn đầu, người nhà có thể hỗ trợ người bệnh thực hiện việc lăn trở. Sau đó, hướng dẫn để người bệnh tự thực hiện.

– Tập ngồi dậy từ tư thế nằm ngửa: Bài tập này cần sự hỗ trợ của người nhà. Cụ thể, người nhà ngồi bên cạnh người bệnh để người bệnh bám hai tay vào cánh tay của mình. Một tay người nhà quàng qua và đỡ vai người bệnh, giúp họ ngồi dậy từ từ.

– Tập hoạt động, sinh hoạt hàng ngày: Đối với những người bị liệt vận động sau tai biến, gia đình cần khuyến khích người bệnh tự làm các hoạt động chăm sóc bản thân như: ăn uống, vệ sinh cá nhân (đánh răng, rửa mặt, chải đầu, thay quần áo, tắm rửa…), đi vệ sinh… Có thể hỗ trợ trong thời gian đầu nếu người bệnh quá khó khăn. 

– Tập di chuyển từ giường sang ghế (xe lăn) và ngược lại: Bài tập này có thể giúp người bệnh di chuyển tích cực hơn, tránh nằm lâu gây co cứng khớp và tỳ đè…

– Tập đứng dậy: Hướng dẫn người bệnh khi đứng dậy phải dồn trọng lượng đều xuống cả hai chân. Nếu cần có thể dùng nạng hỗ trợ.

– Tập thăng bằng đứng

3.2 Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi

– Cho người bệnh ăn đồ ăn mềm, dễ nhai nuốt, dễ tiêu hóa

– Chế độ ăn uống ít dầu mỡ, giảm mặn, tăng cường chất xơ sẽ tốt cho việc phục hồi, hạn chế nguy cơ tái phát

Phục hồi sau tai biến mạch máu não liệt nửa người

Các bài tập, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý giúp những người bệnh bị liệt nửa người do tai biến sớm phục hồi.

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu về tình trạng tai biến mạch máu não liệt nửa người để có phương pháp chăm sóc phù hợp giúp sớm cải thiện khả năng vận động, từ đó rút ngắn quá trình phục hồi.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital