Sán lá gan là một trong những bệnh lý gan mật lây qua đường tiêu hóa. Do sống ở dưới nước và ký sinh vào vật chủ nên sán lá gan có những đặc điểm riêng về cấu tạo để có thể lấy được dinh dưỡng tốt nhất. Cùng tìm hiểu cơ chế dinh dưỡng sán lá gan và cách kiểm soát căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Cách sán lá gan lấy dinh dưỡng nuôi cơ thể
Sau khi vào cơ thể người, động vật, sán lá gan sẽ ký sinh ở gan và đường mật, lấy dinh dưỡng của vật chủ để sinh trưởng và nối tiếp vòng đời của mình.
1.1 Cấu tạo cơ thể hỗ trợ quá trình lấy dinh dưỡng của sán lá gan
Sán lá gan có hình lá, cơ thể dẹp, dài 2 – 5 cm, màu đỏ máu. Để thích nghi với đời sống ký sinh nên mắt và lông bơi của sán lá gan bị tiêu giảm, thay vào đó các giác bám phát triển. Đồng thời cơ dọc, cơ vòng và cơ lưng bụng linh hoạt, giúp sán lá gan có thể chun, giãn, phồng, dẹp cơ thể, nhờ đó dễ chui rúc, luồn lách trong môi trường ký sinh để lấy dinh dưỡng.
1.2 Sán lá gan lấy dinh dưỡng như thế nào?
Sán có đĩa hút bụng và đĩa hút miệng. Trong khi đĩa hút bụng bám chặt vào cơ quan ký chủ thì đĩa hút miệng giúp sán lấy thức ăn và tiêu hóa thuận tiện. Phần hầu của sán lá gan có cơ khoẻ giúp miệng hút chất dinh dưỡng từ vật chủ và đưa vào 2 nhánh ruột để tiêu hóa. Tại đây, ruột được phân nhiều nhánh nhỏ, giúp sán lá gan vừa tiêu hoá vừa dẫn chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Cơ thể sán lá gan chưa có hậu môn.
2. Trong quá trình lấy dinh dưỡng sán lá gan gây ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh?
Sau khi vào cơ thể, ấu trùng sán lá gan sẽ vào dạ dày, sau đó xuyên qua thành ống tiêu hóa và ổ bụng lên gan và ký sinh trong đường mật.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sán lá gan sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Cụ thể, sán lá gan lớn ký sinh trong đường mật có thể phá hủy tổ chức gan gây tổn thương và tạo nên những tổ chức hoại tử không đồng nhất. Điều này làm tăng nguy cơ áp-xe gan, xơ gan, xung huyết gan.
Sán ký sinh ở đường mật có thể gây giãn, tắc đường mật, làm tổn thương các biểu mô đường mật, xơ hóa, ung thư đường mật. Tình trạng sỏi mật, viêm tụy cấp cũng thường xảy ra ở những người bị nhiễm sán lá gan lớn.
Trong một số trường hợp, ấu trùng sán lá gan có thể di chuyển đến ký sinh ở cơ, khớp, da, mắt, cơ quan sinh dục,… Khi sán lá gan lớn lạc chỗ có thể gây tổn thương, hoại tử tổ chức tại các cơ quan này, với biểu hiện đặc trưng là phản ứng viêm và xơ hóa.
3. Sán lá gan sinh trưởng và phát triển ra sao?
Sán lá gan phải ký sinh vào cơ thể người và động vật mới có thể phát triển chu kỳ của mình. Quá trình này có sự khác nhau nhất định giữa sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn.
3.1 Vòng đời của sán lá gan nhỏ
Sán lá gan nhỏ thường ký sinh ở người và một số động vật. Trứng sán được bài xuất ra ngoài theo đường phân, gặp môi trường nước ngọt ở sông suối, ao hồ… ký sinh trong ốc nước ngọt (thường thuộc giống Bithynia, giống Melania) và phát triển thành ấu trùng lông tơ. Ấu trùng chui ra khỏi trứng, phát triển thành bào tử nang đến ấu trùng đuôi, sau đó rời khỏi ốc chui qua da cá nước ngọt xâm nhập vào cơ thể cá. Tại đây chúng rụng đuôi thành hậu ấu trùng ký sinh ở da hoặc thịt cá.
Người bị nhiễm sán lá gan nhỏ là do uống nước lã, ăn cá sống, gan động vật nhiễm bệnh chưa nấu chín, ăn rau sống mọc dưới nước… có chứa trứng hoặc ấu trùng nang. Khi vào cơ thể người ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng, theo đường mật lên gan. Tại các mô gan, sán non phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong ống dẫn mật.
3.2 Vòng đời của sán lá gan lớn
Sán lá gan lớn trưởng thành sống và đẻ trứng trong ống mật của các động vật ăn cỏ (trâu, bò). Trứng sán theo phân ra ngoài, phôi bào phát triển thành ấu trùng lông tơ. Khi gặp môi trường nước, ấu trùng rời khỏi trứng, bơi trong nước, ký sinh trong ốc Lymnaea. Sau đó lần lượt phát triển qua các giai đoạn bào tử nang, ấu trùng đuôi. Ấu trùng rời khỏi ốc sẽ bám vào cây thủy sinh, rụng đuôi biến thành hậu ấu trùng.
Khi các loài động vật ăn cỏ hay người ăn các loại rau sống chứa sán, ấu trùng xâm nhập vào ruột non, mất vỏ và biến thành sán non, chui qua vách ruột, phúc mạc rồi xuyên qua gan và sống trong các ống mật khoảng 1 năm. Ngoài ra, sán non có thể lọt vào mạch máu theo tuần hoàn đi nhầm đến phổi, mắt, mô dưới da.
4. Điều trị sán lá gan
Bệnh sán lá gan được chẩn đoán dựa vào:
– Triệu chứng lâm sàng: đau tức vùng gan hay thượng vị, sốt, khó tiêu, chán ăn, gầy sút, rối loạn tiêu hóa…
– Cận lâm sàng: siêu âm thấy hình ảnh các ổ áp-xe, xét nghiệm ELISA dương tính, xét nghiệm máu thấy bạch cầu ái toan tăng cao.
Dựa vào kết quả chẩn đoán, các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Dùng thuốc là phương pháp điều trị sán lá gan chủ yếu hiện nay. Thuốc điều trị sán lá gan thường được chỉ định là Triclabendazol với liều dùng như sau:
– Người lớn: dùng liều cơ bản 10mg/kg. Nếu không khỏi có thể tăng lên 20mg/kg, chia làm 2 lần, uống cách nhau 12-24 giờ.
– Trẻ em: Trẻ từ 6 tuổi trở lên sử dụng liều như người lớn. Chưa có nghiên cứu thử nghiệm với trẻ em dưới 6 tuổi.
– Phụ nữ đang cho con bú: Có thể dùng thuốc này nhưng nên kiêng cho con bú trong 72 giờ sau khi uống thuốc.
Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như: vã mồ hôi, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau bụng, tức ngực,…
Những thông tin trên đây hi vọng đã giúp bạn hiểu về dinh dưỡng sán lá gan, đặc điểm sinh trưởng của loại sán này. Để phòng chống bệnh sán lá gan , mỗi người cần thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, phòng bệnh cho gia súc… Khi có các triệu chứng bệnh, nên đến các cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị sớm.