Nấm miệng Candida là bệnh gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Quyết

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Nấm miệng Candida còn biết đến với các tên gọi khác như nấm lưỡi, bệnh tưa lưỡi hay nấm miệng. Vậy bệnh nấm miệng này vì sau mắc phải và có nguy hiểm không, điều trị như thế nào?

1. Bệnh nấm miệng Candida là bệnh gì?

Hình ảnh nấm miệng Candida ở trẻ nhỏ

Hình ảnh nấm miệng Candida ở trẻ nhỏ

Nấm candida là bệnh lý gây ra bởi các loại nấm men họ Candida. Loại nấm này rất phổ biến trong môi trường và sống ở khắp mọi nơi. Trên cơ thể người, nấm men Candida thường xuất hiện trên da, họng, vùng tiêu hóa và khu vực bộ phận sinh dục. Thông thường nấm Candida đã tồn tại trên cơ thể người. Tuy nhiên ở một thời điểm phù hợp, gặp các điều kiện thuận lợi giúp loại nấm này phát triển sẽ gây nên bệnh nấm.

Tương tự với khu vực miệng, nấm men Candida khi gặp các yếu tố thuận lợi sẽ gây nên tình trạng nấm miệng, hay còn được biết đến với tên gọi như tưa miệng, nấm lưỡi. Dưới đây là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm nấm ở miệng:

– Suy giảm miễn dịch: Đây là vấn đề phổ biến ở những bệnh nhân bị nhiễm nấm Candida. Khi hệ thống miễn dịch suy giảm, cơ thể không còn lớp rào bảo vệ cơ thể khỏi các loại vi sinh vật. Tình trạng suy giảm miễn dịch này cũng thường gặp ở các bệnh nhân bị ức chế suy giảm miễn dịch trong quá trình điều trị các bệnh ung thư, phẫu thuật ghép tạng, HIV/AIDS,…

– Người mắc bệnh tiểu đường. Khi mắc bệnh tiểu đường, nước bọt chứa lượng đường lớn, đây là môi trường thuận lợi để nấm phát triển.

– Phụ nữ nhiễm nấm âm đạo: Nguyên nhân nấm âm đạo Candida và nấm miệng cùng một loại nấm men gây nên. Chính vì thế mà người bị nấm âm đạo Candida có nguy cơ bị nấm miệng cao  hơn. Bên cạnh đó, với mẹ bầu bị nấm âm đạo thì nguy cơ trẻ bị nấm miệng là rất lớn do tiếp xúc nầm bệnh trong quá trình sinh thường.

– Sử dụng thuốc: Các loại thuốc chứa prednisone hay corticosteroid  đều khiến hệ vi sinh vật tự nhiên trong cơ thể bị mất cân bằng. Khi đó, nguy cơ mắc nấm miệng gia tăng.

– Các vấn đề về răng miệng khác: Niềng răng, đeo răng giả, hoặc mắc chứng khô miệng có thể gia tăng nguy cơ nấm miệng Candida .

Nấm miệng Candida ở người lớn

Nấm miệng Candida ở người lớn

2. Nấm miệng Candida có những triệu chứng nào?

Nhiễm nấm Candida ở miệng có thể gặp cả trẻ em và người lớn. Với trẻ em tỷ lệ nhiễm nấm Candida miệng cao hơn bởi sức đề kháng của trẻ còn kém và trẻ dễ bị nhiễm bệnh khi không may tiếp xúc nguồn bệnh.

2.1.Triệu chứng nấm miệng Candida ở người lớn

Với người lớn, các triệu chứng của nấm Candida ở miệng dễ dàng nhận biết hơn. Cụ thể:

– Khu vực má trong, lưỡi, vòm miệng và cổ họng có những mảng màu trắng.

– Ngoài các mảng trắng trên còn có những khu vực bị tấy đỏ, những vùng tấy đỏ thường ngứa và có cảm giác đau rát.

– Khi ăn uống vị giác bị giảm sút, nếu trong tình trạng nặng, người bệnh sẽ gần như mất hoàn toàn vị giác khi ăn uống.

– Khóe miệng nứt nẻ và đỏ ửng (chốc mép) và có thể bị chảy máu nhẹ.

– Nấm miệng lan sâu vùng hầu họng sẽ gây nuốt khó, đau rát khi nuốt.

– Ngoài ra, khi bị nấm miệng, hơi thở sẽ có mùi hôi.

2.2.Dấu hiệu nấm miệng Candida ở trẻ em

Với trẻ em, đặc biệt với trẻ sơ sinh do khả năng biểu đạt ngôn ngữ khó nên gần như các dấu hiệu sẽ cần được quan sát và nhận biết bằng mắt thường. Ở trẻ em, các dấu hiệu đặc trưng của nấm miệng gồm có:

– Trẻ bỏ bú, trẻ lớn hơn thường có biểu hiện chán ăn. Nguyên nhân bởi cảm giác đau rát, ngứa ngáy vùng miệng.

– Khi quan sát trong vùng miệng sẽ thấy những đốm trắng. Tuy nhiên với trẻ em sẽ rất khó cạo những mảng trắng này trên lưỡi.

– Trẻ sơ sinh thường quấy khóc và liên tục có dấu hiệu đưa tay lên má. Ngoài ra trẻ cũng rất nhanh bị hăm tã.

Với trẻ sơ sinh bị nấm Candida ở miệng, khi bú mẹ có thể lây nấm sang đầu và gây nên tình trạng nhiễm nấm Candida ở vú.

3. Điều trị bệnh nấm miệng

Nấm miệng được điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh

Nấm miệng được điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh

Khi có dấu hiệu nghi ngờ nấm miệng, các tốt nhất là tới bệnh viện để được kiểm tra và chẩn đoán. Thông thường, chỉ thông qua quan sát các dấu hiệu, bác sĩ có thể nhận biết được có bị nấm miệng hay chưa. Tuy nhiên việc kiểm tra sẽ giúp bác sĩ xác định mức nhiễm nấm để điều trị tận gốc, bao gồm:

– Thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm (lấy từ miệng) để soi dưới kính hiển vi

– Nội soi vùng miệng, họng và thậm chí là dạ dày để phát hiện những vị trí xuất hiện nấm Candidi.

Với mỗi mức độ nhiễm nấm cần điều trị ở mức độ khác nhau. Đặc biệt, để điều trị nấm, cần điều trị triệt để nguồn lây nhiễm và tái phát. Với nấm ở vùng miệng – hầu – họng hay thực quản, người bệnh sẽ được điều trị nội khoa dùng thuốc kháng sinh. Các nhóm thuốc phổ biến là miconazole, nystatin, clotrimazole được sử dụng thông qua đường uống. Thông thường một đợt điều trị nấm miệng sẽ kéo dài từ 1 – 2 tuần. Các trường hợp nặng có thể kéo dài tới 3 – 4 tuần.

Quá trình sử dụng thuốc điều trị cần tuyệt đối tuân thủ theo đơn của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc hoặc tự ý cho trẻ uống thuốc điều trị. Bởi đặc thù thuốc điều trị nấm có những dược tính, độc tính khác nhau, có thể gây ra tình trạng dị ứng, phản ứng nếu không kiểm tra và thử thuốc trước.

Việc điều trị nấm miệng Candida cần được thực hiện ngay và không nên chậm trễ khi đã phát hiện bệnh. Nấm miệng không chỉ gây khó khăn và đau đớn khi ăn uống, sinh hoạt mà còn lan rộng tới cơ quan nội tạng khác nếu không điều trị kịp thời như nấm họng, nấm thanh quản, nấm dạ dày và thậm chí nhiễm nấm vào trong máu rất nguy hiểm.

Bổ sung vitamin C giúp cơ thể tăng sức đề kháng

Bổ sung vitamin C giúp cơ thể tăng sức đề kháng

Ngoài ra, trong quá trình điều trị nấm miệng Candida, người bệnh có thể kết hợp với một số mẹo nhỏ sau đây để  quá trình điều trị được hiệu quả:

– Sau khi ăn xong cần đánh răng và súc miệng bằng nước muối.

– Đeo răng giả cần thực hiện vệ sinh hằng ngày sạch sẽ, tránh gây kích ứng.

– Hạn chế ăn đồ ngọt trong quá trình điều trị.

– Bổ sung vitamin C để tăng cường đề kháng cho cơ thể như: ăn nhiều các loại quả cam, chanh, bưởi, ổi, các loại rau súp lơ, rau ngót,…..

– Với nữ giới nếu đồng thời bị nấm âm đạo, cần điều trị càng sớm càng tốt

Trên đây là một số thông tin về bệnh nấm miệng do nấm men Candida gây ra. Hi vọng với bài viết này, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng nấm cũng như những tác hại và những lưu ý trong quá trình điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital