Mặc dù rôm sảy không phải là tình trạng quá nguy hiểm, tuy nhiên vấn đề này khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy và gây mất thẩm mỹ cho làn da. Việc nhận biết các dấu hiệu trẻ bị rôm sảy sớm giúp cha mẹ có cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả cho bé.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao trẻ bị mọc rôm sảy?
Thực tế, tình trạng mọc rôm sảy ở trẻ bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có một vài lý do chính khiến trẻ tăng nguy cơ mọc rôm sảy như:
– Thời tiết: Trẻ thường mọc rôm sảy vào mùa hè nhiều hơn mùa đông. Nguyên nhân là do thời tiết nóng bức thường khiến trẻ tiết mồ hôi nhiều hơn. Khi mồ hôi không thoát hết sẽ ứ đọng trong các ống bài tiết và các ống này bị bụi bịt kín sẽ gây ra tình trạng rôm sảy.
– Bé ủ ấm quá kỹ: Do tâm lý sợ con lạnh nên nhiều cha mẹ thường mặc nhiều quần áo, kết hợp thêm việc ủ ấm nhiều chăn quanh cơ thể bé.
– Vệ sinh da: Trẻ nếu không được vệ sinh da đúng cách, sạch sẽ hàng ngày thì tình trạng mọc rôm sảy cũng thường xuyên xảy ra tại những vùng da này.
Khi trẻ mọc rôm sảy, cơ thể sẽ có biểu hiện là nổi nhiều mụn nhỏ màu hồng hoặc mụn mủ trắng xen lẫn. Mụn có thể mọc lấm tấm, mọc dày đặc hoặc từng mảng trên da trẻ. Vị trí rôm sảy hay xuất hiện là ở vùng đầu, cổ, vai, lưng và các nếp gấp của cơ thể. Khi trẻ mọc rôm sảy con thường ngứa ngáy, biểu hiện khó chịu, quấy khóc.
2. Những dạng rôm sảy thường mọc ở trẻ và dấu hiệu nhận biết
Để có cách điều trị rôm sảy hiệu quả, trước tiên cha mẹ cần phân biệt được từng loại rôm sảy ở con. Được biết, rôm sảy thường chia thành 4 dạng dựa trên mức độ tắc nghẽn ống dẫn mồ̀ hôi như sau:
– Trẻ bị rôm sảy kết tinh: Tình trạng rôm sảy kết tinh này thường xuất hiện khi ống mồ hôi ở lớp sừng ngoài cùng của da bị bít tắt, lúc này trên bề mặt da trẻ sẽ xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti, trong suốt rất dễ vỡ. Loại rôm sảy này khá lành tính, vì gần như không gây ra tác động tiêu cực nào tới làn da của bé
– Trẻ mọc rôm sảy đỏ: Rôm sảy đỏ được đánh giá là có mức độ tổn thương sâu. Khi mọc, rôm sảy đỏ sẽ nổi dưới các mụn gai đỏ nên bé thường cảm thấy ngứa ngáy gây khó ngủ hoặc ngủ không ngon.
– Trẻ mọc rôm sảy mủ: Rôm sảy mủ được xác định là tình trạng rôm sảy ở trẻ đã trở nặng. Lúc này không đơn thuần là ngứa mà bé có thể phải gặp thêm tình trạng nhiễm trùng da. Nguyên nhân là do những nốt rôm sảy này bị vỡ ra có thể gây chảy máu, hình thành vết thương hở từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, xâm nhập vào da trẻ gây nên tình trạng nhiễm trùng.
– Trẻ bị rôm sảy sâu: Tình trạng rôm sảy sâu thường tái đi, tái lại nhiều lần nguyên nhân là do tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn sâu bên trong gây ra các nốt mụn đỏ sần. Rôm sảy này tuy không khiến trẻ khó chịu nhưng lại có nguy cơ cao nhiễm trùng sâu.
Có thể thấy mặc dù rôm sảy chỉ là bệnh lý ngoài da thường gặp ở trẻ, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây nguy hiểm nếu cha mẹ chủ quan và không phòng ngừa cho bé. Do đó khi nhận thấy trẻ bị rôm sảy, cha mẹ cần chủ động xem con đang bị rôm sảy ở mức độ nào để từ đó tìm kiếm giải pháp điều trị phù hợp.
3. Rôm sảy ở trẻ nên phòng ngừa và điều trị thế nào?
Về bản chất, rôm sảy ở trẻ có thể tự khỏi khi nhiệt độ môi trường và nhiệt độ cơ thể trẻ được hạ xuống cũng như nếu rôm sảy ở thể nhẹ. Tuy nhiên, tình trạng bé nổi rôm sảy vẫn có thể tái phát khi thời tiết nắng nóng trở lại. Để điều trị rôm sảy ở trẻ cha mẹ có thể tham khảo một số cách sau đây:
3.1 Cách phòng ngừa rôm sảy ở trẻ
Phòng ngừa luôn là cách đơn giản và dễ nhất để giảm nguy cơ tình trạng rôm sảy ở trẻ phát triển nặng. Cha mẹ có thể tham khảo một vài cách phòng ngừa rôm sảy hiệu quả như:
– Với trẻ nhỏ nên ưu tiên chọn cho con những loại tã tốt để giúp giảm tình trạng hăm da và nổi rôm.
– Luôn ưu tiên mặc cho bé những bộ đồ làm từ chất liệu cotton, thấm hút mồ hôi tốt.
– Khi cơ thể trẻ đổ mồ hôi cần lau thường xuyên và tắm cho con để loại bỏ bụi bẩn, tránh để mồ hôi đọng trên da bé quá lâu.
– Cho trẻ sinh hoạt trong những không gian mát mẻ
– Khuyến khích con uống đủ nước mỗi ngày và ăn nhiều rau xanh, trái cây.
– Khi trẻ chỉ nổi chớm rôm sảy, cha mẹ nên tham khảo cách điều trị rôm sảy. Không nên để tình trạng này kéo dài, khiến con ngứa ngáy bé sẽ gãi nhiều từ đó khiến da bị tổn thương.
3.2 Cách điều trị rôm sảy
Khi trẻ bị rôm sảy, điều đầu tiên là cha mẹ cần chủ động đưa con tới gặp bác sĩ để kiểm tra. Bác sĩ có thể kê cho bé một vài loại thuốc bôi để làm dịu da, tránh nhiễm khuẩn đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc trẻ như thế nào là tốt nhất với tình trạng hiện tại. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần chủ động vệ sinh da và không gian sống cho trẻ thật sạch sẽ nên mặc cho con những bộ quần áo mỏng nhẹ, dễ thấm hút mồ hôi và không nên ủ ấm bé quá kỹ. Song song với đó nên tắm mát cho bé nhiều hơn để vừa làm mát cơ thể, vừa giúp da sạch sẽ, hết mồ hôi.
Lưu ý, cha mẹ không tự ý bôi đắp cho trẻ những loại thuốc lá, thuốc đông y hay thuốc bột nên da trẻ khi chưa có sự tư vấn từ những người có chuyên môn. Bởi điều này rất nguy hiểm, có thể khiến da trẻ bị bội nhiễm, do da bé còn non rất dễ bị tổn thương.
Vì thế khi lựa chọn bất cứ phương pháp điều trị tình trạng rôm sảy nào cho trẻ, cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ để có được cách chữa trị an toàn và hiệu quả nhất.
Có thể thấy dấu hiệu trẻ bị rôm sảy khá dễ nhận biết. Cha mẹ nên chú ý khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu rôm sảy đầu tiên nên điều trị kịp thời để có được kết quả tốt nhất.