Nguyên nhân, cách điều trị viêm phổi ở người lớn

Bệnh viêm phổi ở người lớn ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và cuộc sống của người bệnh. Bệnh viêm phổi ở người trưởng thành có đặc điểm, nguyên nhân gây bệnh là gì và chẩn đoán, điều trị ra sao?

1. Viêm phổi là bệnh gì?

Viêm phổi là bệnh lý đường hô hấp dưới rất phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm các phế nang, túi phế nang, ống phế nang, các tổ chức liên kết kẽ và tiểu phế quản. Bệnh viêm phổi có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh xảy ra ở người lớn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và cuộc sống của người bệnh.

Triệu chứng bệnh viêm phổi

Viêm phổi là bệnh đường hô hấp dưới, có thể gây ho, sốt, khó thở cho người bệnh.

2. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm phổi ở người lớn

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở người lớn và trẻ em tương đối giống nhau, gồm 4 nhóm chính:

2.1 Viêm phổi do vi khuẩn

Vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi trong cộng đồng ở người trưởng thành. Các loại vi khuẩn thường lây qua đường giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Khi người lành tiếp hít hoặc nuốt phải các giọt bắn này sẽ rất dễ mắc bệnh. Thông thường những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc đang có các bệnh lý nền mạn tính sẽ dễ bị viêm phổi do vi khuẩn hơn so với người bình thường. Trong đó, liên cầu khuẩn (Streptococcus) là loại vi khuẩn thường gặp nhất gây ra viêm phổi.

2.2 Viêm phổi do nhiễm virus

Virus cũng là một tác nhân gây viêm phổi phổ biến. Trong đó virus cúm A và cúm B là tác nhân gây viêm phổi thường gặp nhất ở người trưởng thành. Các loại virus khác gây bệnh viêm phổi như corona virus, rhino virus, parainfluenza virus, adeno virus…

Ngoài ra, virus sởi, virus thủy đậu, herpes simplex… trong một số trường hợp hiếm cũng có thể gây bệnh này.

Tương tự viêm phổi do vi khuẩn, các trường hợp viêm phổi do virus cũng lây qua các giọt bắn, sau khi người bệnh hít, nuốt phải hoặc tiếp xúc với các vật dụng nguy cơ cao chứa virus như nắm cửa, nút bấm thang máy,…

2.3 Viêm phổi do nấm

Bệnh nhân hít phải các bào tử của nấm cũng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi. Viêm phổi do nấm phát triển rất nhanh và thường xảy ra ở những người thường xuyên hút thuốc lá, sinh sống ở môi trường bụi bẩn, ẩm mốc,…

2.4 Viêm phổi do hóa chất

Đây là loại bệnh viêm phổi rất ít gặp, nhưng tương đối nguy hiểm. Mức độ bệnh phụ thuộc vào loại hóa chất, thời gian phơi nhiễm, thể trạng người bệnh,… Không chỉ gây viêm phổi, các hóa chất còn có thể gây hại cho nhiều cơ quan khác.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở người lớn

Vi khuẩn, virus, nấm, các chất độc hại là những tác nhân quan trọng gây viêm phổi ở người trưởng thành.

3. Triệu chứng viêm phổi đặc trưng ở người trưởng thành

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm phổi ở người trưởng thành là ho khan, sau đó có thể chuyển sang ho có đờm. Các triệu chứng khác kèm theo bao gồm: mệt mỏi, đau đầu, đau ngực, viêm họng, thở khò khè, sốt, rét run, kèm ớn lạnh…

Các triệu chứng viêm phổi điển hình ở người lớn gồm:

– Sốt

Nếu bạn bị sốt trên 38,5ºC kèm theo các triệu chứng khác như ớn lạnh, ho,.. hãy đi khám sớm vì bạn có thể đã bị nhiễm viêm phế quản hoặc viêm phổi.

– Đau ngực

Người bệnh có thể có cảm giác đau, nhói, nặng ngực, triệu chứng nặng hơn khi hít thở sâu hoặc ho.

– Ho thường xuyên

Ho có đờm là triệu chứng thường gặp ở những người mắc bệnh viêm phổi. Nếu dịch đờm có màu xanh lá cây, vàng hoặc kèm theo máu thì bạn có thể đang bị nhiễm trùng nặng, cần thăm khám ngay.

– Mệt mỏi, đau cơ

Tình trạng viêm nhiễm có thể khiến cơ thể bạn mệt mỏi kèm sốt, đau cơ hoặc đau khớp.

– Khó thở

Khó thở là dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn. Người bệnh có thể có cảm giác như không thể có đủ không khí để hít vào dù cố gắng. Điều này thường chỉ xảy ra khi cơ thể hoạt động mạnh.

– Đổ mồ hôi, ớn lạnh

Nếu cảm thấy ớn lạnh, vã mồ hôi ngay cả khi ở trong căn phòng ấm hoặc đã đắp chăn thì nên cảnh giác với bệnh viêm phổi.

– Nhức đầu

Triệu chứng này thường xuất hiện khi người bệnh bị sốt.

– Thay đổi nhận thức

Thường xảy ở người lớn trên 65 tuổi, thường kèm theo mê sảng hoặc lẫn lộn.

– Màu da xám hoặc hơi xanh

Tình trạng này thường xảy ra xung quanh miệng do máu thiếu oxy. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.

4. Cách chẩn đoán bệnh viêm phổi và hướng điều trị

4.1 Chẩn đoán bệnh viêm phổi ở người lớn

Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm phổi như ho, khó thở, sốt, bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Hô hấp để được khám và điều trị kịp thời. Khi đến cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh, các thói quen sinh hoạt, điều kiện môi trường sống, làm việc…; đếm nhịp; nghe tim phổi, từ đó chỉ định các chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp gồm:

Xét nghiệm máu

– Nuôi cấy đờm

– Chụp X- quang ngực hoặc CT để chẩn đoán xác định các đám mờ ở phổi

– Nội soi phế quản

Qua đó, bác sĩ có thể xác định bạn có bị viêm phổi hay không, nguyên nhân và mức độ bệnh. Ngoài ra, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như: dị vật đường thở, hen, bệnh phổi bẩm sinh, bệnh lý tim mạch (suy tim, tim bẩm sinh)…

Chụp CT chẩn đoán bệnh viêm phổi

Khi nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi, người bệnh nên đi khám chuyên khoa Hô hấp để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.

4.2 Điều trị bệnh viêm phổi ở người lớn

Đối với hầu hết các trường hợp nhẹ, triệu chứng của bệnh viêm phổi sẽ giảm bớt và biến mất trong một vài ngày hoặc vài tuần. Người bệnh có thể được điều trị tại nhà nhưng phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Các phương pháp điều trị tại nhà bao gồm uống thuốc (kháng sinh, hạ sốt…) theo đơn, ăn uống các thực phẩm ấm nóng, thực phẩm giúp tăng sức đề kháng,… Chú ý nghỉ ngơi, có thể luyện tập nhẹ nhàng nếu bệnh nhân không quá mệt.

Người bệnh cần đến tái khám theo chỉ định, hoặc đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như khó thở, sốt cao không hạ…

Nếu người bệnh có các biểu hiện viêm phổi nặng như thở gắng sức, da môi tím tái thì cần được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Hi vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn có thêm thông tin về bệnh viêm phổi ở người lớn để nhận diện bệnh kịp thời. Khi thấy các biểu hiện của bệnh viêm phổi, người bệnh không nên chủ quan mà cần đi khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán xác định hoặc phân biệt với các bệnh lý khác và điều trị đúng từ nguyên nhân.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital