Viêm lợi làm lợi sưng, chảy máu, đau,…, ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai và cuộc sống thường nhật của bệnh nhân. Vậy, nguyên nhân viêm lợi chảy máu chân răng là gì? Làm thế nào để có thể nhanh chóng thoát khỏi bệnh lý này? Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau, bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm
Viêm lợi là thuật ngữ nha khoa được sử dụng để gọi tình trạng viêm tại lợi. Thông thường, viêm lợi sẽ phát triển qua 2 giai đoạn:
– Viêm cục bộ: Ở giai đoạn này, viêm lợi chưa gây đau đớn cho người bệnh. Biểu hiện của nó chỉ là lợi sưng, đỏ, có thể chảy máu khi chịu tác động vật lý như khi bệnh nhân vệ sinh răng miệng, ăn nhai, nói chuyện,… Khi lợi viêm cục bộ, răng và các tổ chức xung quanh răng (ngoài lợi) chưa phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nào. Khả năng điều trị dứt điểm viêm lợi giai đoạn này là rất cao.
– Viêm cận răng: Viêm cục bộ không được điều trị kịp thời, tình trạng tụt lợi sẽ xuất hiện, các lỗ hổng ở xung quanh răng sẽ hình thành. Tại các khoảng trống đó, mảnh vụn thức ăn có thể tích tụ, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển mạnh mẽ. Lúc này, cơ thể sẽ bị kích thích giải phóng enzyme để chiến đấu với vi khuẩn. Độc tố của vi khuẩn và enzyme của cơ thể sẽ phá hủy mô nướu và hàm. Khi tình trạng này diễn ra, viêm lợi được xác định là đã bước vào giai đoạn viêm cận răng. Dấu hiệu nhận biết tổng thể của giai đoạn viêm cận răng là lợi sưng, đỏ, chảy máu (khi vệ sinh răng miệng, ăn nhai, nói chuyện,…), đau, có thể chảy mủ khi bị ấn/chạm, má sưng phía lợi sưng, miệng hôi,…
2. Nguyên nhân viêm lợi chảy máu chân răng là gì?
Nguyên nhân viêm lợi chảy máu chân răng chủ yếu là vệ sinh răng miệng kém. Cụ thể, cơ chế sinh viêm lợi do không vệ sinh răng miệng cẩn thận là như sau:
– Hình thành mảng bám: Sau khi ăn 10 – 15 phút, một lớp màng sinh học sẽ xuất hiện trên bề mặt răng. Nếu bệnh nhân vệ sinh răng miệng, chúng sẽ biến mất và mọi chuyện kết thúc. Ngược lại, nếu bệnh nhân không, ngày qua ngày, nó sẽ dày lên. Cho đến một độ dày nhất định, màng này sẽ trở thành mảng bám.
– Hình thành cao răng: Mảng bám ban đầu mềm, không khó để loại bỏ. Tuy nhiên, trạng thái mềm – dễ xử lý này không tồn tại mãi mãi. Qua thời gian nếu “cứ được để nguyên ở đó”, các muối vô cơ trong nước bọt sẽ vôi hóa mảng bám thành cao răng. Cao răng cứng và muốn làm sạch chúng tại nhà bằng bàn chải, chỉ nha khoa, tăm nước, nước súc miệng,… là không thể nào.
– Viêm lợi: Cao răng tồn tại kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể, khiến các mô nướu tổn thương. Và như chúng ta đã biết, hiện tượng tổn thương này gọi là viêm lợi.
Ngoài nguyên nhân chính như trên, một số yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ chúng ta bị viêm lợi:
– Thay đổi nội tiết tố: Bao gồm các thay đổi nội tiết tố khi dậy thì, đến chu kỳ kinh nguyệt, mang thai và tiền mãn kinh,…
– Các bệnh lý toàn thân: Như các bệnh suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, Lupus ban đỏ,…), ung thư, tiểu đường,…
– Thuốc điều trị bệnh lý toàn thân: Những thuốc này ức chế hoạt động của tuyến nước bọt. Nước bọt giữ vai trò không nhỏ trong việc bảo vệ răng và nướu. Giảm tiết nước bọt đồng nghĩa với răng và nướu mất đi một “người” bảo vệ, trở nên nhạy cảm hơn, dễ tổn thương hơn, dễ viêm hơn. Một số thuốc có tác dụng phụ ức chế tuyến nước bọt có thể kể đến là: Thuốc chống co giật Dilantin, thuốc chống đau thắt ngực, thuốc Procardia hoặc Adalat.
– Hút thuốc: Người không hút thuốc ít bị viêm lợi hơn người hút thuốc.
– Tuổi tác: Nguy cơ bị viêm lợi tỷ lệ thuận với tuổi tác. Tồn tại hiện tượng này có thể là vì người càng cao tuổi, hệ miễn dịch càng yếu.
– Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý: Thiếu Vitamin C – Vitamin có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cơ thể trầm trọng.
3. Biến chứng viêm lợi
Viêm lợi là giai đoạn đầu của viêm nha chu – một bệnh lý nguy hiểm, có thể làm tiêu xương ổ răng, tiêu xương hàm, rụng răng hàng loạt,…. Như vậy, có thể nói, viêm lợi không được kiểm soát tích cực, đe dọa đến sự tồn tại của không chỉ một mà nhiều răng.
Chưa hết, nhiều nghiên cứu y khoa cũng đã chứng minh: Viêm lợi mãn tính có liên quan đến một số bệnh lý hô hấp, bệnh tiểu đường, bệnh động mạch vành, đột quỵ và viêm khớp dạng thấp. Sở dĩ có sự liên quan này là vi khuẩn gây viêm lợi có thể di chuyển đến tim, phổi và các cơ quan khác của cơ thể qua máu.
4. Điều trị viêm lợi
4.1. Điều trị viêm lợi giai đoạn viêm cục bộ
Viêm lợi giai đoạn này có thể cải thiện chỉ bằng việc thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng. Theo đó, bệnh nhân cần tuân thủ việc vệ sinh răng miệng chuẩn chỉ như sau:
– Sử dụng bàn chải và kem đánh răng: Lựa chọn bàn chải mềm và kem đánh răng kháng khuẩn để làm sạch răng miệng sau khi ăn (ít nhất 30 phút). Chải răng tròn hoặc dọc (không chải răng ngang) từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Trong đó, bàn chải không được đặt tùy tiện theo sở thích cá nhân mà phải đặt nghiêng 45 độ so với viền nướu khi chải các răng cửa, đặt song song bề mặt răng khi chải các răng hàm. Thực hiện việc vệ sinh răng miệng bằng bàn chải và kem đánh răng 2 – 3 lần một ngày, trong 2 – 3 phút.
– Sử dụng chỉ nha khoa và tăm nước: Có những vùng bàn chải không thể vệ sinh được nhưng chỉ nha khoa và tăm nước thì có thể.
– Sử dụng dung dịch kháng khuẩn hoặc nước muối sinh lý 0,9%: Để súc miệng.
– Lấy cao răng định kỳ với chuyên gia.
4.2. Điều trị viêm lợi giai đoạn viêm cận răng
Bệnh nhân viêm lợi giai đoạn viêm cận răng cần điều trị chủ động với chuyên gia nha khoa. Sau thăm khám, chuyên gia có thể sẽ chỉ định một số thuốc sau:
– Thuốc kháng sinh Azithromycin, Metronidazol, Amoxicillin, Tetracycline,…
– Thuốc kháng viêm: Giữ nhiệm vụ như một enzyme đặc biệt, có tác dụng thúc đẩy tốc độ giảm sưng đỏ lợi
– Thuốc giảm đau: Giảm triệu chứng đau, giúp bệnh nhân bớt khó chịu.
– Nước súc miệng kháng khuẩn, loại bỏ mảng bám.
Loại thuốc cụ thể được kê sẽ phụ thuộc tình trạng viêm lợi cũng như tình trạng toàn thân của bệnh nhân. Những ví dụ phía trên chỉ để tham khảo.
Như vậy, viêm lợi phát sinh chủ yếu là vì vệ sinh răng miệng không kỹ lưỡng. Thế nên, nhiều trường hợp viêm lợi, muốn điều trị bệnh nhân chỉ cần thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng là được. Tuy nhiên, nếu viêm lợi đã nặng, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa răng hàm mặt để được thăm khám và điều trị với chuyên gia.