Alzheimer là bệnh lý về thần kinh khá nguy hiểm, gây suy giảm trí nhớ trầm trọng. Bệnh đa phần xuất hiện ở người lớn tuổi. Đến nay các nhà khoa học cũng chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Vậy những dấu hiệu nào cho biết một người bị alzheimer? Làm sao để phòng ngừa bệnh này, hãy xem ngay thông tin dưới bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh Alzheimer là gì?
Alzheimer là căn bệnh đặc trưng do sự thay đổi bất thường của vỏ não (các nơron thần kinh, synap dần bị mất đi). Từ đó tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và cả các hành vi của người bệnh.
Đây được xem là một dạng phổ biến của hội chứng suy giảm trí nhớ (chiếm từ 60-80%). Hội chứng suy giảm trí nhớ là thuật ngữ nói về việc mất trí nhớ và các khả năng tư duy đủ nghiêm trọng có thể gây ra khó khăn cho cuộc sống hàng ngày.
Người bị Alzheimer đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể trị dứt điểm. Tuy nhiên mọi người có thể phòng và làm hạn chế quá trình tiến triển của bệnh.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer được đánh giá là bệnh lý thoái hóa và có mức độ tăng dần theo từng giai đoạn. Nguy hiểm nhất là khi bị mất khả năng sinh hoạt hàng ngày, kiệt sức, thoái hóa cơ, nặng hơn có thể tử vong do nhiễm trùng, viêm phổi và suy dinh dưỡng.
Mặc dù biểu hiện bệnh ở mỗi người sẽ có sự khác biệt, nhưng mức độ tiến triển và các dấu hiệu đặc trưng dưới đây đa phần đều sẽ gặp:
– Nhận thấy có dấu hiệu hay quên như: hỏi đi hỏi lại một vấn đề trong cuộc trò chuyện, quên đồ dùng, quên cuộc hẹn,…
– Lú lẫn về thời gian và không gian, có thể bị lạc ngay tại những nơi quen thuộc, dễ vấp ngã,…
– Khó khăn trong việc phát âm, diễn tả ngôn ngữ, hình ảnh.
– Suy giảm khả năng phán đoán: người bệnh luôn khó khăn trong việc quyết định, hay nhầm lẫn.
– Sợ sệt khi tiếp xúc với các hoạt động xã hội bên ngoài.
– Tâm trạng, tính tình thay đổi thất thường: dễ nổi nóng, thường xuyên lo lắng, căng thẳng,…
3. Các đối tượng có khả năng bị Alzheimer
Theo số liệu thống kê tính đến năm 2019 về bệnh Alzheimer, có khoảng 50 triệu người trên thế giới đang sống chung với căn bệnh này. Trong đó tại Mỹ có hơn 5 triệu người mắc và số lượng vẫn đang ngày một tăng lên. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó, đặc biệt từ 2011 tốc độ già hóa tăng lên đến hơn 11%. Tốc độ già hóa tăng kéo theo công cuộc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bị giảm đi khi đó người lớn tuổi sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc nhiều bệnh lý hơn như: tim mạch, tiểu đường, huyết áp,… đặc biệt là bị alzheimer.
Alzheimer là bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của não. Các biểu hiện sẽ bắt đầu từ nhẹ tới nghiêm trọng theo thời gian. Các đối tượng nằm trong nhóm nguy cơ cao bị Alzheimer có thể kể tới như:
– Di truyền: nếu trong gia đình có người mắc alzheimer thì nguy cơ rất cao bạn cũng có thể mắc phải bệnh lý này.
– Ngoài ra, một số ít trường hợp bị alzheimer là do ít vận động não: đọc sách, trò chơi liên quan đến tư duy,…
– Người bị các bệnh lý về tim mạch, tăng cholesterol hay người có hội chứng down.
– Người có chế độ và giờ giấc ăn uống thiếu khoa học và thiếu dinh dưỡng.
4. Điều trị và phòng ngừa đối với alzheimer
Như đã nói, hiện nay thì bệnh alzheimer chưa có cách điều trị dứt điểm. Việc sử dụng thuốc chủ yếu để cải thiện khả năng nhận thức, ngôn ngữ, và rối loạn giấc ngủ cho người bệnh. Ngoài ra để có thể phòng ngừa tốt nhất căn bệnh này, mọi người cần lưu ý:
4.1. Thường xuyên vận động trí não để tránh bị alzheimer
Nếu liên tục làm việc trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi kéo dài và không có thời gian rèn luyện não bộ thường xuyên sẽ làm cơ thể dễ rơi vào trạng thái chán nản, mất tập trung và sa sút trí tuệ. Vì vậy, các hoạt động làm tăng khả năng nhận thức sẽ giúp ích cho việc phòng bệnh. Bạn có thể bỏ ra từ 15-20 phút mỗi ngày để tích cực tham gia vào các hoạt động kích thích não bộ như: chơi cờ, đọc sách, học ngoại ngữ, xoay rubik,…
4.2. Thể dục và chế độ ăn uống phòng ngừa bị alzheimer
Theo các nghiên cứu khoa học, việc tập thể dục đều đặn mỗi ngày từ 20-30 phút và từ 5 ngày/tuần sẽ giúp giảm nguy cơ bị alzheimer lên đến 50%. Tuy nhiên, việc này lại là khó khăn với nhiều người do không có thời gian hay do lười. Để xây dựng được thói quen này một cách đều đặn và thường xuyên bạn có thể: thay đổi địa điểm luyện tập, thay đổi bài tập, vừa vui chơi vừa luyện tập,…
Khi cơ thể bị lão hóa, sự đe dọa về sa sút trí tuệ ngày càng tăng cao. Một trong những cách có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đến từ chế độ ăn uống. Sau đây là một số loại thực phẩm nên tăng cường sử dụng để phòng ngừa bệnh như:
– Đồ ăn, thực phẩm chứa hàm lượng vitamin E cao: ngũ cốc nguyên hạt,..
– Các loại cá: cá hồi, cá thu, cá ngừ,… giàu hàm lượng omega-3 và tốt cho não bộ.
– Rau có màu xanh đậm sẽ chứa nhiều vitamin E và folic hơn như: bông cải xanh, cải xoăn,…
– Hoa quả tươi: dâu, nho, mâm xôi,…
4.3. Phòng ngừa bằng cách kiểm soát giấc ngủ và tâm trạng
Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ cũng có khả năng cao dẫn đến alzheimer ở người cao tuổi. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều cũng là nguyên nhân và biểu hiện của chứng sa sút trí tuệ alzheimer. Vì vậy cần cân bằng giấc ngủ và thời gian ngủ phù hợp khoảng 8 tiếng/ngày. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng giờ giấc ngủ cố định.
Ngoài giấc ngủ, tâm lý và cảm xúc cũng ảnh hưởng rất nhiều. Khi cơ thể bị stress, lo âu kéo dài… sẽ làm sản sinh ra vô số gốc tự do. Các gốc này sẽ liên tục tấn công và gây nhiều ảnh hưởng cho hệ thần kinh, da, hệ hô hấp và tim mạch. Vì vậy mọi người cần giữ một tâm trạng thoải mái và hạn chế các vấn đề căng thẳng gây nổi nóng.
Cách điều trị tốt nhất đó là chủ động phòng ngừa bệnh. Để hạn chế sự xuất hiện và phát triển của alzheimer mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống ngủ nghỉ điều độ. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng chống gốc tự do để hạn chế các nguy cơ gây ra bệnh.