Bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tình trạng bệnh có thể được cải thiện thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tham khảo bài viết sau để hiểu rõ hơn về các loại thực phẩm người bệnh trào ngược nên ăn và nên tránh.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản và các biến chứng của bệnh
Trào ngược dạ dày – thực quản là bệnh lý xảy ra khi có hiện tượng acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản, viết tắt là GERD. Bệnh gây ra hàng loạt triệu chứng như: ợ chua, ợ nóng, tức ngực, viêm họng kéo dài,… Đây là bệnh lý tiêu hóa phổ biến, có thể gặp ở mọi đối tượng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
Bệnh trào ngược dạ dày tác động tiêu cực đến hoạt động tiêu hóa và chất lượng giấc ngủ. Điều này khiến người bệnh dễ gặp phải các vấn đề suy kiệt về năng lượng thể chất và tinh thần.
Bên cạnh đó, trào ngược dạ dày còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm loét thực quản, Barrett thực quản (được gọi là tiền ung thư thực quản), chít hẹp thực quản, ung thư thực quản,…
Ngoài những biến chứng tại đường tiêu hóa, acid dạ dày còn có thể trào ngược lên khu vực đường hô hấp. Người bệnh có thể đối mặt với tình trạng viêm họng, viêm phế quản, viêm xoang, ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi, viêm tai, viêm tuyến giáp, hao mòn men răng,…
2. Nên ăn gì khi bị trào ngược dạ dày thực quản?
2.1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên sử dụng gừng và nghệ vàng
Gừng và nghệ là các loại gia vị quen thuộc trong gian bếp của người Việt. Không chỉ kích thích vị giác và gia tăng hương vị đậm đà cho món ăn, hai loại thảo mộc này còn có giá trị trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày.
Điều này có được là nhờ gừng và nghệ có thành phần giàu hoạt chất chống viêm tự nhiên. Người bệnh trào ngược dạ dày có thể sử dụng nghệ tươi, tinh bột nghệ hoặc viên uống chiết xuất từ nghệ. Tuy nhiên việc dùng nghệ chỉ có tác dụng bổ trợ, trước khi sử dụng người bệnh cần thăm khám với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
2.2. Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như đậu, đỗ
Đậu, đỗ như đậu tương, đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu đen,… là loại thực phẩm chứa nguồn chất xơ dồi dào cũng như các amino axit cần thiết cho cơ thể.
Lưu ý rằng việc tiêu thụ quá mức các thực phẩm này có thể gây đầy hơi vì chúng chứa nhiều carbohydrate. Chính vì vậy, người bệnh cần lưu ý nên ăn đậu, đỗ với lượng vừa phải. Ngoài ra, người bệnh có thể ngâm chúng qua đêm trước khi chế biến để giảm bớt hiện tượng đầy hơi.
2.3. Các loại bánh mì
Có thể nói bánh mì là “người bạn tốt” của dạ dày, đặc biệt ở những người bị trào ngược dạ dày thực quản. Lý do là bởi tinh bột có trong bánh mì giúp thấm hút bớt acid dư thừa do dạ dày tiết ra. Nhờ đó, các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản sẽ được cải thiện.
2.4. Các loại quả tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản
– Táo: Chứa nhiều chất xơ hòa tan Pectin, có tác dụng hỗ trợ hoạt động tiêu hóa diễn ra trơn tru. Người bệnh nên ăn các loại táo có vị ngọt, tránh quả chua để không làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh.
– Dưa hấu, dưa gang: Giúp trung hòa acid dạ dày, đồng thời giàu vitamin, giảm thiểu tình trạng ợ chua, ợ nóng.
– Đu đủ chín: Giàu chymopapain và enzym papain thúc đẩy quá trình tiêu hóa protein. Ăn đu đủ giúp kích thích tiêu hóa, giảm triệu chứng khó tiêu, giảm tiết acid từ đó giúp xoa dịu dạ dày.
– Dưa chuột: Là nguồn chất xơ và khoáng chất dồi dào như vitamin C, canxi, folate, erepsin. Loại quả này giúp hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, cải thiện các triệu chứng ợ nóng, ợ chua gây ra bởi trào ngược dạ dày.
– Thanh long: Chứa hàm lượng lớn chất xơ hòa tan, nước và các chất dinh dưỡng.. Thanh long còn dễ tiêu hóa, rất tốt cho dạ dày.
2.5. Cá và các loại thịt nạc
Cá và thịt nạc chứa nguồn protein dồi dào, đồng thời ít chất béo. Đây là các thực phẩm dễ tiêu hóa, không gây áp lực lên dạ dày. Bên cạnh đó, các thực phẩm này rất đa dạng, giúp người bệnh có thể thay đổi làm đa dạng thực đơn của bản thân.
2.6. Sữa chua
Sữa chua cũng là thực phẩm được khuyến khích sử dụng với người bị trào ngược dạ dày. Nguồn lợi khuẩn phong phú trong sữa chua giúp cải thiện các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, bao gồm trào ngược dạ dày.
Đồng thời, thực phẩm này giúp tăng cường sức khỏe của đường ruột nói chung. Đa số trường hợp trào ngược dạ dày được cải thiện đáng kể triệu chứng ợ chua, ợ nóng, đầy hơi, khó tiêu… khi ăn sữa chua mỗi ngày. Ngoài ra, sử dụng sữa chua còn có tác dụng thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động tích cực hơn.
3. Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên kiêng ăn gì?
Khi người bệnh ăn các thực phẩm gây kích thích, dạ dày sẽ tăng tiếp pepsin và acid, đồng thời gặp tình trạng khó tiêu dẫn đến hiện tượng trào ngược. Do đó, người bệnh cần lưu ý kiêng những món ăn sau đây:
– Đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ và chất béo: Gây khó tiêu, đầy bụng, trào ngược acid.
– Các loại hoa quả có vị chát, chứa nhiều nhựa (như quả sung, quả hồng,…). Chúng kích thích dạ dày tiết acid. Mặt khác, nhựa trong các quả này cộng hưởng với acid dạ dày có thể tạo thành dị vật cản trở tiêu hóa.
– Thực phẩm có tính acid cao như trái cây chua (chanh, cóc,…), thực phẩm cay (ớt, tiêu,…).
– Socola: chứa nhiều chất béo khó tiêu hóa và chất Methylxanthine làm giãn cơ thắt thực quản dưới, dễ khiến dịch vị dạ dày bị trào ngược.
– Bia rượu, trà, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích khác đều gây tổn thương dạ dày và đường tiêu hóa, khiến tình trạng trào ngược trở nên trầm trọng hơn.
Bài viết đã cung cấp các thông tin liên quan đến chế độ ăn của người bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học sẽ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh. Bên cạnh chế độ ăn, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ tiêu hóa, tuân thủ phác đồ điều trị để đẩy lùi hiệu quả trào ngược dạ dày thực quản.