Paracetamol được biết đến là thuốc hạ sốt được chỉ định cho người bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, việc lạm dụng paracetamol khi sốt cao do sốt xuất huyết có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng tới gan cần cẩn trọng.
Menu xem nhanh:
1. Liều dùng paracetamol cho người bệnh sốt xuất huyết
Paracetamol là thuốc được chỉ định trong các trường hợp sốt xuất huyết. Thuốc này có tác dụng giúp hạ sốt, giảm đau hiệu quả. Bên cạnh đó, Paracetamol còn có thể kiểm soát tốt các triệu chứng khác của sốt xuất huyết ở mức độ sốt xuất huyết nhẹ nếu được sử dụng đúng cách và đúng liều dùng.
Mỗi trường hợp, đối tượng bị sốt xuất huyết cụ thể sẽ có hướng dẫn sử dụng loại Paracetamol phù hợp (có thể là dạng viên nén, bột, dung dịch hoặc viện đặt) và khuyến cáo về liều dùng hợp lý.
– Liều dùng Paracetamol thích hợp là 10-15mg/kg/lần, uống tối đa từ 4-6 lần/ngày, không uống quá 60mg/kg/24h;
– Nên uống Paracetamol duy trì từ 2-5 ngày tùy vào tình hình thân nhiệt;
– Chỉ uống thuốc khi sốt cao trên 38,5 độ C và mỗi lần nên uống thuốc cách nhau từ 4-6 tiếng để thuốc phát huy tối đa công dụng cũng như hạn chế tác dụng phụ.
2. Không nên lạm dụng paracetamol khi sốt cao do sốt xuất huyết
2.1. Biểu hiện lạm dụng quá liều paracetamol khi sốt cao do sốt xuất huyết
Những triệu chứng sớm của lạm dụng paracetamol thường khó nhận biết có thể là buồn nôn, nôn mửa, người mệt mỏi thoáng qua trong vòng 12-24h sau khi uống thuốc quá liều. Vào ngày tiếp theo đa phần các triệu chứng thường giảm hẳn, tưởng chừng như đã khỏi. Tuy nhiên, nếu tiếp tục làm dụng thuốc ở những ngày thứ ba, thứ tư sau đó, các triệu chứng toàn phát sẽ dần xuất hiện và tăng dần. Biểu hiện là chán ăn, sợ cơm, vàng mắt, vàng da,…
Đặc biệt, với những người bệnh đã có sẵn bệnh lý về gan (viêm gan virus hoặc xơ gan do uống rượu bia) thì những tác động từ nhiễm độc cấp paracetamol tăng cao, thậm chí là chỉ uống ở liều điều trị bình thường cũng có thể khởi phát ngay các triệu chứng viêm gan nhiễm độc thuốc.
2.2. Hậu quả lạm dụng paracetamol khi sốt cao do sốt xuất huyết gây hại tới gan
Lạm dụng Paracetamol không chỉ gây ra những triệu chứng lâm sàng khó chịu cho người bệnh mà nguy hiểm hơn cả là những tác động tiêu cực tới gan và thận.
Bản thân sốt xuất huyết Dengue đã gây tổn thương tới gan. Khi dùng quá liều Paracetamol sẽ làm gia tăng nguy cơ tổn thương gan thêm nặng nề hơn. Khi đó, bệnh tình không được thuyên giảm mà ngược lại còn khiến người bệnh thêm mệt mỏi, việc điều trị thêm phức tạp, nguy cơ biến chứng cao hơn.
Giải thích cho những tác hại của Paracetamol tới gan là do Paracetamol được chuyển hoá chủ yếu qua gan và một phần nhỏ khác được chuyển hoá qua hệ enzyme cytochrome P450 để tạo ra các sản phẩm alkyl hóa, NAPQI.
Khi dùng quá liều Paracetamol gây ra sự tích tụ quá nhiều NAPQI, NAPQI không đào thải hết được qua thận sẽ gây ra độc tính cho tế bào gan, gây ra hoại tử tế bào gan, vỡ tế bào gan. Biểu hiện qua cận lâm sàng là tăng men gan, AST và ALT. Hậu quả nghiêm trọng là người bệnh có thể phải lọc máu để cải thiện chức năng gan.
3. Những lưu ý khi sử dụng paracetamol hạ sốt đúng cách
3.1. Uống thuốc đúng chỉ định
Hãy sử dụng paracetamol theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được dùng quá liều cho phép, tham khảo kỹ về thông tin liên quan đến độc tính lên gan của paracetamol.
Uống thuốc với tổng liều không vượt quá ngưỡng 4g/ngày đối với người lớn. Khi đối tượng sốt xuất huyết là trẻ em sẽ có chỉ định sử dụng Paracetamol khác so với người lớn, phụ thuộc vào cân nặng và độ tuổi. Vì vậy, nếu trẻ em bị sốt xuất huyết tốt nhất nên nhập viện để được thực hiện điều trị đúng cách, an toàn.
Mặt khác, đối với thuốc ở dạng lỏng, cần phải dùng loại dụng cụ chuyên biệt để đo lường chính xác định lượng paracetamol nạp vào cơ thể và nên phải lắc đều thuốc trước khi sử dụng. Với dạng viên sủi bọt, phải đợi để thuốc hòa tan hoàn toàn vào nước rồi uống hết thuốc ngay.
3.2. Kết hợp song song cùng hạ sốt vật lý
Hạ sốt vật lý giúp hỗ trợ giảm sốt hiệu quả và giảm gánh nặng dùng thuốc liên tục. Cách hạ sốt phổ biến nhất là chườm mát bằng khăn lên các vị trí nhiệt độ cao của cơ thể như trán, nách, cổ, bẹn. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng những phương pháp hạ sốt dân gian bằng lá tía tô, lá bạc hà, nha đam,… Những biện pháp này dễ thực hiện, có độ lành tính an toàn cao.
Người bệnh cần được đo thân nhiệt liên tục để được theo dõi cẩn thận và thực hiện hạ sốt kết hợp các phương pháp phù hợp. Với trường hợp sốt dưới 38,5 độ sẽ ưu tiên hạ sốt vật lý thay vì uống thuốc.
3.3. Ngừng uống paracetamol đúng lúc
Như đã nói ở trên, paracetamol chỉ cho hiệu quả trong trường hợp sốt nhẹ. Khi thuốc không mang lại hiệu quả mong muốn thì tốt nhất nên dừng lại để tránh gây ra thêm những ảnh hướng xấu làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Với những trường hợp sau đây cần ngưng sử dụng thuốc paracetamol ngay:
– Người bệnh vẫn bị sốt sau 3 ngày uống thuốc;
– Người bệnh vẫn bị đau sau 5-7 ngày uống thuốc;
– Cơ thể xuất hiện biểu hiện các triệu chứng lạ đặc biệt là bị chán ăn, sợ cơm,…
Sau khi ngừng uống thuốc, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Với những trường hợp này, người bệnh có thể cần nhập viện, thực hiện các xét nghiệm cần thiết và tiến hành điều trị theo chỉ định.
3.4. Những lưu ý khác
– Bảo quản thuốc ở nơi khô dáo, nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng trực tiếp.
– Trong quá trình uống Paracetamol cần tránh uống rượu hoặc dùng các loại chất kích thích để hạn chế nguy cơ bị ngộ độc thuốc.
– Hạ sốt cần đi đôi với bù nước và bù điện giải đúng cách. Người bệnh uống nhiều nước từ 3-4l/ngày có thể là nước lọc, nước canh, nước ép hoa quả tươi,…
Tuyệt đối không lạm dụng paracetamol khi sốt cao do sốt xuất huyết vì đây sẽ là “con dao hai lưỡi” gây độc tới gan và thận. Người bệnh sốt xuất huyết tuân thủ đúng chỉ định điều trị cũng như hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách để cho kết quả điều trị tốt và an toàn cho người bệnh.