Viêm âm đạo do tạp khuẩn là một bệnh lý phụ khoa phổ biến ở phụ nữ hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng có sự hiểu biết đúng về căn bệnh này dẫn đến điều trị sai cách và những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Vài nét về viêm âm đạo do tạp khuẩn
Viêm âm đạo do tạp khuẩn là tình trạng viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục nữ. Chị em ở mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh, đặc biệt là những người đang trong độ tuổi sinh sản từ 20 đến 35 tuổi.
Trong môi trường âm đạo của nữ giới thường tồn tại song song hai loại vi khuẩn là Lactobacillus (vi khuẩn có lợi) và Anaerobes (vi khuẩn có hại).
Ở điều kiện thông thường ở môi trường âm đạo được duy trì ổn định, vi khuẩn có lợi luôn chiếm ưu thế hơn vi khuẩn có hại. Ngược lại, khi xảy ra sự mất cân bằng giữa hai loại vi khuẩn này, cụ thể số lượng vi khuẩn có hại nhiều hơn, từ đó gây ra viêm nhiễm vùng kín.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm âm đạo do tạp khuẩn
Theo các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về phụ sản tại bệnh viện Thu Cúc, viêm âm đạo do tạp khuẩn thường xuất phát từ một số nguyên nhân chính sau:
2.1. Vệ sinh vùng kín sai cách
Việc dùng tay hoặc dụng cụ thụt rửa sâu vào vùng kín của một số chị em khiến âm hộ bị tổn thương, gây dễ viêm nhiễm. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường xuất hiện các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có thành phần có tính tẩy rửa mạnh, độ pH không phù hợp. Ngoài tác dụng làm sạch, các chất này sẽ đồng thời lấy đi những vi khuẩn có lợi (Lactobacillus) trong âm đạo.
2.2. Quan hệ tình dục không an toàn
Phụ nữ hoạt động tình dục làm mất đi màng trinh – màng bảo vệ âm đạo khỏi các vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài. Thêm vào đó, quan hệ tình dục bừa bãi và không sử dụng biện pháp an toàn cũng là nguyên nhân khiến những chị em có thói quen này có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
2.3. Thiếu hụt vi khuẩn có lợi
Ở một số phụ nữ, cơ thể của họ thiếu hụt lượng vi khuẩn có lợi (Lactobacillus) cần thiết. Điều này vốn dĩ đã là sự mất cân bằng tự nhiên. Điều này đồng nghĩa với việc vi khuẩn có hại chiếm ưu thế hơn vi khuẩn có lợi.
2.4. Một số nguyên nhân khác
Ngoài các yếu tố trên, bệnh viêm âm đạo còn xuất phát từ các nguyên nhân như nguồn nước, sử dụng thuốc lâu dài (corticoid – thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai,…), sử dụng dụng cụ tránh thai. Không những thế, phụ nữ bị nhiễm HIV, mắc các bệnh tự miễn, đái tháo đường không kiểm soát hay phụ nữ mang thai thường dễ mắc phải viêm âm đạo.
3. Triệu chứng khi bị viêm âm đạo do tạp khuẩn
Chị em bị viêm âm đạo do tạp khuẩn thường có các biểu hiện như sau:
– Vùng kín có mùi hôi: Dù vệ sinh hàng ngày nhưng âm đạo của người bị viêm âm đạo vẫn có mùi hôi gây khó chịu cho bệnh nhân và những người xung quanh.
– Khí hư ra nhiều: Đây là hiện tượng xảy ra ở tất cả những người bị viêm âm đạo. Đặc biệt, khi khí hư chuyển sang màu trắng xám hoặc xanh nõn chuối thì đây là biểu hiện bệnh đang ở mức độ nặng.
– Ngứa ở bộ phận sinh dục: Viêm âm đạo gây cảm giác khó chịu, người bệnh sẽ bị ngứa rát thường xuyên. Cảm giác này sẽ nặng hơn sau khi đi tiểu hoặc sau khi giao hợp.
– Âm đạo xuất hiện nốt đỏ: Nốt mẩn đỏ nổi lên bất thường ở vùng âm đạo cũng là biểu hiện không nên bỏ qua, là một trong những triệu chứng của viêm âm đạo.
– Tiểu buốt: Dù ít gặp nhưng các triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt hay khó tiểu cũng là biểu hiện của những người bị viêm âm đạo.
Đây chỉ là những triệu chứng thường gặp và dễ nhận biết nhất khi bị viêm âm đạo do tạp khuẩn. Các triệu chứng này có thể sẽ nghiêm trọng hơn, người bệnh nên thăm khám ngay khi nhận thấy một trong các biểu hiện trên để kịp thời phát hiện và điều trị.
4. Cần làm gì để phòng ngừa và điều trị viêm âm đạo do tạp khuẩn?
Mặc dù viêm âm đạo do tạp khuẩn là một căn bệnh không hiếm gặp ở phụ nữ nhưng căn bệnh này lại gây ảnh hưởng rất lớn đối với người bệnh. Viêm âm đạo có thể gây vô sinh, sinh non, sảy thai, ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng và cuộc sống hàng ngày,…
Vì thế, chị em cần trang bị cho mình các kiến thức phòng tránh cũng như một số phương pháp điều trị cơ bản như sau:
4.1. Phòng ngừa viêm âm đạo do tạp khuẩn bằng cách nào?
– Hạn chế tối đa việc bơi ở bể bơi công cộng, tắm bồn tắm,…
– Không sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ có tính tẩy rửa mạnh. Nên lựa chọn loại có độ pH tự nhiên với môi trường âm hộ (từ 4,5 – 5,5 độ pH).
– Không thụt rửa âm đạo.
– Giữ vùng kín luôn khô thoáng, khi đi vệ sinh cần lau từ trước ra sau nhằm tránh lây lan vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo.
– Thay quần lót ít nhất 3 tháng/ lần, nên sử dụng quần lót có chất liệu thoáng mát như cotton và phơi nơi có ánh sáng mặt trời.
– Sử dung bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục.
– Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm các bệnh phụ khoa.
4.2. Điều trị viêm âm đạo do tạp khuẩn cần phải làm gì?
– Uống kháng sinh theo bác sĩ chỉ dẫn.
– Dùng thuốc đặt âm đạo theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng.
– Tuyệt đối không quan hệ tình dục thời gian này.
– Vệ sinh đúng cách vùng kín.
Viêm âm đạo do tạp khuẩn rất dễ phát bệnh, chị em rất dễ mắc lại nhiều lần hoặc chữa trị mãi không khỏi. Việc cần làm là thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị nghiêm ngặt theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Hy vọng rằng bài viết trên của chúng tôi đã phần nào giúp chị em hiểu hơn về bệnh viêm âm đạo do tạp khuẩn, từ đó có thể phòng tránh và điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày cho khoa học.
Liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc để được tư vấn và đặt lịch thăm khám cùng các chuyên gia đầu ngành về phụ khoa nhé!