Liệt dây 7 ngoại vi không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng dễ để lại di chứng và ảnh hưởng tới sức khỏe, thẩm mỹ. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, tuổi tác.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về liệt dây 7 ngoại vi và nguyên nhân
Nhân dây thần kinh số 7 là một dây hỗn hợp gồm vận động, cảm giác, thực vật, dinh dưỡng và phản xạ. Dây thần kinh số 7 nằm ở cầu não, có nhân vận động và nhân cảm giác. Nhân trên phụ trách nửa mặt trên (ừ đuôi khóe mắt trở lên), nhân dưới phụ trách nửa mặt dưới.
Dây thần kinh số 7 chi phối hoạt động bài tiết của các tuyến nước mắt, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi, tuyến niêm dịch mũi, sự vận động của các cơ bám da mặt, cơ bám da cổ,
Liệt dây thần kinh số 7 xảy ra khi dây thần kinh số 7 bị chèn ép và sưng viêm, dẫn tới yếu và mất chức năng (liệt mặt ngoại biên).
Có nhiều nguyên nhân khiến dây thần kinh số 7 bị chèn ép và sưng viêm. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm lạnh đột ngột, nhiễm virus, cảm cúm,…
Ngoài ra, cũng có một vài trường hợp khác bị liệt dây 7 ngoại vi do chấn thương vùng mặt, ở sọ vùng thái dương, viêm tai xương chũm, bệnh lý tai mũi họng,…
2. Triệu chứng liệt dây thần kinh 7 ngoại vi
Biểu hiện của liệt dây thần kinh số 7 ngoại vi thường khá rõ ràng, rất dễ để người bệnh cũng như người ngoài phát hiện.
Các biểu hiện của liệt dây 7 ngoại biên gồm:
Mặt xệ (yếu hẳn một bên mặt), tê bì đột ngột, hơi cứng, miệng méo sang một bên, uống nước bị trào ra ngoài.
Liệt cơ khép vòng mi, khiến mắt phía bên mặt bị liệt không nhắm kín được.
Người bệnh khó cử động, khó cười nói tự nhiên, đau trong tai, nhức đầu.
Tăng tiết nước bọt đặc biệt là khi nói chuyện hoặc ăn uống, nước mắt, mất vị giác,…
3. Điều trị liệt dây thần kinh 7 ngoại vi
3.1 Điều trị nội khoa cho người liệt dây 7 ngoại vi
Điều trị nguyên nhân
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng liệt dây thần kinh số 7 ngoại vi sẽ có chỉ định điều trị khác nhau, nhằm loại trừ nguyên nhân gây bệnh với các bệnh lý khác không có chỉ định ngoại khoa.
Liệt mặt do lạnh (liệt Bell):
Các trường hợp nhẹ có tự thể hồi phục trong vòng 3 – 6 tuần hoặc nhanh hơn. Các trường hợp nặng thời gian phục hồi chậm hơn, đôi khi để lại di chứng.
Một số trường hợp bệnh nhân có thể chuyển sang co cứng các cơ bên mặt bị liệt, làm mặt bệnh nhân bị co kéo lệch về bên liệt, nếp nhăn mũi – má sâu, khiến dễ lầm tưởng bên liệt là bên lành. Để đạt hiệu quả tối đa trong điều trị và phục hồi chức năng liệt dây thần kinh số 7 ngoại vi cần phối hợp các nhóm thuốc và kết hợp với các biện pháp không dùng thuốc.
Dùng thuốc:
– Corticoide tiêm hoặc uống, chỉ định càng sớm càng tốt để chống phù nề vì dây thần kinh số VII đi trong ống xương hẹp, phù nề gây chèn ép và thiếu nuôi dưỡng, điều trị muộn có thể dẫn đến thoái hóa dây thần kinh làm khó phục hồi.
– Kháng sinh khi có nhiễm khuẩn hoặc kháng virus khi bị zona.
– Dùng các thuốc giãn mạch, tăng biến dạng hồng cầu: Piracetam.
– Bảo vệ dây thần kinh: dùng sinh tố nhóm B liều cao B1-B6-B12
– Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh: Nivalin.
– Kích thích tái tạo bao myelin: nucléo – CMP forte.
Các biện pháp không dùng thuốc: nên phối hợp với dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh sau khi thăm khám.
– Các biện pháp y học cổ truyền: Điện châm các huyệt Ế phong, Dương bạch, Toản trúc, Tình minh, Ty trúc không, Đồng tử liêu, Thừa khớp, Nghinh hương, Giáp xa, Địa thương, Nhân trung, Thừa tương cùng bên liệt… Toàn thân châm huyệt Hợp cốc, Phong chì bên đối diện. Cần tránh kích thích quá mức có thể gây co cứng cơ mặt. Khi mắt đã gần bình thường thì dừng điều trị kích thích. Khi thấy các dấu hiệu co cứng cần ngừng ngay liệu pháp điện, châm, xoa bóp.
– Các biện pháp vật lý trị liệu: điện di nivalin, hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung dòng xung kích thích, xoa bóp.
Trường hợp bệnh nhân đến muộn bị liệt mặt co cứng dai dẳng điều trị không kết quả: có thể tiêm cồn huỷ dây thần kinh.
Dự phòng: điều trị tích cực viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, tránh nhiễm lạnh đặc biệt sau khi uống rượu bia say.
Chỉ định điều trị phối hợp oxy cao áp cho thấy kết quả phục hồi nhanh hơn, điều trị càng sớm kết quả càng tốt.
3.2 Điều trị ngoại khoa cho người bị liệt dây 7 ngoại vi
Mổ để loại trừ nguyên nhân như mổ u não, áp – xe não, loại khối máu tụ hoặc mổ để giải phóng dây thần kinh bị chèn ép trong ống dây thần kinh ở xương đá như viêm tai xương chũm.
Chỉ định phẫu thuật khi:
U não, áp – xe não, loại khối máu tụ…
Liệt dây VII do viêm tai cấp hoặc mạn tính: điều trị bảo tồn trong 4 – 5 tuần mà không có dấu hiệu phục hồi thì có chỉ định phẫu thuật.
Liệt dây VII sau mổ tai: cần kiểm tra ống Fallop, nếu có thay đổi hình thái cần phải mổ lại, nếu không thấy thay đổi thì điều trị nội khoa, sau 4 tuần không hồi phục thì có chỉ định mổ.
4. Người bị liệt dây 7 ngoại vi cần chăm sóc gì?
Khi bị liệt dây thần kinh 7 ngoại vi, người bệnh gặp phải một số khó khăn ở mắt, răng miệng, tâm lý,… Cần lưu ý một số cách chăm sóc sau đây:
– Giữ vệ sinh mắt: bạn có thể sử dụng nước nhỏ mắt bằng dung dịch Nacl (nước muối nhỏ mắt sinh lý), dùng chất làm trơn, nước mắt nhân tạo,… để tránh khô mắt và hạn chế bội nhiễm mắt.
– Vệ sinh răng miệng: liệt mặt thường làm gia tăng tiết nước bọt, không giữ được nước trong miệng hay chảy dãi. Người bệnh khó cử động cơ mặt vì cơ mặt bị cứng, nên thường lười chải răng, thức ăn ứ đọng bên má bị liệt,… do đó dễ bị viêm răng, ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể, gây chậm phục hồi bệnh.
– Tinh thần lạc quan: người bị liệt dây 7 ngoại vi gặp khó khăn khi vệ sinh cá nhân, ăn, uống, giao tiếp, thẩm mỹ nên thường có tâm lý e dè ngại giao tiếp, suy nghĩ tiêu cực, xa lánh mọi người. Nên cần động viên người bệnh suy nghĩ tích cực, vui vẻ, tăng cường giao tiếp với mọi người.
Điều trị và phục hồi chức năng cho người bị liệt dây 7 ngoại vi