Menu xem nhanh:
Sỏi thận gây ra những cơn đau như thế nào?
Khi sỏi di chuyển theo dòng chảy nước tiểu, nhưng viên sỏi xù xì, có gai nhọn sẽ cọ xát vào đường niệu hoặc sỏi kẹt trong đường tiết niệu gây ra những cơn đau thận:
Cơn đau nhẹ
Có trường hợp bệnh nhân chỉ bị đau âm ỉ vùng lưng, bụng, những cơn đau bụng nhẹ khiến người bệnh chủ quan nên có thể đau kéo dài vài ngày mới tới bệnh viện.
Đau quặn thận
Đau quặn thận thường bắt đầu đột ngột, có thể đau sau một hoạt động gắng sức nào đó. Cũng có khi cơn đau được báo trước bởi triệu chứng đau ngang thắt lưng.
Cơn đau thường từ một bên hông sau đó lan ra phía trước dưới hạ sườn, cơn đau có thể kéo dài xuống vùng sinh dục. Khi bị đau quặn thận, người bệnh có cảm giác đau như ai bóp chặt vào vùng lưng bụng, đau đến mức toát mồ hôi, đau khiến cho người bệnh không thể làm gì được…
Phương pháp giảm đau tạm thời những cơn đau do sỏi thận
Để giảm đau tạm thời trước khi đến khám tại bệnh viện, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp sau:
Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi tại chỗ cũng giúp giảm đau hiệu quả, nhưng tránh nằm nghiêng sẽ khiến đau nặng hơn.
Chườm nóng
Sử dụng túi sưởi hoặc một chai nước ấm chườm lên bụng sẽ giúp giảm đau nhanh chóng.
Dùng thuốc giảm đau
Một số thuốc giảm đau có thể giúp bệnh nhân nhanh chóng giảm những cơn đau do sỏi thận. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước giúp lưu lượng nước qua thận tăng lên, đào thải các chất cặn bã được tốt hơn. Các chất thải không có điều kiện lắng đọng, vi khuẩn tại đường tiết niệu cũng không có cơ hội phát triển.
Điều trị sỏi thận như thế nào?
Những phương pháp giảm đau ở trên chỉ giúp giảm đau tạm thời, để trị dứt điểm cơn đau do sỏi thận cần chú ý những điều sau:
Đến khám tại các cơ sở y tế uy tín
Đi khám là việc làm đầu tiên và quan trọng nhất để biết vị trí, kích thước sỏi và được bác sĩ tư vấn các cách chữa phù hợp. Với những đột phá trong công nghệ tán sỏi như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser… có thể giúp loại sạch mọi loại sỏi.
Sau khi tán sỏi bạn vẫn nên đi khám định kỳ 6 tháng/lần để đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt
Để việc điều trị sỏi đạt hiệu quả tốt hơn, sớm phục hồi lại sức khỏe cũng như hạn chế việc sỏi tái phát thì người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ:
– Nên uống nhiều nước (2-3 lít nước/ngày), uống đều đặn, không nên uống quá nhiều hoặc quá ít.
– Ăn nhiều chất xơ, rau, quả tươi.
– Ăn ít đạm động vật, chất béo, không ăn quá mặn.
– Tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, trà, cà phê, thuốc lá…
– Sinh hoạt điều độ: tập thể dục mỗi ngày, nghỉ ngơi đầy đủ, không làm việc quá sức.