Nhồi máu cơ tim thành sau là một loại nhồi máu phân theo vị trí vùng cơ tim hoại tử, thường không xuất hiện đơn độc mà đi kèm với nhồi máu thành dưới và thành bên. Cùng theo dõi bài biết dưới đây để biết loại nhồi máu cơ tim này biểu hiện như thế nào trên lâm sàng và cận lâm sàng và cách điều trị ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Nhồi máu cơ tim thành sau là gì?
Dựa theo vị trí vùng cơ tim bị hoại tử, người ta chia nhồi máu cơ tim (MI) thành các dạng như:
– Nhồi máu cơ tim trước vách
– Nhồi máu cơ tim trước bên
– Nhồi máu cơ tim thành dưới
– Nhồi máu cơ tim thành bên
– Nhồi máu cơ tim thành sau
– Nhồi máu cơ tim thất phải
Trong đó, nhồi máu cơ tim (MI) thành sau là loại nhồi máu mà tình trạng hoại tử xảy ra ở vùng cơ tim phía sau quả tim. Dạng nhồi máu cơ tim này thường không đơn độc mà xuất hiện cùng với các dạng nhồi máu khác. MI thành sau đơn độc chỉ chiếm 3 – 11% các trường hợp nhồi máu. Nhồi máu sau đi kèm với 15 – 20% của nhồi máu cơ tim ST chênh lên (STEMI) và thường xảy ra trong bối cảnh của nhồi máu cơ tim thành dưới hay thành bên. Vì vậy, cần cảnh giác với bằng chứng của MI thành sau ở bất kỳ bệnh nhân nào có STEMI thuộc một trong các dạng này.
2. Nhồi máu cơ tim vùng thành sau có nguy hiểm không?
MI thành sau thường xảy ra do sự mở rộng của một vùng nhồi máu thành dưới hoặc bên. Do đó, vùng cơ tim bị hoại tử cũng lớn hơn so với các loại nhồi máu cơ tim đơn độc. Cũng có nghĩa nguy cơ tử vong cũng tăng lên do tăng rối loạn chức năng thất trái.
Trong khi đó, nhồi máu thành sau đơn độc cũng rất nguy hiểm khi là một dấu hiệu cho thấy cần phải cấp cứu tái tưới máu mạch vành.
3. Biểu hiện của nhồi máu cơ tim vùng thành sau trên điện tâm đồ
Điện tâm đồ là một kỹ thuật quan trọng trong chẩn đoán phân biệt các loại nhồi máu cơ tim. Phương pháp ghi lại nhịp tim này có thể cho thấy những bất thường trong hoạt động co bóp của tim do hoại tử cơ tim gây ra.
3.1 Dấu hiệu nhồi máu cơ tim trên đạo trình trước vách V1 – 3
Hình ảnh nhồi máu sau trên điện tâm đồ
MI thành sau thường không thể hiện trực tiếp theo 12 đạo trình điện tâm đồ tiêu chuẩn. Những thay đổi đối ứng của STEMI được tìm kiếm trong các đạo trình trước vách V1 – 3.
Nhồi máu cơ tim xảy ra ở thành sau được nhận định bởi các thay đổi trong V1 – 3 như:
– Đoạn ST chênh xuống đi ngang
– Sóng R cao rộng (> 30ms), T thẳng đứng
– Sóng R nổi trội với tỷ lệ R/S > 1 trong V2
Giải thích
Các đạo trình trước vách hướng từ vùng trước tim về phía bên trong bề mặt cơ tim thành sau. Hoạt động điện của thành sau tim được ghi lại từ phía trước của tim. Nên hình ảnh điển hình tổn thương là sự đảo ngược của ST chênh lên và sóng Q, cụ thể:
– Đoạn ST chênh lên thành ST chênh xuống
– Sóng Q trở thành sóng R
– Sóng T đảo ngược biến đổi thành sóng T thẳng đứng
Theo đó, sự tiến triển của sóng R trong nhồi máu thành sau chính là hình ảnh phản ánh sự phát triển của sóng Q trong nhồi máu cơ tim ST chênh lên trước vách.
Ở những bệnh nhân có dấu hiệu của thiếu máu cục bộ, nếu ST đi ngang chênh xuống trong các đạo trình V1 – 3 thì nên nghi ngờ về MI thành sau.
3.2 Hình ảnh của nhồi máu cơ tim thành sau trên các đạo trình sau V7 – 9
Đạo trình V7 – 9 được đặt trên lồng ngực trong mặt phẳng nằm ngang giống như V6 theo các vị trí sau:
V7: đường nách sau trái
V8: chóp của xương bả vai trái
V9: khu vực trái cạnh gai sống
Nhồi máu cơ tim vùng thành sau được xác định bởi sự hiện diện của ST chênh lên và sóng Q của các đạo trình V7 – 9.
4. Các dấu hiệu lâm sàng
Bên cạnh những dấu hiệu trên điện tâm đồ, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu của suy tim như:
– Đau thắt ngực
Người bệnh thường cảm thấy có áp lực hoặc đau trong lồng ngực, nhất là bên phía bên trái cơ thể. Cơn đau có thể lan lên cổ, hàm, xuống vai, cánh tay, ra sau lưng. Trường hợp này thường là cơn đau thắt ngực không ổn định. Nếu cơn đau ngực xảy ra trên 20 phút, không giảm ngay cả khi dùng thuốc giãn mạch hoặc nghỉ ngơi thì bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay. Cơn đau thắt ngực do nhồi máu cơ tim thường dữ dội khiến người bệnh choáng ngất.
Ngoài triệu chứng đau thắt ngực điển hình, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng trên toàn cơ thể do chức năng cơ tim suy giảm như: khó thở, ho, đánh trống ngực, hồi hộp, phù chân,…
Các triệu chứng khác có thể gặp phải trên các đối tượng như phụ nữ, người cao tuổi hay người bệnh đái tháo đường gồm:
– Đau cổ hoặc hàm
– Đau vai hay cánh tay
– Thở nông khi hoạt động thể chất
– Buồn nôn và nôn mửa
– Đầy bụng, khó tiêu
– Cảm thấy khó thở, nghẹt thở
– Đổ mồ hôi lạnh
– Mệt mỏi
– Chóng mặt, choáng váng
Khi thăm khám cho các bệnh nhân này, bác sĩ có thể thấy các biểu hiện sau đây:
– Nhịp tim nhanh so với bình thường
– Tiếng tim mờ, một số trường hợp có tiếng ngựa phi
– Xuất hiện tiếng thổi khi nghe tim
– Thấy riếng ran ứ đọng ở phổi
– Các triệu chứng của suy tim, phù phổi cấp
5. Điều trị nhồi máu thành sau
5.1 Tính cấp thiết của việc điều trị nhồi máu cơ tim thành sau
Giống như các loại nhồi máu cơ tim nói chung, MI thành sau cần được cấp cứu ngay, nếu không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm, chụp chiếu nhằm xác định nhồi máu cơ tim hoặc phân biệt với hội chứng đau ngực; viêm màng ngoài tim cấp; các bệnh lý tiêu hóa; phình tách động mạch chủ; thuyên tắc động mạch phổi lớn; thủng/vỡ thực quản, cơn nhồi máu cơ tim giả như bệnh cơ tim do nhiễm bột, xơ cứng bì, dày thất, bệnh cơ tim lan tỏa, xuất huyết não, chấn thương sọ,…
5.2 Các phương pháp điều trị
Tùy vào tình trạng bệnh, các bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều biện pháp điều trị:
– Giảm đau bằng Morphin, Promedol tiêm dưới da, hoặc tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch
– Đặt đường truyền tĩnh mạch, thở oxy nhằm dự phòng sốc
– Sử dụng Nitrat, phổ biến là Nitroglycerin
– Điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối, thuốc chống đông và chống ngưng tập tiểu cầu
– Truyền chất gây giãn mạch như thuốc chẹn kênh canxi, adenosine hay nitroprusside…
– Phòng tái phát bằng các loại thuốc điều trị tim mạch
Lưu ý, các loại thuốc hay phương pháp điều trị trên đây chỉ có tính chất tham khảo, có thể thay đổi hoặc điều chỉnh tùy vào tình trạng thực tế của bệnh nhân. Vì vậy, ngay khi thấy người bệnh có các biểu hiện nhồi máu cơ tim, hãy đưa họ đi cấp cứu ngay để được chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị chính xác.
Tóm lại, nhồi máu cơ tim thành sau là tình trạng nguy hiểm. Các dấu ấn của bệnh này thể hiện trên hình ảnh điện tâm đồ và một số chẩn đoán cận lâm sàng khác. Việc cấp cứu kịp thời, thực hiện các chẩn đoán và điều trị phù hợp là rất quan trọng, quyết định khả năng sống của bệnh nhân.