Loãng xương là một trong những bệnh lý phổ biến về cơ xương khớp thường gặp trong độ tuổi trung niên, đặc biệt là những người từ 50 tuổi trở lên. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn loãng xương là gì cũng như những thông tin quan trọng khác về căn bệnh này bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Loãng xương là gì?
Loãng xương còn được biết đến với tên gọi là bệnh giòn xương hoặc bệnh xốp xương. Đây là tình trạng xương trên cơ thể mỏng dần, đồng thời mật độ chất trong xương (chủ yếu là canxi) cũng ngày càng thưa hơn, làm cho xương yếu hơn, dễ tổn thương và dễ gãy.
Bệnh loãng xương thường tiến triển chậm, thầm lặng và không có biểu hiện rõ ràng ở những giai đoạn đầu nên nhiều người còn chủ quan và không phát hiện ra bệnh sớm. Nhiều trường hợp chỉ biết mình mắc bệnh khi có những tổn thương nặng hơn như gãy xương.
Tuổi tác càng cao thì tình trạng loãng xương sẽ càng nghiêm trọng, tỉ lệ mắc loãng xương ở nữ giới cũng cao hơn nhiều so với nam giới, người có khung xương nhỏ thường có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn so với người có thân hình cao lớn.
2. Nguyên nhân gây ra loãng xương là gì?
Một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng loãng xương có thể kể đến như sau:
2.1. Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi
Loãng xương có thể xảy ra nếu cơ thể không hấp thụ đủ canxi và vitamin D để nuôi dưỡng cho xương.
2.2. Chế độ sinh hoạt không khoa học
Việc lười vận động, không luyện tập thể dục thể thao và thường xuyên ngồi hay nằm một chỗ cũng làm tăng nguy cơ mắc phải loãng xương.
Đặc biệt, nếu bạn thường xuyên phải mang vác các vật nặng và lao động vất vả thì cũng có thể khiến xương bị tổn thương và gây ra loãng xương.
Ngoài ra, việc thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và các chất kích thích cũng dễ khiến bạn bị loãng xương.
2.3. Giới tính
Như đã đề cập ở trên, nữ giới thường có nguy cơ bị loãng xương cao hơn hẳn sao với nam giới. Sở dĩ có tình trạng này là do nữ giới thường có thân hình nhỏ, gầy và phải chịu tác động của quá trình mãn kinh. Ước tính trong 10 năm đầu sau khi mãn kinh, nữ giới có thể mất tới 25% khối lượng xương trên cơ thể.
2.4. Tuổi tác và lão hóa
Cơ thể chúng ta luôn ở trong trạng thái liên tục tạo ra xương mới, đến khoảng 30 tuổi thì mật độ xương sẽ đạt đến mốc đỉnh điểm. Khi chúng ta già đi, sự lão hóa dần của cơ thể sẽ tác động và gây ra loãng xương, bởi tốc độ thoái hóa xương lúc này sẽ bắt kịp và vượt qua tốc độ tạo ra xương mới khiến xương giòn và dễ gãy hơn.
3. Triệu chứng của loãng xương là gì?
Ở giai đoạn sớm, loãng xương thường ít có biểu hiện rõ ràng. Khi bệnh nặng hơn, người bệnh có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng sau đây:
– Đau nhức đầu xương: một trong những triệu chứng dễ nhận thấy nhất chính là các cơn đau nhức ở các đầu xương và dọc các xương dài, thậm chí có thể thấy đau nhức như bị kim chích toàn thân.
– Xương cột sống bị xẹp hay gãy lún do mật độ xương suy giảm: xuất hiện các cơn đau lưng cấp, chiều cao giảm đột ngột, lưng khom và gù.
– Đau cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những vị trí chịu nhiều áp lực nâng đỡ cơ thể. Những cơn đau này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần sau chấn thương, đau âm ỉ và kéo dài lâu. Cảm giác đau đớn thường tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và giảm bớt khi nằm nghỉ.
– Đau lưng dai dẳng, đau khi cúi gập người về phía trước: các cơn đau ở lưng sẽ gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa khiến người bệnh khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người.
– Gãy xương: loãng xương cũng dễ dàng dẫn đến tình trạng gãy xương khi bị chấn thương ở các vùng xương hông, cổ tay, đốt sống. Thậm chí một số đốt sống có thể bị gãy kể cả khi người bệnh không bị ngã hay chấn thương.
4. Biến chứng khi bị loãng xương là gì?
Bệnh loãng xương nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng sau đây:
– Tình trạng đau và co cứng cơ ngày càng tăng, khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động và cuộc sống hàng ngày.
– Biến dạng cột sống dẫn đến gù, vẹo cột sống, còng lưng, suy giảm chiều ca. Những điều này có thể làm cho người bệnh ngại giao tiếp, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
– Xương mỏng dần, dễ gãy, dễ lún và dễ xẹp, nhất là ở các vị trí phải chịu trọng lực của cơ thể như cột sống, cổ xương đùi, đầu dưới xương quay,… Dần dần làm cho xương có thể bị gãy dù va chạm nhẹ hay thậm chí là khi người bệnh hắt hơi.
– Đặc biệt, nếu nằm tại chỗ lâu ngày khi bị gãy xương có thể gây ra các biến chứng như bội nhiễm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu, loét.
5. Điều trị loãng xương
5.1. Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh
– Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức tiêu chuẩn, không thừa cân cũng không thiếu cân.
– Thực hiện đều đặn các bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, chạy bộ, nhảy múa và thể dục nhịp điệu.
– Ngừng hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích.
– Hạn chế các thức uống có cồn, cà phê và các loại nước giải khát có ga.
5.2. Điều trị dinh dưỡng
– Cung cấp đủ canxi cho cơ thể theo mức được khuyến cáo (1000 – 1500mg/ngày), không lạm dụng hay cung cấp quá mức cần thiết.
– Bổ sung vitamin D mỗi ngày ở mức 600 đơn vị quốc tế (IU) cho người từ 1 – 70 tuổi và 800 IU cho người từ 71 tuổi trở lên.
5.3. Điều trị bằng thuốc
Khi bị loãng xương, ngoài chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý thì người bệnh cần phải bổ sung các loại thuốc điều trị loãng xương. Tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ được tư vấn sử dụng những loại thuốc chống loãng xương phù hợp.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng có nguy cơ làm giảm mật độ xương và trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro của liệu pháp thay thế hormone nếu người bệnh đang trong thời kỳ mãn kinh hoặc đã cắt bỏ buồng trứng.
6. Cách phòng ngừa loãng xương
Loãng xương hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu chúng ta biết cách, dưới đây là một số biện pháp hữu ích có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc phải loãng xương:
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và đủ dưỡng chất cho xương, bổ sung các loại thực phẩm giàu protein và canxi như thịt, trứng, cá, tôm, cua đồng, các chế phẩm từ sữa, các loại rau có màu xanh đậm,…
– Tăng cường vitamin D, có thể hấp thụ qua da bằng cách phơi nắng vào buổi sáng, hấp qua qua thức ăn hoặc sử dụng thuốc dưới hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
– Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý và ổn định, không thừa cân cũng không thiếu cân.
– Tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên với các bài tập nhẹ nhàng để tăng khối lượng xương, tránh các môn thể thao chạy nhảy tốn sức.
– Hạn chế sử dụng cà phê, bia, rượu và không hút thuốc lá vì rất dễ làm tăng tỷ lệ loãng xương.
– Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra tình trạng xương bằng các chẩn đoán hình ảnh hoặc đo loãng xương.
Loãng xương có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của chúng ta. Chính vì vậy, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cũng như tham khảo lời khuyên của bác sĩ để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.