Liệu có hay không hiện tượng kinh nguyệt không đều gây vô sinh? Đây là câu hỏi được rất nhiều chị em phụ nữ thắc mắc và lo lắng khi gặp phải rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI sẽ làm rõ mối quan hệ giữa vô sinh và kinh nguyệt để trả lời câu hỏi trên.
Menu xem nhanh:
1. Những dấu hiệu cho thấy kinh nguyệt không đều ở nữ giới
Một chu kỳ hành kinh đều đặn của phụ nữ sẽ dao động từ 28 – 35 ngày. Trong trường hợp chu kỳ kinh của chị em không theo bất kỳ một quy luật nhất định hoặc vòng kinh không lặp lại theo số ngày trên thì chứng tỏ chị em đang gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt với các biểu hiện phổ biến như:
– Kinh thưa hay còn gọi là trễ kinh: Khi vòng kinh của chị em kéo dài trên 35 ngày. Việc chậm kinh tuy không gây hại tới sức khỏe nhưng sẽ khiến cho số lần rụng trứng ít đi, làm giảm tỷ lệ thụ thai.
– Vòng kinh sớm: Trái với kinh thưa, nếu chu kỳ kinh đến sớm hơn 21 ngày thì chị em đang có một vòng kinh sớm. Thậm chí nhiều người còn có thể xuất hiện kinh nguyệt 2 lần/ tháng. Vòng kinh đến sớm khiến chị em bị mất nhiều máu, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.
– Vô kinh thứ phát: Là tình trạng không thấy kinh nguyệt trong vòng 3 – 6 tháng, thường diễn ra ở phụ nữ sau sinh và cho con bú hoặc có thể do một số bệnh lý phần phụ gây nên.
– Thiểu kinh: Hiện tượng thiểu kinh xảy ra khi số ngày hành kinh ít hơn 3 ngày với lượng máu kinh ở mỗi kỳ ít hơn 30ml. Nguyên nhân dẫn đến thiểu kinh có thể do hệ quả từ việc nạo hút thai khiến cho buồng tử cung bị viêm dính hoặc đến từ các nguyên nhân khác như nội mạc tử cung mỏng, rối loạn nội tiết…
– Rong kinh: Trái ngược với thiểu kinh là rong kinh, khi số ngày hành kinh kéo dài trên 7 ngày. Rong kinh dài ngày sẽ gây thiếu máu khiến chị em dễ tụt huyết áp, mệt mỏi và làm tăng nguy cơ gây viêm nhiễm phụ khoa.
– Cường kinh: Hiện tượng cường kinh là khi lượng máu kinh ra nhiều hơn 150ml và kéo dài trên 7 ngày. Phụ nữ bị cường kinh sẽ bị mất nhiều máu, mệt mỏi, sụt cân thậm chí ngất xỉu.
– Bế kinh: Khi bị bế kinh, lượng máu kinh vì một lí do nào đó không thể đào thải ra ngoài được và đọng lại trong âm đạo, gây nên các cơn đau bụng kinh khi đến kỳ.
– Thống kinh: Tình trạng chị em bị đau bụng dữ dội khi đến tháng được gọi là thống kinh. Cơn đau có thể lan tỏa từ thắt lưng xuống bụng dưới và vùng đùi, khi bị thống kinh chị em nên tới gặp bác sĩ để được tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
2. Giải đáp thắc mắc kinh nguyệt không đều liệu có gây vô sinh?
Để giải đáp thắc mắc kinh nguyệt không đều gây vô sinh liệu có đúng không cần xem xét từ nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Nếu kinh nguyệt không đều bắt nguồn từ nguyên nhân như rối loạn nội tiết tiền mãn kinh hoặc ở tuổi dậy thì, ảnh hưởng tâm sinh lý do căng thẳng, mất ngủ, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, sử dụng chất kích thích, bia rượu…. thì chị em sẽ không bị vô sinh. Chỉ cần điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng lành mạnh, cải thiện giấc ngủ và tinh thần thì kinh nguyệt sẽ bình thường trở lại và không cản trở đến việc mang thai.
Tuy nhiên trên thực tế, hiện tượng rối loạn kinh nguyệt vẫn có thể gây vô sinh trong trường hợp chị em mắc phải một số bệnh phụ khoa mà không được điều trị đúng cách hoặc phát hiện muộn.
3. Những trường hợp nữ giới có kinh nguyệt không đều dẫn đến vô sinh
3.1 Buồng trứng đa nang khiến kinh nguyệt không đều gây vô sinh
Hội chứng buồng trứng đa nang khá phổ biến ở nữ giới độ tuổi sinh đẻ do sự gia tăng bất thường nồng độ testosterone và LH trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển của nang noãn và khiến cho buồng trứng xuất hiện các đám nang nhỏ. Các nang noãn này không thể phát triển khiến trứng không trưởng thành được và không xuất hiện sự rụng trứng. Đây là lí do khiến nữ giới bị vô kinh, dẫn đến vô sinh hiếm muộn.
3.2 Suy buồng trứng sớm khiến kinh nguyệt không đều gây vô sinh
Buồng trứng là nơi để trứng phát triển, giúp trứng chín và rụng để sẵn sàng cho quá trình thụ tinh. Hiện tượng suy buồng trứng sớm là khi các chức năng hoạt động của buồng trứng bị ngưng trước 40 tuổi. Người bệnh không thể nuôi dưỡng trứng để duy trì hoạt động sinh sản như bình thường được.
Trong đó, biểu hiện đầu tiên của buồng trứng chính là rối loạn kinh nguyệt, thiểu kinh hoặc vô kinh gây khó khăn cho việc thụ thai, thậm chí vô sinh.
3.3 Lạc nội mạc tử cung gây rối loạn kinh nguyệt dẫn đến vô sinh
Khi đến kì kinh nguyệt, lớp nội mạc tử cung phía bên trong tử cung sẽ bị bong ra và được tái tạo lại khi sạch kinh. Lạc nội mạc tử cung diễn ra khi các tế bào nội mạc đi lạc vào các vị trí khác nhau như vòi trứng, buồng trứng, bàng quang, trực tràng….khi đến chu kỳ kinh nguyệt bị đọng lại bên trong và không thể thoát ra ngoài theo đường âm đạo.
Vì lượng máu bị “lạc đường” không được thoát ra ngoài nên thường khiến cho người bệnh bị đau bụng dữ dội, buồn nôn, máu kinh thường có lẫn các cục máu đông dễ gây ra viêm nhiễm âm đạo, dính hoặc tắc vòi tử cung, cản trở đường đi của tinh trùng gặp trứng gây nên hiện tượng kinh nguyệt không đều gây vô sinh.
4. Biện pháp phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt để tăng khả năng thụ thai
Rối loạn kinh nguyệt không chỉ ảnh hưởng đến nội tiết tố mà còn làm giảm khả năng thụ thai ở nữ giới, gây vô sinh hiếm muộn. Vì vậy để điều hòa lại kinh nguyệt, chị em cần tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng kinh nguyệt không đều. Đặc biệt, ngay khi thấy có những dấu hiệu bất thường, không nên chậm trễ mà hãy đến các cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa để được chẩn đoán đúng bệnh nhất.
Bên cạnh đó, chị em nên phòng tránh tình trạng kinh nguyệt không đều và điều hòa kinh nguyệt bằng cách:
– Thiết lập một chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học: Nên có cho mình một lối sống tích cực và lành mạnh với chế độ ăn uống và vận động điều độ. Chị em nên bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất, tăng cường chất xơ và rau xanh, hạn chế các thực phẩm có chứa quá nhiều tinh bột, dầu mỡ và đường. Đặc biệt nên giữ cho mình một tinh thần vui vẻ, lạc quan, khi cơ thể khỏe mạnh, nội tiết tố cũng sẽ dần được ổn định.
– Hạn chế dung nạp quá nhiều chất kích thích, nhất là với những chị em đang chuẩn bị có kế hoạch mang thai. Tránh sử dụng đồ uống có cồn như bia rượu, không dùng thuốc lá bởi trong thuốc lá có hoạt chất gây hại đến sức khỏe, khiến cho kinh nguyệt bị rối loạn thậm chí là mất kinh.
– Khám phụ khoa định kỳ 1 năm 2 lần: Việc khám phụ khoa tổng quát định kỳ sẽ giúp chị em nắm rõ được tình trạng sức khỏe của phần phụ, cũng như tầm soát được các bệnh lý phụ khoa (nếu có). Từ đó chị em sẽ sớm có phác đồ điều trị bệnh phù hợp và kịp thời.
Có thể nói chu kỳ kinh nguyệt chính là thước đo sức khỏe sinh sản của bất kỳ người phụ nữ nào. Vì vậy khi gặp tình trạng kinh nguyệt không đều, chị em cần có biện pháp để cải thiện nội tiết tố nữ, đưa trở về trạng thái cân bằng để không làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
Hiện nay tỷ lệ các cặp đôi vô sinh ngày càng cao, đặc biệt là ở độ tuổi dưới 32. Vì vậy khi thấy chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện những dấu hiệu bất thường, chị em nên tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân chính xác cũng như có biện pháp cải thiện chu kỳ kinh nguyệt phù hợp, tránh kéo dài tình trạng dễ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản.