Tiêm vắc xin viêm não mô cầu và những thông tin cần biết

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Bệnh viêm màng não mô cầu là một căn bệnh nguy hiểm có tỉ lệ gây tử vong cao, đặc biệt là với đối tượng thanh thiếu niên. Bệnh viêm màng não có thể lây lan nhanh chóng qua đường không khí khi chúng ta tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Vì vậy, việc tiêm vắc xin viêm não mô cầu là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm màng não do não mô cầu

Bệnh viêm màng não mô cầu là căn bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ sinh sôi phát triển và có thể gây nên bệnh viêm não hoặc viêm màng não, thậm chí có nguy cơ mắc 2 bệnh cùng lúc.

Viêm màng não mô cầu là căn bệnh nguy hiểm, mà đối tượng dễ mắc nhất là trẻ nhỏ

Viêm màng não mô cầu là căn bệnh nguy hiểm, mà đối tượng dễ mắc nhất là trẻ nhỏ

Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, bệnh diễn tiến rất nhanh và có thể dẫn tới nguy kịch chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ với các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn ói, xây sẩm mặt và cuối cùng là hôn mê. Hai căn bệnh thường gặp do vi khuẩn não mô cầu gây ra là viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

1.1 Dấu hiệu bệnh viêm màng não do não mô cầu

Bệnh viêm màng não do não mô cầu thường xuất hiện với các dấu hiệu sau:

– Sốt cao liên tục trên 39 độ
– Đau đầu dữ dội (ở trẻ nhỏ sẽ kèm theo quấy khóc nhiều)
– Buồn nôn và nôn mửa ( với trẻ nhỏ sẽ là buồn nôn, bỏ bữa, kém ăn, cơ thể lờ đờ mệt mỏi)
– Dấu hiệu đặc trưng là cứng đờ cổ. Nếu ở trẻ dưới 1 tuổi sẽ thấy thóp phồng bất thường.

1.2 Dấu hiệu bệnh nhiễm trùng huyết do não mô cầu

Bệnh nhiễm trùng huyết do não mô cầu được xác định khi người bệnh đi kèm các triệu chứng sau:

– Sốt cao liên tục 39 – 40 độ không hạ, kèm theo ớn lạnh và rét run

– Đau đầu, đau khớp, đau các cơ và đặc biệt đau nhiều ở cột sống và 2 chân

– Buồn nôn và nôn ói

– Khoảng gần 80% trường hợp người bệnh xuất hiện nốt ban đỏ hoặc tím thẫm trong vòng 24 – 48 giờ sau sốt. Kích thước các nốt ban từ 1 – 2mm, thậm chí đến vài cm, một vài trường hợp bị hoại tử ở vùng trung tâm. Các nốt ban thường tập trung theo vùng và chủ yếu ở nách, vùng hông, quanh khuỷu tay, đầu gối và cổ chân. Một số ít trường hợp nốt ban có dạng bóng nước hoặc lan rộng sang các vùng xung quanh

Đối tượng dễ mắc viêm não mô cầu nhất là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người dưới 30 tuổi, tuy nhiên trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh vẫn là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, bệnh viêm màng não mô cầu có nguy cơ phát triển thành ổ dịch. Vì vậy, biện pháp tốt nhất giúp phòng bệnh là tiêm phòng viêm màng não mô cầu ngay khi trẻ đủ độ tuổi tiêm.

2. Tại sao cần tiêm phòng viêm màng não mô cầu cho trẻ?

Vắc xin viêm não mô cầu được bào chế chứa các kháng nguyên nhằm kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể để chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Theo WHO đã chỉ ra, hiệu quả ngăn chặn và ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu có thể đạt tới 90%

Trẻ nhỏ cần được tiêm vắc xin viêm não mô cầu càng sớm càng tốt để phòng ngừa bệnh viêm màng não

Trẻ nhỏ cần được tiêm vắc xin viêm não mô cầu càng sớm càng tốt để phòng ngừa bệnh viêm màng não

Cho đến thời điểm hiện tại, vi khuẩn não mô cầu xuất hiện với 13 chủng, tại Việt Nam, nguy hiểm nhất là các chủng A, B, C. Vì vậy các chuyên gia tiêm chủng khuyến cáo cha mẹ nên cho bé tiêm chủng cả 2 loại vắc xin  AC và BC vì nếu chỉ tiêm 1 trong 2 thì vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn não mô cầu chủng A và ngược lại.

3. Những đối tượng nên và không nên tiêm phòng viêm màng não mô cầu

3.1. Những đối tượng cần được tiêm vắc xin viêm não mô cầu

Bất kỳ ai trong độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu. Tuy nhiên sẽ có 1 số nhóm đối tượng được CDC Hoa Kỳ khuyến nghị cần thiết nên tiêm phòng viêm não mô cầu, đó là những đối tượng dưới đây:

– Trẻ từ 6 tháng tuổi: Trẻ sơ sinh hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém, đây cũng là nhóm trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất

– Thanh thiếu niên từ 11 – 18 tuổi chưa tiêm vắc xin viêm não mô cầu trước đó.

– Bất kì ai từng tiếp xúc với người bệnh mắc viêm màng não mô cầu hoặc trong một đợt dịch bùng phát, cũng có thể là nghiên cứu sinh về căn bệnh này.

– Trường hợp người từng đi du lịch hoặc sinh sống một thời gian mà bệnh viêm màng não phổ biến, ví dụ như khu vực Sahara thuộc châu Phi.

– Người có hệ miễn dịch kém hoặc bị rối loạn hệ miễn dịch. Người không có lá lách bẩm sinh hoặc bị suy giảm chức năng lá lách.

3.2 Những đối tượng không nên tiêm vắc xin viêm não mô cầu

Nếu thuộc 1 trong các nhóm đối tượng sau, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định tiêm phòng:

– Lịch sử tiêm phòng viêm màng não mô cầu từng có phản ứng nghiêm trọng hoặc bị dị ứng sau tiêm

– Đang bị sốt hoặc bị bệnh nặng nên cân nhắc tiêm vắc xin sau khi cơ thể khỏe lại

– Người bệnh mắc hội chứng viêm đa dây thần kinh cấp tính hay còn gọi là hội chứng Guilain – Barre

– Bà bầu không nên tiêm phòng ngừa viêm não mô cầu. Trừ khi thai phụ có hệ miễn dịch yếu hoặc có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.

4. Lịch tiêm ngừa viêm màng não mô cầu cho trẻ em

Vắc xin viêm màng não mô cầu hiện tại chưa được áp dụng phổ biến trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì thế nên tỉ lệ chích ngừa loại vắc xin này còn chưa cao. Trong khi đó, bất kì lúc nào và bất kì đối tượng nào, đặc biệt là trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.

Vì vậy, việc chủng ngừa vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu là biện pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ nhỏ phòng tránh bệnh và các biến chứng nguy hiểm do viêm màng não gây ra. Phác đồ tiêm viêm màng não mô cầu như sau:

– Đối với vắc xin ngừa não mô cầu tuýp A và C: Dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tiêm tổng cộng 2 mũi, mũi đầu tiên khi trẻ đủ 2 tuổi, mũi thứ 2 tiêm nhắc lại sau 3 – 5 năm để duy trì hiệu quả phòng bệnh của vắc xin

– Đối với vắc xin ngừa não mô cầu BC: Tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người trưởng thành dưới 45 tuổi. Tiêm tổng cộng 2 mũi, mũi thứ hai cách mũi đầu tiên sau 6 – 8 tuần.

– Đối với vắc xin ngừa não mô cầu tuýp ACYW – 135: Tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi và người trưởng thành không quá 55 tuổi. Tiêm tổng cộng 2 mũi với trẻ nhỏ, khoảng cách giữa các mũi tiêm là 3 tháng. Và tiêm 1 lần duy nhất đối với người lớn.

Vắc xin ACYW - 135 phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu

Vắc xin ACYW – 135 phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu

Cha mẹ nên lưu ý lịch tiêm phòng viêm màng não mô cầu cho bé theo từng giai đoạn và độ tuổi để đưa bé đi tiêm đầy đủ và không để bỏ sót mũi tiêm nhé!

Trên đây là những thông tin cần thiết về việc tiêm phòng viêm màng não mô cầu, nếu có bất kì thắc mắc nào liên quan đến tiêm chủng, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc để biết thêm chi tiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital