Chuyên gia giải đáp: Nấm miệng có tự khỏi được không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Nấm miệng là bệnh lý khởi phát do hoạt động của nấm Candida Albicans. Dù bú bình hay bú mẹ, trẻ đều có nguy cơ bị nấm miệng như nhau. Mặc dù chỉ là một bệnh lý lành tính, nấm miệng vẫn gây cho trẻ và phụ huynh những phiền toái nhất định. Vậy, nấm miệng có tự khỏi được không? Đọc câu trả lời của chuyên gia trong bài viết sau, bạn nhé!

1. Tổng quan về nấm miệng

Thực tế, nấm Candida Albicans luôn tồn tại trên cơ thể người. Ở điều kiện cân bằng, chúng hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, nếu một hoặc nhiều yếu tố sau xuất hiện, có thể điều kiện cân bằng đó sẽ biến mất, nấm Candida Albicans sẽ phát triển dữ dội, kết quả là trẻ sẽ bị nấm miệng:

– Hệ thống miễn dịch của trẻ yếu: Như là trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ sử dụng corticoid đường hít kéo dài để điều trị hen suyễn mà không súc miệng sau khi dùng.

Trẻ sử dụng corticoid đường hít dễ bị nấm miệng

Nấm miệng xuất hiện nhiều ở trẻ sử dụng corticoid đường hít

– Mẹ trẻ nhiễm nấm sinh dục: Nếu mẹ nhiễm nấm sinh dục nhưng chưa điều trị dứt điểm, khi mang thai và chuyển dạ, trẻ có thể sẽ bị lây nhiễm.

– Trẻ sử dụng kháng sinh: Lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân trực tiếp trong nhiều trường hợp mất cân bằng hệ vi sinh vật. Trẻ sử dụng nhiều kháng sinh dễ bị nấm miệng.

– Các yếu tố khác: Như không vệ sinh cẩn thận miệng lưỡi sau khi trẻ bú/ăn, không vệ sinh cẩn thận ti giả, vòng ngậm nướu,… sau khi trẻ cắn/mút.

Nấm miệng phát triển qua 2 giai đoạn. Triệu chứng bệnh ở mỗi giai đoạn là tương đối khác nhau:

– Giai đoạn nhẹ: Dấu hiệu nhận biết đặc trưng của nấm miệng giai đoạn nhẹ là những mảng trắng hình tròn xuất hiện tại môi, lưỡi, má trong, vòm họng. Những mảng trắng này không thể được làm sạch bằng các phương pháp thông thường. Nếu cố gắng cạo chúng, môi, lưỡi, má trong và vòm họng trẻ sẽ xuất hiện những nốt đỏ. Ngoài dấu hiệu này, bố mẹ còn có thể nhận diện nấm miệng thông qua tình trạng khóe môi trẻ nứt nẻ, miệng và họng trẻ đau rát, trẻ bỏ ăn/bỏ bú.

– Giai đoạn nặng: Nấm miệng thể nhẹ nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ lan tỏa với tốc độ chóng mặt đến các cơ quan hô hấp và tiêu hóa,… Lúc này, các dấu hiệu nhận biết nấm miệng sẽ là: Trẻ khàn giọng, khó nói (khi nấm lan xuống thanh quản); trẻ khó nuốt, bỏ ăn, nôn trớ (khi nấm lan xuống thực quản); trẻ đi ngoài phân lỏng, có thể có máu hoặc không (khi nấm lan xuống hệ tiêu hóa); trẻ tức ngực, khó thở (khi nấm lan xuống phổi, gây viêm phổi).

2. Nấm miệng có tự khỏi được không?

Nấm miệng không thể tự khỏi. Muốn bé sớm thoát khỏi bệnh lý này, bố mẹ cần chủ động điều trị cho trẻ theo hướng dẫn của chuyên gia kết hợp chăm sóc tích cực trẻ tại nhà. Nếu trẻ vẫn còn bú mẹ, rất có thể mẹ cũng sẽ phải điều trị song hành cùng trẻ.

Nấm miệng có tự khỏi được không? Không, cần chủ động điều trị nấm miệng

Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng kể trên, bố mẹ phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế

3. Điều trị nấm miệng

3.1. Điều trị chủ động với chuyên gia

Khi ở trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường kể trên, bố mẹ phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để trẻ được thăm khám và điều trị với chuyên gia.

Tùy thuộc tình trạng bệnh lý cũng như tình trạng sức khỏe tự thân của trẻ, chuyên gia sẽ kê đơn phù hợp. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, 2 loại thuốc sau sẽ được chỉ định, bố mẹ có thể tham khảo: Miconazole dạng gel và Nystatin (hoặc là dạng viên nén có thể nghiền nát hoặc là dạng bột hòa tan trong nước).

Bố mẹ sẽ được hướng dẫn sử dụng 2 thuốc này như sau: Quấn một miếng gạc mềm xung quanh ngón tay có kích thước phù hợp với miệng trẻ (trước đó, bố mẹ phải chú ý vệ sinh tay sạch sẽ). Sau đó, nhúng ngón tay quấn gạc vào nước sôi để nguội, mục đích của bước này là làm mềm gạc. Tiếp theo, chấm gạc mềm vào Miconazole hoặc Nystatin. Cuối cùng, dùng gạc nhẹ nhàng lau miệng cho trẻ từ ngoài vào trong, từ hai bên má đến vòm họng và lưỡi.

Đặc biệt, sử dụng Miconazole hoặc Nystatin để điều trị nấm miệng cần lưu ý một vài điểm:

– Tần suất thực hiện là 3 – 4 lần một ngày.

– Để giảm tình trạng nôn trớ, nên tiến hành trước khi trẻ ăn hoặc khi trẻ đang đói.

– Trong 2 ngày sau khi khỏi nấm miệng, vẫn tiếp tục cho trẻ sử dụng thuốc kháng nấm

– Cho trẻ tái khám nếu 7 ngày điều trị mà nấm không biến mất để được chuyên gia điều chỉnh phương pháp điều trị bệnh.

3.2. Chăm sóc tích cực tại nhà

3.2.1. Những việc nên làm

Để trẻ nhanh khỏi nấm miệng, mẹ nên cho trẻ bú mẹ thay vì bú bình. Bởi không chỉ là nguồn cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và an toàn nhất, sữa mẹ còn dồi dào kháng sinh tự nhiên.

Nên cho trẻ bú mẹ thay vì bú bình

Trẻ bú mẹ nhanh khỏi nấm miệng hơn trẻ bú bình

Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo áp dụng 2 mẹo dân gian sau để hỗ trợ xử lý nấm miệng cho trẻ. Tuy nhiên, 2 mẹo này chỉ để tham khảo và chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể thay thế thuốc điều trị được chỉ định bởi chuyên gia:

– Vệ sinh miệng trẻ bằng nước rau ngót 2 – 3 lần/ngày: Về cơ bản vệ sinh miệng trẻ bằng rau ngót cũng giống như vệ sinh miệng trẻ bằng Miconazole/Nystatin. Cách chuẩn bị nước rau ngót mẹ có thể tham khảo: Rửa sạch 10g rau ngót tươi rồi giã nát và vắt lấy nước cốt.

– Vệ sinh miệng trẻ bằng nước trà xanh 2 – 3 lần/ngày (áp dụng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên): Mẹ rửa sạch vài lá trà xanh rồi đun chúng với một chút nước và vài hạt muối biển. Để nguội nước trà xanh thu được rồi tiến hành vệ sinh miệng cho trẻ tương tự như vệ sinh bằng Miconazole/Nystatin

3.2.2. Những việc không nên làm

– Tuyệt đối tránh cạy các mảng trắng trên môi, má trong, lưỡi và vòm họng trẻ để không làm trẻ đau, rát, sưng, chảy máu.

– Hạn chế cho trẻ dung nạp thực phẩm giàu đường, quá chua, quá cay và quá mặn. Việc này giúp hạn chế môi trường phát triển thuận lợi cho Candida cũng như hạn chế gây kích ứng niêm mạc miệng.

– Bố mẹ không hôn trẻ để tránh lây nhiễm chéo, kéo dài vòng luẩn quẩn lây nấm miệng qua – lại.

Nấm miệng có tự khỏi được không? Chuyên gia đã khẳng định: Nấm miệng ở trẻ không thể tự khỏi. Trẻ bị nấm miệng cần được chuyên gia và bố mẹ điều trị chủ động và chăm sóc tích cực. Mặc dù vậy, xử lý bệnh lý này không phải là khó, nên bố mẹ có thể yên tâm, bố mẹ nha!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital