Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ có sử dụng thuốc tránh thai

Tham vấn bác sĩ

Việc lạm dụng thuốc tránh thai ở người trẻ sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não. Cùng tìm hiểu vì sao lạm dụng thuốc tránh thai lại gây ra đột quỵ, những đối tượng có nguy cơ cao và các yếu tố nói chung trong xã hội hiện nay.

1. Vì sao lạm dụng thuốc tránh thai lại gây đột quỵ não?

Theo các chuyên gia Nội thần kinh và tim mạch thì việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống có chứa estrogen và progestin, sẽ làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối (cục máu đông) gây đột quỵ nhồi máu não (đột quỵ thiếu máu não cục bộ).

nguy cơ đột quỵ do lạm dụng thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai có khả năng làm tăng sự hình thành cục máu đông, dẫn tới đột quỵ não.

2. Đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao

Những đối tượng sau nếu lạm dụng thuốc tránh thai có thể đối mặt với nguy cơ đột quỵ nhồi máu não cao hơn người bình thường cũng có sử dụng thuốc, bao gồm:

– Phụ nữ đã lớn tuổi (thường trên 35 tuổi)

– Rối loạn chức năng đông máu

– Hút thuốc lá

– Dư cân béo phì

– Tiền sử gia đình có người gặp bất thường mạch máu (dị dạng mạch máu não), tăng đông máu,…

– Bị liệt lâu ngày

– Tiểu đường

– Huyết áp cao

– Bệnh đau nửa đầu migraine

– Nhiễm HIV/AIDS

– Mang thai

3. Đặc điểm đột quỵ ở người trẻ

Đột quỵ ở người trẻ thường hay biểu hiện dưới dạng thiếu máu động mạch, xuất huyết và huyết khối xoang tĩnh mạch. Nguyên nhân chính là do thuyên tắc từ tim (huyết khối hay cục máu đông từ tim di chuyển lên mạch máu não gây tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não), bệnh lý mạch máu không xơ vữa, dị dạng động tĩnh mạch, tăng huyết áp và có tới ⅓ trường hợp thiếu máu hoặc xuất huyết không xác định nguyên nhân.

Khoảng 59% người trẻ có yếu tố nguy cơ đột quỵ như hút thuốc, tăng huyết áp hay béo phì. Theo một nghiên cứu của các chuyên gia Thần kinh học, trong số 120 bệnh đột quỵ là người trẻ thì có tới 59% hút thuốc, 20% nữ dùng thuốc ngừa thai, 48% có tăng huyết áp. Đặc biệt, nguy cơ gây đột quỵ thiếu máu ở người trẻ (tuổi 18-55) có bệnh tim bẩm sinh cao hơn 9-12 lần người bình thường.

Chính vì vậy,  chúng ta cần giao dục nâng cao nhận thức về căn bệnh đột quỵ, đặc biệt là các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới đột quỵ và triệu chứng báo động trong trường học, nơi làm việc, phòng khám bác sĩ chăm sóc ban đầu và tại các cơ sở truyền thông về sức khỏe.

nguy cơ đột quỵ ở giới trẻ

Hút thuốc lá, bia rượu, béo phì, huyết áp cao,…. là những yếu tố khiến nguy cơ đột quỵ ở giới trẻ ngày càng tăng cao.

4. Mức độ nguy hiểm

Đột quỵ gia tăng theo tuổi tác, tức là độ tuổi càng cao thì nguy cơ đột quỵ cũng sẽ tăng lên do tuổi cao sức đề kháng suy giảm và nguy cơ mắc nhiều bệnh.

Sau đột quỵ, chỉ có khoảng 42% bệnh nhân trẻ sống sót có thể trở lại làm việc và vẫn có nguy cơ đối mặt với cơn đột quỵ tái phát trong tương lai. Mặc dù vậy sự hồi phục vận động ở người trẻ thường tốt hơn so với người cao tuổi, do đó sau đột quỵ người trẻ cần được phục hồi chức năng càng sớm càng tốt.

5. Chẩn đoán đột quỵ ở người trẻ và những khó khăn

5.1 Tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ

Tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ là cách để phòng bệnh hiệu quả. Qua thăm khám, người bệnh có thể phát hiện ra các bệnh lý nền gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hoặc tìm ra các vấn đề bất thường cần giải quyết sớm.

Để chẩn đoán đột quỵ các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, sau đó chỉ định xét nghiệm và chụp cắt lớp vi tính não (CT scaner) hoặc chụp cộng hưởng từ não (MRI sọ não, mạch máu não). Trong đó, chụp MRI có nhiều giá trị ưu việt hơn. Việc thực hiện tầm soát sức khỏe bằng chụp cộng hưởng từ MRI, nhất là MRI não có thể giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não như cục máu đông, dị dạng mạch máu não, xơ vữa mạch máu…

tầm soát nguy cơ đột quỵ ở giới trẻ

Chụp cộng hưởng từ MRI sọ não, mạch máu não là phương pháp chẩn đoán vượt trội để chẩn đoán đột quỵ hiện nay.

5.2 Tâm lý chủ quan trước nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

Nhiều người trẻ chưa có ý thức về bệnh đột quỵ, họ vẫn cho rằng đây là bệnh của người già nên thiếu trang bị cho mình những kiến thức nhận diện sớm các triệu chứng đột quỵ. Chính điều này làm bỏ lỡ thời gian vàng điều trị bệnh nhân đột quỵ (là khoảng 3-4,5 giờ đầu sau khi người bệnh bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên của đột quỵ).

Hiện nay đã có không ít người đã ý thức được việc cần khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế. Tuy nhiên, nhiều người mắc phải sai lầm trong quá trình vận chuyển người bệnh hoặc đưa đến các cơ sở y tế không có chuyên môn cấp cứu và xử trí đột quỵ não, chính điều này đã làm bỏ lỡ thời gian vàng cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ não.

Các chuyên gia lưu ý rằng, khi vận chuyển bệnh nhân bị nghi là đột quỵ não nên vận chuyển bằng cáng hoặc xe ô tô, tốt nhất là xe cứu thương; không bế xốc người bệnh hoặc vận chuyển người bệnh bằn xe máy, xe đạp. Hãy đưa người bệnh đến thẳng cơ sở y tế gần nhất mà có thực hiện cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ; tránh đưa người bệnh tới các phòng khám, thầy lang, cơ sở y tế không có đủ chuyên môn cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ.

6. Lời khuyên từ chuyên gia

Các chuyên gia khuyến cáo: người trẻ muốn giảm nguy cơ đột quỵ thì nên khám sức khỏe định kỳ. Việc thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên sẽ giúp tầm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa, béo phì,…. Cần từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, thức khuya, stress kéo dài,… Những người mà trong gia đình có thành viên từng bị bất thường mạch máu, rối loạn đông máu, nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được sàng lọc và loại trừ yếu tố nguy cơ di truyền.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital