Các khối u tuyến yên hầu hết là lành tính. Tuy nhiên, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đặc biệt là khả năng sinh sản. Vậy u tuyến yên điều trị như thể nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.
Menu xem nhanh:
1. U tuyến yên và cách nhận biết
Tuyến yên được biết đến là tuyến chính của hệ nội tiết, giữ vai trò kiểm soát sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, đồng thời điều tiết hoạt động của các cơ quan như thận, vú và tử cung.
U tuyến yên là sự phát triển bất thường của khối u tại vùng tuyến yên, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone tuyến này. Về lâu dài nếu không được điều trị, khối u có thể gây chèn ép các cơ quan khác dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh ngay khi nghi ngờ các triệu chứng sau đây, cần đến cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời: đau đầu, giảm thị lực, rối loạn kinh nguyệt hoặc tắt kinh ở nữ, rối loạn cương dương ở nam, vô sinh, tiết sữa bất thường, các chi dày to, người hay mệt mỏi, tâm lý thay đổi bất thường…
Dựa trên các kết quả chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ tiên lượng tính chất khối u và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
2. Điều trị u tuyến yên cần đạt được mục tiêu gì?
Mục tiêu chung trong điều trị u tuyến yên là đưa nồng độ hormone sản xuất tại tuyến yên và các tuyến nội tiết liên quan về mức ổn định. Theo đó làm thuyên giảm các triệu chứng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Đặc biệt với khối u được chẩn đoán gây tăng tiết Prolactin, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ vô sinh. Mỗi tình trạng bệnh bác sĩ sẽ đặt ra mục tiêu điều trị khác nhau. Để lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
Trong quá trình điều trị, một số yếu tố dưới đây có thể ảnh hưởng đến mục tiêu điều trị u tuyến yên: loại u, vị trí, kích thước, mức độ ảnh hưởng của khối u đối với tuyến yên nói riêng và cơ thể nói chung, tình trạng sức khỏe của người bệnh…
3. Các cách điều trị u tuyến yên phổ biến
Hiện nay, bệnh u tuyến yên có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp như: phẫu thuật, xạ trị, thuốc… Dựa trên các kết quả các xét nghiệm, các bác sĩ sẽ hội chẩn để chỉ định cách điều trị phù hợp nhất. Các xét nghiệm người bệnh được chỉ định có thể bao gồm: xét nghiệm máu và nước tiểu, chụp CT hoặc MRI não, kiểm tra thị lực…
Điều trị u tuyến yên có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh, phân loại và kích thước khối u, sức khỏe của người bệnh, cũng như phương pháp điều trị và tay nghề của bác sĩ. Do đó, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
3.1 U tuyến yên điều trị bằng phẫu thuật
Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật u tuyến yên cho người bệnh trong trường hợp khối u gia tăng áp lực lên dây thần kinh thị giác, chèn ép các vùng khác của não bộ hoặc làm tăng tiết hormone mất kiểm soát. Mục tiêu của phương pháp này là loại bỏ khối u, đồng thời bảo vệ các mô khỏe mạnh xung quanh.
Hiện nay, 2 kỹ thuật được áp dụng trong phẫu thuật u tuyến yên là mổ nội soi khối u qua xoang mũi (đường xương bướm) và mổ mở thông qua tiếp cận sọ.
Phẫu thuật điều trị u tuyến yên ít ghi nhận tác dụng phụ nhưng vẫn có thể xảy ra, có thể kể đến như: tổn thương động mạch lớn, các mô não lân cận hay dây thần kinh gần tuyến yên…
3.2. Phương pháp điều trị u tuyến yên bằng xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia bức xạ X để tiêu diệt khối u. Phương pháp này thường được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng thuốc, đồng thời không muốn phẫu thuật hoặc tình trạng sức khỏe không phù hợp để phẫu thuật. Trong một số trường hợp, xạ trị còn được áp dụng để loại bỏ phần sót lại của khối u sau phẫu thuật. Tùy vào tình trạng khối u mà bác sĩ sẽ lên phác đồ xạ trị với số lần thực hiện và thời gian cụ thể.
Tương tự như phẫu thuật, xạ trị điều trị u tuyến yên cũng có thể gây các tác dụng phụ như: cơ thể mệt mỏi, đau bụng, đi ngoài phân lỏng… Tuy nhiên các vấn đề này thường biến mất sau khi kết thúc liệu trình. Về lâu dài, người bệnh có thể cảm nhận thấy sự thay đổi về nhận thức và suy giảm trí nhớ… Bạn cần thông báo với bác sĩ về bất kỳ thay đổi bất thường nào của cơ thể để được hỗ trợ kịp thời.
3.3. U tuyến yên điều trị bằng thuốc
Thuốc được sử dụng trong điều trị u tuyến yên giúp kiểm soát lượng hormone tiết ra, đôi khi có khả năng làm giảm kích thước khối u này. Phác đồ điều trị bằng thuốc sẽ được chỉ định dựa trên tình trạng nội tiết tố của người bệnh. Thuốc có thể được đưa vào cơ thể dưới dạng uống hoặc truyền trực tiếp vào cơ thể.
Để đạt được hiệu quả điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng các hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian, cách bảo quản… Sau mỗi liệu trình, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng khối u của người bệnh để xác định hướng điều trị tiếp theo.
4. Thay thế hormone tuyến yên
Thay thế hormone tuyến yên là liệu pháp nhằm đạt được mục đích duy trì hàm lượng hormone được sản xuất ở mức bình thường. Đây là phương pháp có thời gian điều trị dài hạn, thường là cả đời. Do đó, quá trình điều trị cần được tiến hành dưới sự giám sát, theo dõi liên tục của bác sĩ chuyên khoa.
5. Theo dõi tích cực
Trường hợp khối u không gây triệu chứng và có kích thước rất nhỏ, người bệnh có thể được chỉ định theo dõi tích cực. Bác sĩ sẽ ghi nhận sự phát triển của khối u tuyến yên thông qua các xét nghiệm định kỳ. Trong thời gian này, nếu nhận thấy người bệnh biểu hiện triệu chứng như: giảm thị lực, đau đầu, rối loạn nội tiết…, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác.
Hy vọng thông qua các thông tin cung cấp trong bài, bạn có thể phần nào hiểu được u tuyến yên điều trị như thế nào. Người bệnh ngay khi phát hiện các triệu chứng bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và có phương án điều trị phù hợp.