Khám thai tuần 31 là việc mẹ bầu không nên quên, đây là mốc siêu âm quan trọng để xác định hình thái thai nhi có gì bất thường hay không, cũng là thời kỳ mà sức khỏe của mẹ có nhiều thay đổi.
Tuần thứ 31 cũng là giai đoạn tam cá nguyệt thứ cuối của thai kỳ. Em bé đã có những sự phát triển vượt bậc về cả thể chất và tri giác. Mẹ bầu giai đoạn này cũng xuất hiện một số triệu chứng thai kỳ điển hình như đi lại khó khăn hơn, đi tiểu nhiều hơn, bắt đầu bị đau lưng, hay nhức đầu… Đi khám thai ở tuần thứ 31 là việc nên làm để đảm bảo cho sự tốt nhất của em bé cũng như chăm sóc sức khỏe của mẹ ở những tháng cuối.
Menu xem nhanh:
1. Sự thay đổi trong cơ thể mẹ và bé ở tuần thai 31
Ở những tháng cuối thai kỳ, việc thay đổi ở cơ thể mẹ là không thể tránh khỏi, điều này đồng nghĩa với việc thai nhi đang lớn lên mạnh mẽ trong cơ thể bạn.
1.1. Em bé có thay đổi gì khi ở tuần thai thứ 31?
Ở mốc thai 31 tuần, em bé của bạn đã có kích thước bằng 1 quả bưởi với cân nặng khoảng 1,3-1,5 kg. Chiều dài đầu mông trong khoảng 40-42 cm.
Các chỉ số:
– Chiều dài của xương đùi (Fl): trong khoảng 54-67mm
– Đường kính lưỡng đỉnh (BPD: trong khoảng 71-88mm
– Chu vi vòng đầu (HC): trong khoảng 275- 318mm
– Chu vi bụng (AC): từ 244- 311mm
Lúc này em bé đang phát triển với tốc độ khá nhanh. Hàng ngày lượng dịch ối sẽ được tiếp nhận khoảng hơn 200ml nước tiểu mà bé thải ra. Không thể tránh khỏi việc em bé sẽ uống nước ối, nhưng hãy yên tâm là lượng nước ối này luôn đủ sạch cho bé.
Đến 31 tuần, lớp lông phủ cơ thể của em bé sẽ rụng đi, da bé bắt đầu căng bóng hơn. Không chỉ phát triển về hình thái, em bé ở tuần 31 có não bộ rất phát triển. Thai nhi sẽ đạp mạnh hơn, giao tiếp với mẹ nhiều hơn thông qua những cơn đạp, những lần khua chân múa tay trong bụng mẹ.
Các em bé trong tuần thai 31 có thể quay đầu xuống dưới hoặc chưa, tùy từng mức độ phát triển của mỗi em bé. Thời điểm này em bé cũng bắt đầu chuyển dịch tư thế nằm để sang tuần thứ 32 trở đi đã có thể chúc hoàn toàn đầu xuống dưới.
1.2. Sức khỏe của mẹ khi khám thai tuần 31
Bắt đầu từ tuần thai 31, mẹ bầu có thể cảm nhận được các cơn gò sinh lý. Biểu hiện của những cơn gò này là bụng căng cứng, cảm giác áp suất đang đè lên vùng xương chậu. Những cơn gò này không thường xuyên xảy ra và cũng không làm mẹ bị đau. Tuy nhiên, với những mẹ bầu mang thai lần đầu có thể có những lo lắng về cơn gò này.
Tại tuần 31, đáy tử cung được đẩy lên trên khoảng 10cm, đồng nghĩa với việc các cơ quan nội tạng đang bị chèn ép và đè lên phổi khiến mẹ bầu có cảm giác khó thở. Việc này sẽ kéo dài đến gần cuối thai kỳ, khi em bé di chuyển dần xuống dưới
Tuyến sữa của mẹ bắt đầu hoạt động để tạo ra sữa non. Đây là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý báu dành cho bé trong những ngày mới sinh. Hầu hết sữa non sẽ có màu vàng nhạt, chứa rất nhiều kháng thể giúp bảo vệ em bé khỏi những tác nhân gây bệnh ngoài môi trường. Nếu mẹ bị rỉ sữa non ra ngoài chỉ báo hiệu mẹ sẽ có nguồn sữa dồi dào trong tương lai chứ không phải gặp bất thường nào về sức khỏe cả.
Đây là một giai đoạn khá nhạy cảm vì mẹ sẽ bắt đầu cảm thấy khó chịu về sức khỏe của mình. Cụ thể như:
– Mẹ bầu đi tiểu tiện rất nhiều lần trong ngày
– Đau đầu thường xuyên
– Đau nhức mỏi vùng lưng, xương chậu
– Giãn tĩnh mạch
– Suy giảm trí nhớ, mất ngủ
Những biểu hiện này phần lớn các mẹ bầu trong tuần thai 31 đều sẽ trải qua và sẽ mất dần sau khi sinh.
2. Những điều cần lưu ý khi khám thai tuần 31
2.1. Khám thai tuần 31 là khám những gì?
Cũng giống như những lần khám thai trước, thai phụ sẽ được cân đo, đo huyết áp để đánh giá tổng quát sức khỏe của mẹ.
Sau đó, mẹ sẽ được siêu âm hình ảnh thai nhi. Thường ở tuần thai này sẽ được chỉ định siêu âm màu 3D trở lên để mang lại hình ảnh rõ nét nhất. Trường hợp không may em bé bị sứt môi hoặc bất kỳ dị tật về hình thái nào cũng sẽ được phát hiện trong giai đoạn này.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ đinh mẹ làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu với nhiều thông số để kiểm tra các hàm lượng chất cơ thể mẹ có vượt mức cho phép không. Song song với xét nghiệm nước tiểu là xét nghiệm máu tổng quát để đánh giá khả năng tiểu đường thai kỳ hay tiền sản giật có cao không.
Đồng thời, trong quá trình siêu âm bác sĩ sẽ đo lượng nước ối nhiều hay ít, nước ối có trong hay không… Việc khám thai cũng được tiến hành để xác định lượng máu tại dây rốn được lưu thông có tốt không, nhờ đó xác định sự phát triển, tăng trưởng của em bé.
Trong trường hợp xấu, em bé có bất thường về hình thái hoặc bất kỳ bệnh tật bẩm sinh nào đó cũng không thể thay đổi được gì ở giai đoạnh này. Nhưng chẩn đoán sớm sẽ giép mẹ và gia đình có được sự chuẩn bị tinh thần và thời gian tìm hiểu, đối phó với các bất thường của em bé sau khi ra đời.
2.2. Cần lưu ý gì khi khám thai ở tuần 31?
Lời khuyên đầu tiên dành cho các mẹ bầu khi đi khám thai tuần 31 đó là hãy tuân thủ lịch đi khám theo hẹn của bác sĩ. Thăm khám đúng lịch sẽ giúp phát hiện những dấu hiện không tốt nếu có của thai nhi và kịp thời điều trị. Ví dụ thiếu ối, đa ối, hay các vấn đề về nhau thai vẫn có khả năng can thiệp được nếu phát hiện sớm.
Với những mẹ bầu đã có chẩn đoán tốt về cả mẹ và bé thì không cần phải đi siêu âm quá nhiều lần trong giai đoạn này nữa. Việc siêu âm quá nhiều khi thai nhi phát triển bình thường vừa không cần thiết lại vừa tốn kém chi phí cho mẹ. Mẹ chỉ cần thăm khám đúng lịch hẹn và thực hiện chế độ dưỡng thai đúng như các bác sĩ dặn dò là được.
Hy vọng những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp các mẹ bầu có thêm kiến thức về thăm khám thai, nhằm chuẩn bị tốt hơn mỗi khi đến lịch thăm khám của mình.