Nhiều trẻ bị viêm VA, gây ra các triệu chứng như khó thở bằng mũi, khó nuốt, viêm tai thường xuyên… và có chỉ định nạo VA. Phương pháp phẫu thuật này diễn ra như thế nào? Mẹ cần chăm sóc bé ra sao… Những thông tin xoay quanh nạo VA cho bé sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Menu xem nhanh:
1. Định nghĩa VA và viêm VA
VA (Végétations Adénoides) là một tổ chức bao gồm các tế bào bạch cầu (lympho) ở vùng vòm họng. Khi chúng ta hít thở, không khí sẽ đi từ mũi, vào VA, tới phổi. Độ dày trung bình của VA là khoảng 4-5mm, không cản trở đường thở của chúng ta. Ở các bé độ tuổi 6 tháng – 4 tuổi, VA phát triển mạnh nhất. Trên 5 tuổi, VA thoái triển dần.
Viêm VA là tình trạng VA tiếp xúc với vi khuẩn thường xuyên và bị tấn công, gây ra viêm nhiễm. Viêm VA là tình trạng rất phổ biến ở trẻ em, do VA có vị trí ngay phía ngoài, và thường xuyên phải tiếp xúc với các vi khuẩn.
2. Tại sao cần nạo VA cho bé? Khi nào cần nạo?
Trẻ nhỏ thường xuyên bị viêm họng có thể dẫn tới VA quá phát, sưng to, gây bít tắc đường thở và vòi nhĩ (Eustachian tube) – vòi nối tai giữa với mặt sau của mũi. Bít tác vòi nhĩ có thể dẫn tới nhiễm trùng tai, gây ảnh hưởng tới thính lực và hô hấp của các bé. Do đó, nạo VA có thể được bác sĩ chỉ định để giúp cải thiện các triệu chứng của trẻ.
Những trường hợp thường được chỉ định nạo VA đó là:
– Bé bị viêm tai, viêm họng mạn tính, mà không đáp ứng điều trị kháng sinh
– Bệnh tái phát trên 5 lần/1 năm
– Tái phát trên 3 lần/ 2 năm
Nạo VA thường được thực hiện kết hợp với phẫu thuật cắt amidan. Đây là những ca phẫu thuật được thực hiện rất phổ biến ở trẻ em. Viêm đường hô hấp và viêm họng mạn tính thường gây viêm và nhiễm trùng ở cả hai tuyến này. Nạo VA sẽ giúp trẻ ít bị viêm họng, hoặc nếu có sẽ nhẹ hơn; Hạn chế mắc viêm tai giữa, thở bằng mũi dễ chịu hơn…
3. Phương pháp nạo VA tốt nhất cho trẻ hiện nay
Có nhiều phương pháp nạo VA cho bé, trong đó phương pháp hiện đại đang được áp dụng thực hiện cho nhiều trẻ em đó là Plasma Plus. Một số thông tin cho phụ huynh chưa biết về phương pháp này:
– Sử dụng năng lượng từ sóng radio tần số cao để loại bỏ VA và amidan.
– Phá huỷ các mô viêm dễ dàng mà không gây bỏng hay tổn thương, ổ viêm nhiễm được loại bỏ triệt để.
– Lưỡi dao có thể bẻ cong, dễ dàng vươn tới các ngóc nhỏ hẹp.
– Cắt, đốt, cầm máu dễ dàng, do đó trẻ rất ít bị chảy máu và đau sau phẫu thuật.
– Thời gian nạo khá ngắn, chỉ khoảng 20 – 30 phút, và thời gian lưu viện chỉ 24h.
– Sau phẫu thuật, trẻ có thể ăn uống được và nói bình thường, tuy nhiên cần có một số lưu ý như không ăn thức ăn cứng, nóng, không nên nói to, nói nhiều.
4. Quá trình nạo VA cho bé diễn ra như thế nào?
Bước 1: Thăm khám, chỉ định phẫu thuật
Bước 2: Trẻ được gây mê để ca mổ diễn ra thuận lợi
Bước 3: Nạo VA bằng công nghệ Plasma Plus mới nhất hiện nay. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng đưa qua đường miệng để loại bỏ ổ viêm nhiễm, cắt, đốt và cầm máu. Ca phẫu thuật sẽ diễn ra khoảng 30 phút.
Bước 4: Bé chuyển về phòng hậu phẫu và lưu viện 1 ngày.
5. Những lưu ý sau nạo VA cho bé
– Trẻ sau khi nạo VA thường sẽ có biểu hiện đau họng trong 1 – 2 tuần đầu, điều này là bình thường. Tuy nhiên, với phương pháp nạo VA mới, trẻ ít đau hơn. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê thêm thuốc giảm đau cho trẻ, ba mẹ nhớ nhắc nhở con uống thuốc đúng giờ.
– Trẻ sau phẫu thuật cần uống nhiều nước để nhanh chóng phục hồi và giảm đau. Do vậy, phụ huynh nên động viên con uống nước. Đặc biệt, nước mát sẽ giúp cổ họng dịu hơn.
– Không cho trẻ ăn thức ăn cay, nóng, cứng, giòn trong 2 tuần đầu sau phẫu thuật. Một số thực phẩm tốt cho sự phục hồi của bé đó là: nước trái cây, sữa chua, nước súp hoặc thịt nấu mềm, sữa…
– Nhắc nhở bé không nên hoạt động chạy nhảy, la hét trong khoảng 1 tuần sau phẫu thuật. Sau mổ 3-4 ngày nếu sức khỏe trẻ ổn định, bé có thể quay lại trường lớp.
Trên đây là một số thông tin giúp ba mẹ có thêm kiến thức trước khi quyết định nạo VA cho con. Phụ huynh nên cho con đi thăm khám tại các chuyên khoa tai mũi họng để được bác sĩ tư vấn điều trị tốt nhất.