Lấy sỏi thận qua da là phương pháp điều trị sỏi mới thay thế hoàn toàn cho mổ mở truyền thống, xử lý hiệu quả sỏi có kích thước rất lớn, sỏi phức tạp như sỏi san hô. Tán sỏi nội soi qua da không mổ, ít xâm lấn, sỏi sẽ được tán vụn và được hút bỏ ra khỏi cơ thể.
Menu xem nhanh:
1. Lấy sỏi thận qua da là gì?
Sỏi thận được hình thành do sự kết tinh của các chất khoáng và muối ở bên trong thận. Sự bão hòa các chất khoáng và muối có thể từ nhiều nguyên nhân khác nhau: chế độ ăn uống, thừa cân, thuốc/thực phẩm chức năng. Bệnh tiến triển âm thầm nhưng khi biểu hiện sẽ gây ra những tổn thương cho đường tiết niệu như nhiễm khuẩn, tiểu máu, đau vùng hông lưng.
Trước đây với các trường hợp sỏi thận to, có kích thước >1.5cm thì người bệnh thường phải mổ mở mới có thể loại bỏ được sỏi để ngăn chặn kịp thời các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên phương pháp này có hạn chế là người bệnh phải chịu vết mổ đau đớn, thời gian nằm viện dài, chi phí tốn kém.
Ngày nay, với sự phát triển của y học, các biện pháp can thiệp ít xâm lấn ngày càng chiếm ưu thế. Trong đó phương pháp lấy sỏi thận qua da (hay thường được gọi là tán sỏi nội soi qua da) là một bước tiến vượt trội trong phẫu thuật ngoại khoa điều trị sỏi thận thay thế mổ hở. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ từ vùng hông lưng vào thận. Sau đó đưa máy laser vào tán sỏi thành những mảnh nhỏ và lấy sỏi ra ngoài.
2. Những trường hợp được thực hiện lấy sỏi thận qua da
- Phương pháp lấy sỏi thận qua da được chỉ định cho những trường hợp bệnh nhân có sỏi thận kích thước > 1.5cm, sỏi niệu quản 1/3 trên và kích thước > 1.5 cm.
- Phương pháp này áp dụng cho những sỏi có kích thước lớn như sỏi san hô mà các phương pháp tán sỏi khác như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser không thực hiện được.
- Các trường hợp đã tán sỏi ngoài cơ thể nhưng thất bại.
3. Chống chỉ định trong các trường hợp nào
Tán sỏi thận qua da không được áp dụng với những trường hợp:
- Bệnh nhân có rối loạn đông máu, bất thường về mạch máu trong thận hay có nguy cơ chảy máu nặng.
- Bệnh nhân không có chỉ định gây mê toàn thân
4. Kỹ thuật lấy sỏi thận qua da
Trước khi tiến hành phẫu thuật lấy sỏi bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Người bệnh sau đó được chuyển qua tư thế nằm nghiêng.
Tiếp đến dưới sự sự hướng dẫn của siêu âm hoặc X quang, bác sĩ sẽ chọc dò một kim nhỏ vào thận nơi chứa sỏi từ vùng hông lưng của bệnh nhân. Kim chọc dò được xác định đã đến thận nếu có nước tiểu chảy ra. Từ vị trí chọc kim, rạch da khoảng 0.5cm, nong rộng theo đường kim thành đường hầm nhỏ đủ để đưa dụng cụ nội soi vào thận. Soi thận để xác định sỏi và sử dụng nguồn năng lượng laser cực lớn để phá vỡ sỏi thành vụn nhỏ và hút bỏ ra ngoài.
Sau khi tán hết sỏi và lấy hết các mảnh sỏi ra ngoài, bác sĩ sẽ đặt sonde JJ niệu quản xuôi dòng và dẫn lưu thận. Ngày hôm sau chụp kiểm tra đánh giá tình trạng sỏi và vị trí của ống thông JJ. Bác sĩ kiểm tra hết sỏi và ống thông thận sẽ rút vào ngày thứ 3 sau mổ. Thời gian phẫu thuật trung bình khoảng 2 tiếng.
5. Ưu – nhược điểm của phương pháp
5.1. Ưu điểm của lấy sỏi thận qua da
So với phương pháp mổ hở truyền thống, tán sỏi thận qua da có nhiều ưu điểm vượt trội:
- Mất ít máu: trong phẫu thuật tán sỏi, tình trạng mất máu thường ít hơn nhiều so với mổ hở. Do đó, ít có nguy cơ phải truyền máu.
- Phẫu thuật nhẹ nhàng, ít đau. Vết mổ nhỏ, tránh để lại sẹo, ko gây mất thẩm mỹ.
- Thời gian nằm viện ngắn. Hầu hết bệnh nhân có thể xuất viện sau 2 đến 3 ngày. Bệnh nhân có thể trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường sau 5 đến 7 ngày.
- Giảm tối đa tình trạng nhiễm trùng vết mổ so với phương pháp mổ hở.
- Tỷ lệ thành công cao, khoảng 90-100%, tùy thuộc vào loại sỏi.
5.2 Nhược điểm của phương pháp lấy sỏi thận qua da
Mặc dù lấy sỏi qua da được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên như nhiều phương pháp phẫu thuật khác, phương pháp này vẫn tiềm ẩn các nguy cơ và biến chứng.
- Chảy máu thận: chiếm khoảng 1,5 -2%. Xảy ra khi sỏi lớn, phải thực hiện nhiều lần, làm tổn thương đến thận.
- Nhiễm khuẩn: một số sai có thể chứa vi khuẩn bên trong. Do đó bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh để ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật. Có khoảng 25% bệnh nhân bị sốt sau phẫu thuật nhưng thường là sốt nhẹ.
- Sót mảnh vụn sỏi: do không thể lấy sạch hết sỏi trong quá trình phẫu thuật. Trong trường hợp này bệnh nhân sẽ được điều trị thêm bằng các phương pháp khác như tán sỏi ngoài cơ thể hay nội soi tán sỏi khi ngược dòng.
- Tổn thương các cơ quan lân cận trong quá trình tán sỏi.
Do đó, cách tốt nhất là bạn tìm đến cơ sở uy tín, có bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị y tế hiện đại để thực hiện lấy sỏi thận qua da nhằm hạn chế tối đa những biến chứng kể trên.
6. Phòng bệnh sau lấy sỏi thận ngoài da
Để hạn chế các biến chứng cũng như phục hồi nhanh hơn sau phẫu thuật lấy sỏi, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:
- Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể gặp tình trạng nước tiểu có lẫn ít máu kéo dài khoảng hai tuần. Để cải thiện tình trạng này ngày người bệnh nên uống từ 2-3 lít nước mỗi ngày. Hạn chế uống uống rượu bia, trà, cà phê và các chất kích thích khác trong thời gian hồi phục.
- Ăn nhiều trái cây rau củ và thực phẩm nhiều chất xơ để tránh táo bón.
- Tránh vận động mạnh hoặc bê vác nặng trong vòng 4 tuần.
- Khi có các dấu hiệu bất thường như như chảy máu dai dẳng, rò nước tiểu từ vị trí phẫu thuật, sốt cao, khó tiểu, nước tiểu lẫn máu tươi cần liên hệ với bác sĩ điều trị ngay lập tức.
Lấy sỏi thận qua da là một kỹ thuật tiên tiến, mang lại hiệu quả cao trong điều trị sỏi thận. Kỹ thuật này cũng làm giảm tỷ lệ biến chứng, số ngày điều trị và bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt bình thường.