Bệnh cường tuyến giáp nếu không được phát hiện, điều trị và kiểm soát rất dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Vậy bệnh cường giáp là gì? Người mắc bệnh có những dấu hiệu nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về bệnh lý tuyến giáp này thông qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Cường tuyến giáp là gì?
Cường tuyến giáp (cường giáp) là tình trạng tuyến giáp làm việc quá mức, lượng hormone tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin) sản xuất vượt quá nhu cầu của cơ thể, từ có làm tăng nồng độ hormone trong máu.
Tỷ lệ người mắc bệnh cường tuyến giáp ở nam giới thấp hơn nữ giới và rất ít khi gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Vì vậy, việc phát hiện sớm căn bệnh này vô cùng quan trọng, quyết định trực tiếp đến việc điều trị và hiệu quả thu được.
2. Những nguyên nhân nào gây bệnh cường giáp?
Có nhiều yếu tố gây bệnh cường giáp, trong đó bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến, chiếm hơn 70 % trường hợp. Bệnh Basedow xảy ra khi các tự kháng thể trong máu kích hoạt tuyến giáp khiến tuyến này phát triển bất thường cũng như tiết lượng lớn horome.
Bướu đa nhân độc cũng là một trong những nguyên do gây bệnh cường giáp, thường thấy ở người lớn tuổi.
Ngoài ra còn có một vài nguyên nhân ít gặp khác phải kể đến là:
– Do sử dụng các chế phẩm có iod như thuốc cản quang, amiodaron.
– Tuyến giáp bị viêm.
– Do uống hormone tuyến giáp.
– Viêm tuyến giáp bán cấp, Adenoma tuyến giáp.
– Tiền sử gia đình có người mắc bệnh cường giáp, bệnh Basedow…
3. Triệu chứng điển hình của người mắc bệnh cường giáp
Do đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi và chuyển hóa chất của cơ thể nên việc hormone tuyến giáp sản sinh quá nhiều có thể khiến các chức năng khác bị ảnh hưởng. Khi đó, người bị bệnh cường giáp sẽ có những dấu hiệu sau:
– Đánh trống ngực, hồi hộp: Cảm giác tim đập mạnh, có thể thấy khó thở, đau ngực.
– Nhạy cảm với nhiệt độ: Thân nhiệt cao nên người bệnh không chịu được thời tiết nóng nực, sợ nóng.
– Tiêu chảy: Nhu động ruột tăng thường xuyên gây tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
– Bướu cổ: Vùng cổ chứa tuyến giáp bị phình to.
– Run tay: Tình trạng run tay xuất hiện khiến người bệnh không tự kiểm soát được.
– Cân nặng sụt giảm: Dù chế độ ăn hàng ngày vẫn bình thường nhưng người mắc bệnh cường giáp vẫn bị sụt cân.
– Giấc ngủ bị rối loạn, khó ngủ, ngủ ngắn.
– Ra nhiều mồ hôi: Tình trạng ra nhiều mồ hôi có thể xảy ra cả khi người bệnh ngồi yên một chỗ.
– Cơ thể mệt mỏi, dễ cáu giận, hay lo lắng.
– Bệnh Basedow còn có thêm dấu hiệu chói mắt, chảy nước mắt, lồi mắt.
4. Bệnh cường giáp có gây nguy hiểm?
Người mắc bệnh cường giáp giai đoạn nặng thường phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Một số biến chứng có thể xảy ra với người bệnh là:
– Bệnh mắt tuyến giáp: Bị đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng, thậm chí bị mất thị lực.
– Cơn bão giáp: Có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh.
– Biến chứng ở phụ nữ mang thai: Điển hình là cao huyết áp, sinh non, sẩy thai.
– Loãng xương.
5. Cách chẩn đoán bệnh cường giáp
Bệnh cường tuyến giáp khó có thể phục hồi nếu không được phát hiện và thực hiện điều trị sớm. Ngay khi xuất hiện những dấu hiệu đáng ngờ, bạn cần tới cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán, tránh biến chứng nguy hiểm.
Các phương pháp chẩn đoán cường giáp hiện nay:
– Khám lâm sàng để phân tích bệnh sử, triệu chứng.
– Siêu âm hoặc xạ hình tuyến giáp: Mục đích xem tuyến giáp của người bệnh có khối u, bị viêm hay hoạt động quá mức hay không.
– Thực hiện xét nghiệm máu: Mục đích đo nồng độ hormone tuyến giáp cũng như kháng thể tự miễn của tuyến nội tiết này.
Các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm định lượng TSH (Hormone kích thích tuyến giáp), T3 (Hormone tuyến giáp triiodothyronin) và T4 (Hormone tuyến giáp thyroxine). Trường hợp bệnh nhân bị cường tuyến giáp, T3 và T4 sẽ tăng, còn TSH giảm.
Ngoài ra bệnh nhân còn tiến hành định lượng nồng độ các tự kháng thể như AntiTPO, TRAb. Với người bệnh Basedow, có 80 – 90% trường hợp dương tính với TRAb.
6. 3 phương pháp điều trị bệnh cường giáp hiện nay
Có 3 phương pháp điều trị bệnh cường giáp, bao gồm: điều trị bằng thuốc, liệu pháp phóng xạ và phẫu thuật tuyến giáp. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau cho người bệnh.
6.1 Điều trị cường tuyến giáp bằng thuốc (nội khoa)
Trường hợp phát hiện bệnh sớm, bệnh cường giáp có thể được điều trị bằng thuốc. Thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc an thần… sẽ được bác sĩ chỉ định cho từng người bệnh.
Quá trình điều trị cường tuyến giáp bằng thuốc cần được người bệnh thực hiện liên tục từ 12-18 tháng. Trong thời gian đó, nếu không còn các triệu chứng của cường giáp, bệnh nhân cũng không được tự ý bỏ thuốc.
6.2 Điều trị cường tuyến giáp bằng liệu pháp phóng xạ iod
Liệu pháp phóng xạ được chỉ định khi người bệnh điều trị bằng thuốc không có kết quả, bệnh tái phát sau phẫu thuật, bệnh nhân trên 40 tuổi có bướu nhỏ, người suy tim nặng không dùng được thuốc kháng giáp tổng hợp.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai, đang cho con bú, hoặc thường xuyên giảm bạch cầu máu… sẽ không thể điều trị bằng phương pháp này. Bởi nó có thể gây hại cho tuyến giáp của thai nhi trong bụng và có thể truyền từ mẹ sang con thông qua sữa mẹ.
6.3 Điều trị bằng phẫu thuật tuyến giáp
Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật trong trường hợp: Điều trị bằng thuốc thất bại, bệnh hay tái phát, bướu quá to, phụ nữ ở tháng thứ 3-4 của thai kỳ, đang cho con bú, không có điều kiện điều trị bằng thuốc.
Việc điều trị lúc này là cắt gần như toàn bộ tuyến giáp, chỉ để 2 – 3g mỗi thùy nhằm tránh cắt sang tuyến cận giáp.
Bệnh cường giáp có thể chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật. Sau khi tuyến giáp được loại bỏ, căn nguyên gây bệnh cũng được trị tận rễ, có thể thành suy giáp. Tương tự suy giáp, sau khi điều trị bằng phóng xạ, nồng độ hormone tuyến giáp của người bệnh có thể khôi phục lại bình thường. Bệnh nhân sẽ điều trị bằng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp, mỗi ngày 1 lần.
Với những chia sẻ trong bài viết, chúng tôi hi vọng có thể cung cấp đầy đủ thông tin về cường giáp cũng như triệu chứng, phương pháp điều trị bệnh. Hơn hết, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân bằng việc thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ. Những thông tin trên đây chỉ có ý nghĩa tham khảo, khi nghi ngờ hoặc có dấu hiệu, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế uy tín để khám và chữa bệnh kịp thời.