Đột quỵ ở người trẻ tuổi: Nguyên nhân và biến chứng

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, vẫn luôn là một gánh nặng trên toàn thế giới. Đặc biệt, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng và gây nhiều hệ lụy. Đột quỵ trẻ hóa do những nguyên nhân nào và gây nguy hiểm ra sao, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ

Đột quỵ thường xảy ra ở những người lớn tuổi, khoảng  50 – 60 tuổi. Tuy nhiên, càng ngày bệnh càng dễ gặp ở những người trẻ, dưới 45 tuổi. Thậm chí nhiều người mắc bệnh khi mới 20 – 30 tuổi.

Nếu như đột quỵ ở người lớn tuổi thường liên quan đến lão hóa, do ảnh hưởng của nhiều “bệnh người già”, thì đột quỵ ở người trẻ lại dễ xảy ra do các thói quen xấu trong cuộc sống cùng với sự trẻ hóa của các bệnh lý, cụ thể là:

1.1 Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ khi còn trẻ có hút thuốc lá. Khói thuốc lá có chứa hàng nghìn chất độc hóa học, tiêu biểu nhất là carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide. Những chất độc này sau khi hấp thụ vào phổi sẽ được vận chuyển theo đường máu đi tới các cơ quan trong cơ thể, làm thay đổi và phá hủy các tế bào. Những thay đổi của các chất hóa học này làm tăng nguy cơ xơ vữa, tổn thương mạch máu não.

Đột quỵ ở người trẻ tuổi có nguy hiểm không?

Càng ngày, đột quỵ càng trẻ hóa, có thể xảy ra ở những người dưới 45 tuổi, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, công việc của người bệnh.

1.2 Uống nhiều rượu bia

Uống nhiều rượu bia, đặc biệt là rượu mạnh có thể làm tăng nguy cơ chảy máu não ở người trẻ. Theo ước tính của WHO, trung bình một năm, mỗi người Việt trên 15 tuổi sẽ tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất. Lượng này nhiều hơn so với mức tiêu thụ của người Trung Quốc và gấp khoảng 4 lần người Singapore.

1.3 Tình trạng thừa cân, béo phì, lười vận động

Thừa cân và béo phì cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ ở người trẻ. Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, thói quen lười vận động, ít tham gia các hoạt động thể dục, thể thao khiến người trẻ ngày càng có nguy cơ thừa cân, béo phì, hậu quả là dẫn đến đột quỵ và nhiều bệnh lý khác.

1.4 Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh

Ăn nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn,… là những thói quen ăn uống thiếu lành mạnh mà rất nhiều người trẻ tuổi hiện nay đang mắc phải. Điều này khiến người bệnh đối diện với các bệnh lý mạch máu ngày càng sớm.

1.5 Dị dạng mạch máu não – Nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở người trẻ tuổi

Dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ xuất huyết não ở những người trẻ tuổi. Cụ thể, sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể tạo nên những túi phình, gây dị dạng động tĩnh mạch não, rò động tĩnh mạch hay hẹp, tắc mạch máu não gây nhồi máu não.

Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có biện pháp nào hiệu quả để dự phòng bệnh dị dạng mạch máu não. Bệnh được phát hiện sớm thông qua chụp cắt lớp vi tính (CT) mạch máu não hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) mạch máu não.

Nguyên nhân gây đột quỵ khi còn trẻ

Các thói quen thiếu lành mạnh và tình trạng trẻ hóa của các bệnh lý khiến đột quỵ ngày càng trẻ hóa.

1.6 Rối loạn chuyển hóa mỡ máu

Rối loạn chuyển hóa mỡ máu thường có mối liên hệ mật thiết và là nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và hình thành cục máu đông, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và tai biến mạch máu não.

Có khoảng từ 50 – 60% các trường hợp nhồi máu não ở người trẻ có liên quan đến rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tỷ lệ nam giới mắc nhiều hơn là nữ giới.

2. Các biến chứng thường gặp với đột quỵ ở người trẻ tuổi

Dù những người trẻ tuổi có khả năng phục hồi tốt hơn sau đột quỵ nhưng nếu bệnh nặng vẫn có thể gây tàn phế, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, tâm sinh lý người bệnh, cũng như trở thành gánh nặng cho các thành viên khác trong gia đình.

Loại biến chứng và mức độ sẽ phụ thuộc vào vị trí não bị ảnh hưởng và khả năng cấp cứu. Các biến chứng đột quỵ ở người trẻ về cơ bản cũng giống như đột quỵ ở người cao tuổi, phổ biến nhất là các biến chứng về tim, viêm phổi, nghẽn tĩnh mạch, sốt, đau, khó nuốt, co cứng các chi, trầm cảm,…

2.1 Phù não

Sưng và phù nề não là một trong những biến chứng thường gặp ở những người trẻ sau đột quỵ. Tình trạng này có thể chèn ép các dây thần kinh, khiến người bệnh cảm thấy khó đi bộ hoặc di chuyển tay chân, mất hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt…

2.2 Viêm phổi

Tình trạng đột quỵ có thể khiến vùng não điều khiển chức năng nhai nuốt gặp vấn đề, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc này và bị sặc. Điều này khiến thức ăn, đồ uống dễ đi vào phổi và dẫn đến viêm phổi.

2.2 Đau tim

Có tới khoảng 50% các ca đột quỵ liên quan đến xơ vữa động mạch. Tình trạng các động mạch bị thu hẹp, xơ cứng trong thời gian dài hoặc đột ngột có thể sẽ làm gia tăng nguy cơ đau tim.

2.3 Trầm cảm

Gặp khó khăn trong vận động, giao tiếp, phải phụ thuộc vào người khác khiến sau đột quỵ, người bệnh có khả năng bị trầm cảm. Nếu người bệnh đã bị trầm cảm từ trước thì sau đột quỵ bệnh sẽ dễ trở nên trầm trọng hơn.

2.4 Viêm loét, hoại tử

Yếu liệt vận động khiến nhiều người phải nằm liệt giường trong thời gian dài. Họ có thể đối mặt với tình trạng viêm loét các vùng tỳ đè nếu không được thay đổi tư thế và vệ sinh đúng cách.

2.5 Suy giảm nhận thức

Suy giảm nhận thức là tình trạng dễ thấy sau đột quỵ, xảy ra do sự tổn thương của não bộ. Suy giảm nhận thức là dạng mất trí nhớ phổ biến thứ 2 sau bệnh Alzheimer.

2.6 Động kinh

Đây là một biến chứng khá phổ biến ở người đột quỵ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do não hoạt động bất thường dẫn đến co giật hoặc các cơn vắng ý thức.

2.7 Các chi co cứng

Cơ bắp các chi bị co cứng khiến khả năng vận động của người bệnh hạn chế. Tình trạng đau vai có thể là hậu quả của việc một tay của bệnh nhân bị yếu hoặc liệt, co cứng.

Biến chứng đột quỵ nguy hiểm với người trẻ

Những người trẻ tuổi có thể đối mặt với nguy cơ liệt vận động, trầm cảm do đột quỵ.

2.8 Tắc nghẽn tĩnh mạch chân

Do người bệnh mất hoặc hạn chế khả năng vận động nên các cục máu đông dễ hình thành trong tĩnh mạch chân.

2.9 Nhiễm trùng đường tiết niệu và bàng quang

Người bệnh đột quỵ có thể phải dụng ống thông foley để thu nước tiểu khi họ không thể kiểm soát chức năng bàng quang. Việc này có thể gây ra nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu.

2.10 Mất chức năng ngôn ngữ

Người bệnh có thể sẽ gặp vấn đề khó nói, nói không đầy đủ hoặc nói những từ vô nghĩa,…

Những biến chứng này sẽ khiến cho những người trẻ tuổi gặp khó khăn trong cuộc sống, công việc, thậm chí tương lai sau này. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, người trẻ hãy tích cực phòng ngừa đột quỵ bằng cách cải thiện thay đổi các thói quen không tốt và thường xuyên thăm khám để kiểm tra sức khỏe của mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital