Chuyên gia giải đáp: Trẻ bị nấm miệng phải làm sao?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Nấm miệng, đẹn miệng hay tưa lưỡi là bệnh lý rất phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi. Mặc dù không nguy hiểm, bệnh vẫn ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống, ngủ, nghỉ,… của trẻ. Vậy, nếu nghi ngờ bé nhà bạn bị nấm miệng, đọc bài viết ngay để nắm được cách xử trí bệnh lý này đúng đắn và hiệu quả.

1. Nguyên nhân nấm miệng

Hoạt động của nấm Candida Albicans là nguyên nhân chính gây đẹn miệng ở trẻ nhỏ. Candida Albicans luôn tồn tại trên cơ thể con người và chúng vô hại nếu được duy trì ở mức cân bằng. Tuy nhiên, khi yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của chúng xuất hiện, Candida Albicans sẽ gây nấm miệng. Theo đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh ở trẻ nhỏ có thể kể đến là:

– Trẻ có hệ thống miễn dịch yếu: Đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng và trẻ sử dụng corticoid đường hít kéo dài (điều trị hen suyễn) mà không súc miệng sau khi dùng.

– Trẻ có mẹ nhiễm nấm sinh dục: Khi mang thai và chuyển dạ, nếu mẹ nhiễm nấm sinh dục nhưng chưa điều trị dứt điểm, trẻ nhỏ sinh thường có thể bị lây nhiễm nấm.

– Trẻ sử dụng kháng sinh: Lạm dụng kháng sinh có thể đánh mất sự cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn, từ đó vô tình tạo điều kiện cho nấm miệng khởi phát.

– Yếu tố khác, như: Không vệ sinh sạch sẽ miệng lưỡi cho trẻ sau khi trẻ bú/ăn, không vệ sinh sạch sẽ ti giả, vòng ngậm nướu,… cho trẻ.

Không vệ sinh đồ chơi của trẻ có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị nấm miệng

Ngậm, mút đồ chơi không được vệ sinh có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị tưa lưỡi

2. Dấu hiệu nhận biết và biến chứng nấm miệng

Nấu miệng có dấu hiệu nhận biết rất đặc trưng là những mảng trắng hình tròn xuất hiện tại môi, lưỡi, má, vòm họng. Những mảng trắng này rất khó làm sạch và nếu cạo được những mảng này, môi, lưỡi, má, vòm họng sẽ xuất hiện những nốt đỏ. Trong hầu hết các trường hợp, những mảng trắng này không gây đau đớn. Tuy nhiên, một số ít trường hợp còn lại, chúng khiến trẻ đau vì vậy mà trẻ quấy khóc và không chịu ăn uống.

Nấm miệng không nguy hiểm. Mặc dù vậy, nếu không được điều trị kịp thời, nấm sẽ mọc dày, lan xuống cổ họng, thực quản, khí quản,… và gây viêm phổi hoặc tiêu chảy.

3. Điều trị nấm miệng

3.1. Điều trị với chuyên gia

Nấu miệng rất dễ khởi phát, cũng rất dễ tái phát. Khi quan sát thấy triệu chứng bệnh ở trẻ, bố mẹ cần cho con thăm khám và điều trị ngay với chuyên gia. Tùy tình trạng bệnh cũng như cơ địa từng trẻ, chuyên gia sẽ kê đơn cụ thể khác nhau. Sau đây là 2 loại thuốc chuyên gia thường chỉ định bố mẹ có thể tham khảo:

– Miconazole: Loại thuốc này dạng gel, sử dụng bằng cách thoa trực tiếp lên các mảng trắng sinh ra do nấm.

– Nystatin: Được sử dụng trong trường hợp trẻ không thích hợp dùng Miconazole. Thuốc có dạng viên nén có thể nghiền nát hoặc dạng bột hòa tan trong nước.

Theo đó, cách sử dụng Miconazole hoặc Nystatin như sau: Bố mẹ vệ sinh tay sạch sẽ rồi quấn một miếng gạc quanh ngón tay (sử dụng ngón tay có kích thước phù hợp với miệng trẻ). Sau đó, nhúng ngón tay vào nước sôi để nguội cho đến khi miếng gạc mềm.Tiếp theo, chấm gạc ấy vào thuốc chống nấm (Miconazole, Nystatin) liều lượng được chuyên gia chỉ định. Cuối cùng, dùng gạc đánh tưa cho trẻ từ ngoài vào trong, tuần tự từ hai bên má rồi đến vòm họng và lưỡi.

Nên đánh tưa khi trẻ đang đói vì quá trình này có thể kích thích tình trạng nôn trớ ở trẻ

Dùng gạc đánh tưa cho trẻ từ ngoài vào trong, tuần tự từ hai bên má rồi đến vòm họng và lưỡi

Bố mẹ lưu ý:

– Chỉ đánh tưa tối đa 3 – 4 lần/ngày.

– Nên đánh tưa khi trẻ đang đói vì quá trình này có thể kích thích tình trạng nôn trớ ở trẻ.

– Khi trẻ đã khỏi, cần tiếp tục đánh tưa với thuốc kháng nấm thêm 2 ngày.

Sau 7 ngày điều trị bằng cách đánh tưa miệng với thuốc kháng nấm, nếu nấm không biến mất, bố mẹ cần cho trẻ tái khám với chuyên gia để được thay đổi phương thức xử lý bệnh. Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ, mẹ sẽ phải kết hợp điều trị cùng trẻ.

3.2. Điều trị bằng thảo dược

Đây chỉ là những mẹo chữa nấm miệng bằng thảo dược được truyền miệng. Bố mẹ có thể tham khảo. Tuy nhiên, chúng không thể thay thế hoàn toàn việc điều trị nấm miệng với chuyên gia.

3.2.1. Chữa nấm miệng bằng rau ngót

Thực hiện như sau: Rửa sạch khoảng 10g rau ngót tươi rồi giã nát và vắt lấy nước cốt. Quấn 1 miếng gạc mềm quanh đầu ngón tay thích hợp rồi nhúng vào nước cốt rau ngót vừa giã. Sử dụng gạc thấm đẫm nước rau ngót lau toàn bộ miệng, đặc biệt là khu vực nướu và lưỡi trẻ

Lưu ý: Tần suất thực hiện là 2 – 3 lần/ngày.

3.2.2. Chữa nấm miệng bằng lá trà xanh

Thực hiện như sau: Rửa sạch vài lá trà xanh rồi đun với một chút nước và vài hạt muối. Để nguội nước trà xanh thu được sau đó dùng một miếng gạc mềm quấn quanh đầu ngón tay thích hợp chấm nước trà xanh. Thoa gạc này lên vùng bị nấm.

Lưu ý: Phương pháp này cũng chỉ nên thực hiện 2- 3 lần/ngày. Ngoài ra chỉ trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi mới có thể áp dụng.

Trà xanh hỗ trợ điều trị đẹn miệng hiệu quả

Có thể dùng nước trà xanh để hỗ trợ điều trị đẹn miệng

3.2.3. Chữa nấm miệng bằng mật ong và nhọ nồi

Thực hiện như sau: Rửa sạch nhọ nồi rồi giã nhuyễn và vắt lấy khoảng 10ml nước cốt. Trộn nước cốt nhọ nồi với 1ml mật ong sau đó khuấy đều. Thoa hỗn hợp thu được lên vùng bị nấm bằng gạc mềm quấn quanh ngón tay.

Lưu ý: Phương pháp này chống chỉ định với trẻ dưới 1 tuổi.

3.2.4. Chữa nấm miệng bằng mật ong và lá mít

Thực hiện như sau: Chọn những lá mít xanh tươi, không sâu bệnh rồi rửa sạch. Phơi lá mít cho khô, sau đó đốt thành than. Trộn khoảng 5g than lá mít với 1 ml mật ong. Dùng gạc mềm thoa hỗn hợp thu được lên vùng bị nấm.

Lưu ý: Phương pháp này chỉ phù hợp với trẻ trên 1 tuổi.

4. Phòng ngừa nấm miệng

Để phòng ngừa nấm miệng, bố mẹ cần:

– Vệ sinh răng miệng (răng, nướu, lưỡi, má trong, vòm họng,…) cẩn thận 2 lần mỗi ngày: Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9%. Trẻ dưới 6 tháng tuổi thì dùng gạc mềm chấm nước muối sinh lý để vệ sinh.

– Hướng dẫn trẻ lớn tự vệ sinh răng miệng.

– Sau khi bé bú/ăn cho bé uống một chút nước để làm sạch khoang miệng.

– Hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo.

Phía trên là thông tin sơ lược về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và cách phòng ngừa nấm miệng. Nếu còn vấn đề chưa hiểu rõ, liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được tư vấn chi tiết, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital