Trong số tất cả chúng ta có đến 80% mọi người gặp phải tình trạng lệch vách ngăn mũi. Thế nhưng không phải ai cũng biết, và tình trạng này thường cũng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu vách ngăn mũi bị lệch nghiêm trọng cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, và cách điều trị bệnh qua những thông tin sau.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là lệch vách ngăn mũi?
Vách ngăn mũi là một “tấm vách” chia mũi chúng ta thành hai khoang ở hai bên. Vách ngăn này có cấu tạo từ một phần sụn ở phía trước và một phần xương ở phía sau. Khi vách ngăn này bị cong vẹo, lệch sang một bên, khiến hai khoang mũi không bằng nhau, một bên lớn hơn, một bên nhỏ. Tình trạng này được gọi là lệch vách ngăn mũi, khiến cho quá trình hít thở bị rối loạn.
Lệch vẹo vách ngăn mũi được chia thành các dạng như sau:
– Vẹo vách mũi đơn thuần: Là tình trạng vách ngăn mũi chỉ lệch sang một bên, tạo thành hình chữ C;
– Vẹo vách mũi phức tạp: Là tình trạng vách ngăn mũi bị lệch sang cả hai bên, tạo thành hình chữ S.
– Vách ngăn mũi có gai hoặc mào: Là tình trạng phần tiếp giáp giữa sụn và xương vách ngăn có xuất hiện các gai hoặc mào. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức dữ dội và thường xuyên bị chảy máu do gai hoặc mào ở vách ngăn mũi chọc vào niêm mạc mũi.
2. Nguyên nhân nào gây lệch vách ngăn mũi?
Các bác sĩ và chuyên gia cho rằng tình trạng lệch vẹo vách ngăn mũi là do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
– Dị tật bẩm sinh: Nhiều trường hợp bào thai đã xuất hiện tình trạng vẹo vách ngăn mũi;
– Vùng mũi gặp chấn thương: Do vách ngăn mũi có cấu tạo từ một phần sụn nên rất dễ bị biến dạng nếu bị tác động.
+ Đối với trẻ nhỏ được sinh thường, nguyên nhân có thể là từ quá trình chuyển dạ của người mẹ.
+ Với trẻ lớn hơn và người lớn thì các chấn thương từ sinh hoạt, chơi thể thao, lái xe không thắt đai an toàn, tai nạn hoặc va chạm bạo lực… đều khiến vách ngăn mũi bị cong vẹo.
– Sự lão hóa của cơ thể: Quá trình lão hóa ở mỗi người cũng có thể là nguyên nhân khiến cấu trúc của mũi, cũng như vách ngăn mũi bị ảnh hưởng, lệch sang một bên theo thời gian;
– Các bệnh lý về mũi như viêm mũi mạn tính, viêm xoang, viêm mũi dị ứng…: Khi mắc những bệnh này, người bệnh có xu hướng thường xuyên dùng tay quẹt mũi. Chính thói quen này lâu dần tác động lên vách ngăn mũi, gây ảnh hưởng đến cấu trúc vách ngăn mũi.
3. Nhận biết vách ngăn mũi bị lệch
Thực tế, có rất nhiều người không nhận ra mình bị lệch vẹo vách ngăn mũi vì không có bất kỳ dấu hiệu nào. Tuy nhiên, để biết vách ngăn mũi của mình có bị lệch hay không, chúng ta có thể dựa vào những triệu chứng sau đây.
3.1. Các dấu hiệu lệch vách ngăn mũi ở vùng mũi
– Nghẹt mũi: Đây là dấu hiệu điển hình của những người bị vẹo vách ngăn mũi. Bởi lẽ, vách ngăn mũi không thẳng khiến quá trình hít thở bị ảnh hưởng. Do đó, bị nghẹt mũi dù không mắc các bệnh về hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, viêm mũi… thì người bệnh cần lưu ý.
– Chảy máu mũi: Vách ngăn mũi tuy mỏng nhưng lại là nơi “quy tụ” rất nhiều mạch máu nhỏ. Do đó, vách ngăn mũi bị lệch sẽ khiến bề mặt vách ngăn trở nên khô hơn, nguy cơ chảy máu mũi cao hơn.
– Chu kỳ mũi: Là thuật ngữ chỉ hiện tượng tắc nghẽn luân phiên của hai khoang mũi. Cụ thể là khi một bên khoang mũi bị tắc nghẽn do ứ đọng máu ở cuốn mũi thì khoang mũi còn lại lại thông thoáng. Biểu hiện này rất khó nhận biết nhưng nếu người bệnh nhận thấy từng chu kỳ mũi thì cần đi kiểm tra sớm.
3.2. Các dấu hiệu lệch vách ngăn mũi ở vùng lân cận
– Đau một bên mặt: Vách ngăn mũi bị lệch khiến cho một bên khoang mũi bị tắc nghẽn. Lâu dần, một nửa mặt cùng bên khoang mũi bị tắc sẽ có cảm giác đau nhức.
– Thở phát ra tiếng khi ngủ: Do ống mũi một hoặc hai bên bị hẹp nên khi không khí đi qua sẽ tạo thành tiếng ồn, đặc biệt là khi ngủ.
– Đau nhức nửa đầu, hốc mắt: Tùy theo vách ngăn mũi của người bệnh bị lệch sang bên nào mà nửa đầu và hốc mắt bên đó cũng sẽ có cảm giác đau buốt. Những cơn đau đầu, đau hốc mắt tuy không dữ dội nhưng lại kéo dài âm ỉ, dai dẳng, gây khó chịu cho người bệnh.
– Thường xuyên nằm nghiêng khi ngủ: Do 1 bên khoang mũi bị hẹp khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc hít thở. Vì thế, nhiều người có xu hướng nằm nghiêng khi ngủ để dễ thở hơn và dễ chịu hơn.
4. Các cách điều trị lệch vẹo vách ngăn mũi
4.1. Có điều trị bằng thuốc được không?
Nhiều người cho rằng có thể điều trị nội khoa chứng lệch vẹo vách ngăn mũi bằng thuốc. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp điều trị những triệu chứng mà lệch vẹo vách ngăn mũi gây ra như nghẹt mũi, khó thở… Hơn nữa, vẹo lệch vách ngăn mũi là dị tật liên quan đến cấu trúc thực thể nên dùng thuốc không thể hết được.
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn sẽ kê cho người bệnh một số loại thuốc để làm dịu những triệu chứng khó chịu mà vách ngăn mũi bị lệch gây ra:
– Thuốc chống sung huyết giúp làm giảm sưng ở mô mũi, đồng thời giúp lưu thông đường thở;
– Thuốc kháng histamin giúp ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng như tắc mũi và chảy nước mũi;
– Thuốc xịt mũi steroid giúp giảm các triệu chứng viêm đường mũi như thoát dịch ở mũi, làm giảm tắc nghẽn.
Lưu ý: Chỉ dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ vì các loại thuốc này đều có tác dụng phụ.
4.2. Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn mũi
Chỉ định phẫu thuật sẽ được bác sĩ đưa ra nếu người bệnh không đáp ứng các loại thuốc. Cụ thể, đó là phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn mũi nhằm chỉnh sửa lại vách ngăn mũi bị vẹo lệch.
Để thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh ngưng sử dụng các loại thuốc ibuprofen, aspirin trước và sau phẫu thuật ít nhất 2 tuần. Ngoài ra, người bệnh cũng phải tuyệt đối tránh xa thuốc là vì nó có thể làm cản trở quá trình lành thương.
Với sự tiến bộ trong y học, quá trình phẫu thuật tạo hình vách ngăn mũi ngày nay chỉ mất khoảng 90 phút. Người bệnh sẽ được gây mê trước khi phẫu thuật nên sẽ không có cảm giác đau đớn. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện cắt vách ngăn, loại bỏ bớt phần xương thừa hoặc sụn thừa. Sau đó, tùy vào mức độ lệch, bác sĩ sẽ chèn thêm nẹp silicon vách ngăn mũi sẽ được nắn thẳng lại bình thường.
5. Kết luận
Như vậy, lệch vách ngăn mũi không phải bệnh đe dọa tính mạng nhưng lại gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Nếu thấy mình có những dấu hiệu của bệnh thì hãy nhanh chóng đi khám để được tư vấn phương án điều trị phù hợp.