Cảnh báo hiện tượng hôi miệng và chảy máu chân răng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Phạm Văn Tiến

Bác sĩ Răng Hàm Mặt

Hôi miệng và chảy máu chân răng xảy ra cùng lúc không chỉ mang lại sự tự ti, mặc cảm và khó chịu với người bệnh, mà còn có thể là dấu hiệu báo động cho những vấn đề sức khỏe răng miệng và bệnh lý toàn thân. Chính vì thế, không thể không đề phòng những hiện tượng này. Đồng thời, nên có cho mình những hiểu biết đủ để xử trí đúng cách khi bắt gặp tình trạng hôi miệng kèm theo chảy máu chân răng này.

hôi miệng và chảy máu chân răng có nguy hiểm không?

Hôi miệng, chảy máu chân răng là vấn đề bệnh lý nha khoa cần được quan tâm

1. Nguyên nhân tình trạng miệng hôi kèm chân răng chảy máu

Trước tiên, chúng ta cần xác định tình trạng chảy máu chân răng kèm có mùi hôi miệng ở đây không xét đến tình trạng tác động cơ học. Thông thường, hiện tượng này báo động một số vấn đề răng miệng, bệnh toàn thân hoặc một số tác dụng phụ khi điều trị bệnh lý. Một số nguyên nhân chính gây hiện tượng răng chảy máu kèm mùi hôi miệng như:

Viêm nướu: Việc lười vệ sinh, vệ sinh không đúng cách sau khi ăn uống khiến thức ăn mắc kẹt tại kẽ răng và lâu ngày hình thành mảng bám, là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm phát triển, hình thành viêm nhiễm, chảy máu chân răng và gây mùi khoang miệng.

Viêm nha chu: Bắt nguồn từ tình trạng viêm nướu không được điều trị và trở nặng. Bệnh lý này kèm theo biểu hiện viêm nhiễm nặng, sưng mủ và chảy máu chân răng, đồng thời, kèm theo nguy cơ lung lay, gãy răng.

– Sâu răng: Sâu răng khiến men răng mòn dần, tạo cơ hội cho vi khuẩn hoạt động, gây viêm và ảnh hưởng đến lợi, gây hiện tượng hôi miệng, chảy máu lợi.

– Áp xe răng: Răng sâu có thể ăn mòn đến tủy răng, gây viêm nhiễm nặng. Khi đó, tại vị trí răng bị sâu có thể bị mủ kèm chảy máu và mùi hôi.

– Tác dụng phụ của thuốc: thuốc chống đông máu, thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh, Kháng histamin H1, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc chống nôn,…

– Cơ thể thiếu chất: canxi, vitamin C, vitamin K,… – những chất bảo vệ răng chống lại sự tấn công của vi khuẩn.

– Bệnh lý toàn thân: xuất huyết giảm tiểu cầu, tiểu đường, ung thư máu, …

2. Tầm nguy hiểm của chứng chảy máu chân răng kèm hôi miệng

Chúng ta có thể thấy, hiện tượng hôi miệng kèm chảy máu chân răng báo động những vấn đề về sức khỏe răng miệng, phổ biến nhất là tình trạng viêm nhiễm, đồng thời còn chứa cả nguy cơ rụng, gãy răng. Bên cạnh đó, hiện tượng này cũng cảnh báo những vấn đề về sức khỏe toàn thân như tình trạng thiếu chất, thậm chí là những bệnh lý nguy hiểm. Do đó, không thể không đề phòng khi xuất hiện hiện tượng này.

Điều trị đúng nguyên nhân là cách cần thiết để loại bỏ chứng hôi miệng, chảy máu chân răng. Đồng thời, cần kết hợp các điều trị răng miệng để nhanh chóng cải thiện tình trạng răng miệng khi chữa các bệnh lý nguyên nhân.

3. Điều trị nhanh chứng chảy máu chân răng có mùi

Như đã nói trên, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng chảy máu chân răng kèm mùi hôi miệng. Việc loại bỏ hiện tượng này cần kèm theo việc điều trị bệnh lý nguyên nhân, cải thiện dinh dưỡng và vệ sinh răng miệng đúng cách. Do đó, bệnh nhân nên đến các địa chỉ nha khoa uy tín để xác định đúng bệnh, điều trị đúng cách với phác đồ điều trị bệnh hiệu quả, tin cậy.

hôi miệng và chảy máu chân răng là bệnh gì?

Thăm khám nha khoa, làm sạch răng miệng và phát hiện đúng nguyên nhân hôi miệng, chảy máu chân răng

3.1. Điều trị nha khoa chữa chứng chảy máu chân răng kèm mùi hôi từ miệng

Một số gợi ý trong điều trị nha khoa chữa chứng chảy máu chân răng kèm hiện tượng hôi miệng bao gồm:

– Thăm khám tại các cơ sở răng hàm mặt uy tín để đánh giá tình trạng viêm nhiễm, kê thuốc, kháng viêm, chống nhiễm trùng tương ứng theo từng bệnh lý.

– Hàn răng, chữa tủy phù hợp tại các cơ sở nha khoa có thiết bị phù hợp và bác sĩ uy tín.

– Làm sạch các mảng bám trên răng để giúp răng chắc khỏe bằng các phương thức như: vệ sinh răng miệng hằng ngày đúng cách, lấy men răng,…

– Xử lý viêm nha chu theo cách phù hợp tình trạng bệnh. Trường hợp nặng, có thể tiến hành cấy mô mềm nhằm tái tạo những mô bị tổn thương do viêm nhiễm, đồng thời, giúp cải thiện tình trạng lung lay của chân răng.

3.2. Kết hợp điều trị tại nhà khi bị hôi miệng, chảy máu chân răng

Vệ sinh răng miệng đúng cách là điều cần thiết nhất để loại bỏ chứng hôi miệng, chảy máu chân răng. Người bệnh có thể kết hợp một số cách như sau:

– Sử dụng nước muối súc miệng 2 lần/ ngày để làm sạch khoang miệng và hạn chế tình trạng vi khuẩn hoạt động gây nhiễm trùng cho răng miệng.

– Vệ sinh răng miệng sau khi ăn để tránh tình trạng mảng bám và đồ ăn dắt giữa kẽ răng gây viêm và hôi miệng.

– Đánh răng sáng tối đúng kỹ thuật và kỹ càng để phòng ngừa bệnh răng lợi.

– Một số loại nước có khả năng kháng khuẩn như trà gừng kèm mật ong, trà đinh hương… nhằm hạn chế tình trạng vi khuẩn cũng như mùi hôi từ khoang miệng.

– Tránh tình trạng ăn các loại thực phẩm hại cho răng lợi cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm như: các đồ quá nóng, quá chua, quá cay, các đồ uống bám màu,…

– Bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin cho răng chắc khỏe.

– Hạn chế và bỏ hút thuốc lá để bảo vệ hệ miễn dịch cũng là cách giúp hạn chế bệnh răng miệng, ngừa tình trạng xỉn màu cũng như tăng cường cơ chế chống mảng bám, liền nướu và cầm máu tốt hơn.

– Thực hiện chế độ nghỉ ngơi, vấn động điều độ, quan tâm vấn đề nội tiết.

– Dùng chỉ nha khoa loại bỏ thức ăn bị mắc kẹt trong kẽ răng dễ làm tổn thương và viêm răng.

3.3. Một số lưu ý khi điều trị chảy máu chân răng kèm mùi hôi

– Thăm khám xác định đúng bệnh lý để thực hiện điều trị từ gốc.

– Tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình chữa chảy máu chân răng, hơi thở có mùi

– Tuân thủ liệu trình chữa các vấn đề về tủy có liên quan.

– Nên thăm khám nha sĩ để được kiểm tra liên tục, điều trị phù hợp theo tình trạng bệnh lý cũng như theo dõi tình hình cải thiện.

hôi miệng và chảy máu chân răng

Thăm khám nha sĩ định kỳ để kiểm soát sức khỏe răng miệng

4. Phòng ngừa đúng cách tình trạng chảy máu chân răng kèm hơi thở có mũi

– Thăm khám nha khoa định kỳ tối thiểu 6 tháng 1 lần để theo dõi tình trạng sức khỏe răng miệng.

– Vệ sinh cao răng định kỳ, đúng cách.

– Khi điều trị bệnh lý, cần hiểu rõ tác dụng phụ của thuốc để đề phòng và xử trí kịp thời.

– Không chỉ vệ sinh răng miệng đúng cách, cần đảm bảo tình trạng của bàn chải để vệ sinh răng miệng hiệu quả.

– Ăn uống đúng giờ và đúng cách.

Như vậy, hôi miệng và chảy máu chân răng là hiện tượng cần được xem xét cẩn trọng. Khi gặp tình huống này, việc đến các bệnh viện răng hàm mặt cũng như các cơ sở nha khoa uy tín để thăm khám là cần thiết. Bên cạnh đó, đừng quên phòng ngừa hiện tượng đúng cách để tránh việc bệnh lý hình thành từ thói quen vệ sinh răng miệng của bản thân.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital