Điều trị viêm xoang mãn tính muốn hiệu quả tốt cần được thực hiện sớm. Chính vì thế, bản thân người bệnh nên chủ động để nhận biết bệnh lý này. Chữa viêm xoang mạn tính khi bệnh mới hình thành sẽ tạo những ưu thế cho người điều trị. Đồng thời, hạn chế các biến chứng mà bệnh gây nên.
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết bệnh viêm xoang mạn tính bằng cách nào?
1.1. Phân biệt viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính
Viêm xoang – tình trạng viêm nhiễm, bít tắc vùng xoang được chia thành nhiều dạng, tùy thuộc vào tính chất, nguyên nhân, biểu hiện bệnh. Trong đó, xét về thời gian kéo dài của bệnh, chúng ta thường thấy hai dạng cơ bản là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính.
Với viêm xoang cấp, triệu chứng viêm xoang thường kéo dài không quá 8 tuần. Một số tài liệu có thể phân chia khoảng thời gian này thành viêm xoang bán cấp và viêm xoang cấp tính với mốc thời gian 4 tuần.
Còn viêm xoang mạn tính là bệnh viêm xoang có triệu chứng kéo dài trên 8 tuần dù đã điều trị. Tình trạng bệnh lý này thường do các nguyên nhân như:
– Tình trạng viêm xoang cấp không được điều trị đúng cách và kịp thời.
– Biến chứng từ thể viêm xoang dị ứng.
– Các yếu tố môi trường
– Tình trạng cấu trúc giải phẫu bất thường của mũi.
– Hội chứng trào ngược.
1.2. Nhận biết viêm xoang mạn tính để điều trị hiệu quả
Biểu hiện viêm xoang mạn tính gần tương tự như viêm xoang cấp tính với một số điểm khác biệt nhỏ. Các triệu chứng bệnh thường bắt đầu sau đợt cảm lạnh hoặc viêm mũi, viêm nhiễm hệ hô hấp trên. Các biểu hiện thường thấy nhất báo hiệu viêm xoang mạn tính là:
– Tình trạng tắc mũi, ngạt mũi quen thuộc của bệnh hệ hô hấp.
– Thường xuyên xì mũi. Mũi có dịch đặc màu vàng hoặc xanh. Đặc điểm này giúp phân biệt với viêm xoang cấp. Với viêm xoang cấp, tình trạng chủ yếu là hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, chảy dịch trong.
– Đau nhức vùng mặt ở vị trí má, trán.
– Khứu giác giảm hoặc mất năng lực cảm nhận mùi.
– Các triệu chứng có thể kèm theo: đau đầu, ho, mệt mỏi, hơi thở có mùi, sốt,…
Khi đi khám, có thể thấy: Dịch mủ nhầy, đặc ở mũi cùng tình trạng phù nề niêm mạc mũi… Hình ảnh nội soi sẽ là căn cứ quan trọng để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và đánh giá tình trạng viêm xoang. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.
2. Chữa viêm xoang mạn tính sớm, phòng ngừa biến chứng
2.1. Nguyên tắc chung khi chữa viêm xoang mạn
Khi điều trị bệnh viêm xoang mạn tính, các bác sĩ đều hướng đến mục đích an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, tránh biến chứng cho người bệnh. Việc trị viêm xoang dựa trên các nguyên tắc như:
– Mục đích hạn chế và loại bỏ các triệu chứng bệnh.
– Hạn chế vấn đề can thiệp cấu trúc mũi trong điều trị
– Loại bỏ các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn, siêu vi,…
– Ngăn ngừa biến chứng viêm xoang mạn tính gây ra cho người bệnh
– Phẫu thuật trong các tình huống viêm xoang mạn tính do cấu trúc mũi.
– Điều trị các bệnh lý liên quan như: trào ngược, viêm tai,…
2.2. Phác đồ khi điều trị viêm xoang mạn
Với mỗi trường hợp viêm xoang mạn tính, các bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp. Trong đó, điều trị nội khoa là phương pháp ưu tiên chữa bệnh.
2.2.1. Điều trị nội khoa
Sau khi kiểm tra tác nhân gây bệnh và tình trạng bệnh lý, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như:
+ Thuốc kháng sinh kê trong 2-3 tuần.
+ Corticosteroid dạng uống, dạng xịt
+ Thuốc điều trị tại chỗ
+ Thuốc co mạch
+ Nước rửa mũi, rửa mũi xoang.
Lưu ý rằng, với mỗi trường hợp viêm xoang mạn tính, thì việc chỉ định dùng thuốc sẽ khác nhau. Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như tình trạng bệnh lý của từng người. Do đó, không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngay cả khi bản thân bị tái viêm xoang mạn tính, cũng không được tự dùng đơn thuốc cũ để điều trị bệnh.
2.2.2. Phẫu thuật xoang viêm mạn tính
Việc phẫu thuật viêm xoang không phải là lựa chọn cho mọi trường hợp. Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi tình trạng viêm mũi xoang của bệnh nhân đã điều trị nội khoa tối đa nhưng không có kết quả như mong muốn. Hoặc, người bệnh viêm xoang do vấn đề dị hình giải phẫu mũi. Ngoài ra, nếu xuất hiện thoái hóa polyp mũi xoang thì cũng cần cân nhắc thực hiện phẫu thuật.
Các phẫu thuật nội soi mũi xoang có:
– Phẫu thuật nội soi chức năng dạng tối thiểu
– Phẫu thuật nội soi xoang mở sàng – hàm
– Phẫu thuật nội soi xoang mở sàng – hàm – trán – bướm.
Sau điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ:
– Rút merocel mũi sau điều trị
– Sử dụng kháng sinh khoảng 1 đến 2 tuần.
– Các thuốc corticosteroid dạng uống, dạng xịt
– Thuốc co mạch
– Thuốc vệ sinh mũi, xoang
– Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, nâng cao đề kháng và thể trạng.
3. Những phương pháp kết hợp khi điều trị viêm xoang mãn tính
Trong quá trình điều trị viêm xoang mạn tính, người bệnh nên chú ý thực hiện những lưu ý sau để việc điều trị và phục hồi được thuận lợi:
– Bảo vệ hệ hô hấp bằng các hình thức như: súc miệng, rửa họng, đeo khẩu trang.
– Tránh các yếu tố nguy cơ gây dị ứng cho mũi xoang.
– Giữ ấm cơ thể phù hợp. Không chỉ trong mùa đông, mà mùa hè cũng cần chú ý điều này. Đặc biệt, khi dùng quạt hay điều hòa, tránh để không khí lạnh trực tiếp phả lên đầu và cổ họng.
– Vệ sinh phòng ốc, nơi ở, nơi làm việc và các thiết bị như quạt, điều hòa thường xuyên.
– Tăng cường rèn luyện thể thao để nâng cao sức khỏe điều độ, hợp lý. Cần xây dựng chế độ ăn uống xanh, khoa học. Đồng thời, nên bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết để nâng cao thể trạng và sức đề kháng của bản thân.
Điều quan trọng cần nhớ là, điều trị viêm xoang mãn tính cần thực hiện sớm và theo sát chỉ định của bác sĩ. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng phát sinh từ bệnh. Đồng thời, cũng giúp việc điều trị được thuận lợi hơn. Vì vậy, đừng nên bỏ lỡ thời điểm chữa viêm xoang mạn tính cần thiết cho mình. Hãy nâng cao cảnh giác, phát hiện bệnh sớm để điều trị hiệu quả.