Vi khuẩn não mô cầu được ghi nhận gây nên những vụ dịch nguy hiểm trên cả nước, mà nhóm đối tượng mắc bệnh chủ yếu là ở trẻ nhỏ. Hiện nay, Việt Nam đã có vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu. Vậy lịch tiêm phòng ngừa như thế nào? Cùng TCI tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Một số triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu
Vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp. Khi người lành tiếp xúc trực tiếp với hạt chất tiết đường hô hấp của người bệnh hoặc người lành mang bệnh.
Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn có thể trực tiếp gây ra bệnh tại đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm amidan, viêm phổi. Nghiêm trọng hơn, vi khuẩn có thể là nguyên nhân dẫn tới việc bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do não mô cầu. Hai trường hợp này có diễn biến bệnh nhanh chóng với tỷ lệ tử vong cao.
1.1. Triệu chứng bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu
– Bệnh nhân bị sốt cao đột ngột, sốt từ 39 đến 40 độ C.
– Bị đau đầu nhiều, trẻ quấy khóc nhiều.
– Cảm giác nôn và buồn nôn.
– Trẻ kém ăn, bỏ bú và mệt mỏi.
– Cứng cổ, sợ ánh sáng và kèm theo dấu hiệu thóp phồng.
– Người bệnh có thể xuất hiện dấu hiệu co giật, li bì, hôn mê và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
1.2. Triệu chứng nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn não mô cầu
– Bệnh nhân sốt cao ở mức 39 đến 40 độ C. Sốt cao kèm theo rét run, đau đầu, nôn, đau cơ đặc biệt đau nhiều tại vùng sống lưng và hai chân, đau khớp…
– Dấu hiệu đặc trưng là xuất hiện nốt tử ban. Đặc điểm là các nốt có màu đỏ/tím, kích thước từ vài mm đến vài cm, có hoại tử ở trung tâm, vị trí chủ yếu tại nách quanh khớp khuỷu, gối, cổ chân. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng xuất hiện, khoảng 75% số bệnh nhân thấy hiện tượng này.
Viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính, cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng suốt đời sau khi điều trị khỏi bệnh.
Do tính chất nguy hiểm nên cần có các biện pháp chủ động phòng bệnh. Tiêm vắc-xin là một trong số các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và hiệu quả cao mà phụ huynh nên lưu ý thực hiện cho trẻ.
2. Lịch tiêm và đối tượng nên/không nên tiêm ngừa viêm màng não mô cầu
2.1. Lịch tiêm phòng bệnh viêm màng não mô cầu
Dưới đây là lịch tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu được khuyến cáo:
– Lịch tiêm với vắc xin ngừa não mô cầu tuýp A và C: Dành cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Tiêm tổng cộng 2 mũi, mũi đầu tiên tiêm khi trẻ 2 tuổi, mũi thứ 2 tiêm nhắc lại sau từ 3 – 5 năm để duy trì hiệu quả phòng ngừa của vắc xin.
– Lịch tiêm với vắc xin ngừa não mô cầu BC: Dùng để tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người trưởng thành dưới 45 tuổi. Tiêm 2 mũi, mũi thứ hai cách mũi đầu tiên sau 6 đến 8 tuần.
– Lịch tiêm với vắc xin ngừa não mô cầu tuýp ACYW – 135: Tiêm cho trẻ từ 9 tháng tới 2 tuổi và người trưởng thành không quá 55 tuổi. Tiêm 2 mũi với trẻ nhỏ, khoảng cách giữa các mũi tiêm là 3 tháng. Và tiêm 1 lần duy nhất với người lớn.
2.2. Đối tượng nên chú ý phòng bệnh theo lịch tiêm ngừa
– Trẻ từ 11 tới 18 tuổi. Độ tuổi lý tưởng cần được tiêm ngừa là trẻ 11 hoặc 12 tuổi. Đối với trẻ nhỏ hơn cũng nên tiêm nếu có nguy cơ nhiễm bệnh cao, ví dụ như trẻ đang sống trong vùng dịch viêm màng não.
– Bất cứ ai từng tiếp xúc với viêm màng não mô cầu trong một đợt bùng phát hoặc khi nghiên cứu.
– Bất cứ ai từng đi du lịch hoặc sinh sống ở nơi viêm màng não phổ biến.
– Người có hiện tượng rối loạn hệ miễn dịch. Người không có lá lách hoặc chức năng của lá lách bị suy giảm và hư hỏng.
2.3. Đối tượng có thể không được tiêm ngừa
Mặc dù tiêm phòng não mô cầu là việc cần thiết và có thể giúp bạn có thể chống lại bệnh viêm não nguy hiểm nhưng một số trường hợp có thể sẽ gặp các phản ứng không mong muốn như:
– Người từng có phản ứng nghiêm trọng như sốt cao, co giật ở lần tiêm vắc xin phế cầu trước.
– Người có hiện tượng dị ứng với thành phần trong vắc xin.
– Người mắc những bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch như HIV, AIDS hoặc đang hóa trị/xạ trị.
– Đặc biệt, vắc xin phòng ngừa não mô cầu chưa được chứng minh là an toàn cho thai nhi. Chính vì vậy, đây cũng là vắc xin không nằm trong danh mục tiêm dành cho bà bầu.
3. Sau khi tiêm phòng não mô cầu có gặp tác dụng phụ không?
Sau khi tiêm ngừa viêm não mô cầu, bạn nên ở lại cơ sở tiêm chủng khoảng 30 phút để theo dõi và kịp thời xử lý nếu không may xảy ra bất kỳ sự cố nào. Một số tác dụng phụ có thể gặp sau khi tiêm phòng có thể kể đến như:
– Sốt: Thông thường sau khi tiêm vắc xin, hệ miễn dịch sẽ bắt đầu làm việc và sản xuất ra các kháng thể. Trong quá trình đó, nhiệt độ của cơ thể tăng lên. Đây là phản ứng bình thường và không cần quá lo lắng bởi cơn sốt chỉ kéo dài khoảng một vài tiếng.
– Đau và sưng đỏ ở vùng sau bắp đùi: Sự kích thích của vắc xin có thể làm cho vùng tiêm bị nhức và hơi nóng. Vắc xin phòng viêm não mô cầu thường được tiêm ở bắp đùi trong nên đau bắp là phản ứng sinh học bình thường của cơ thể.
– Cảm giác mỏi cơ và đau đầu.
Tất cả các phản ứng trên sẽ nhẹ dần và tự biến mất sau khoảng 2 ngày. Bạn có thể tắm rửa nhẹ nhàng và làm dịu cơn sốt bằng cách dùng paracetamol hoặc giảm đau vùng tiêm bằng cách thực hiện chườm lạnh. Tuy nhiên, các biện pháp trên cần có sự đồng ý của bác sĩ.
Ngoài ra, các trường hợp bị sốt cao trên 39 độ kèm theo biểu hiện khó thở, tím tái,… cần được đưa ngay tới cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Trên đây là những thông tin liên quan tới vắc xin ngừa bệnh viêm màng não mô cầu và lịch tiêm để các bạn nắm rõ. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, đừng ngần ngại liên hệ tới Thu Cúc TCI để được tư vấn ngay nhé!