Không chủ quan trước các biểu hiện thiếu máu não

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Thiếu máu não ngày càng trẻ hóa nhưng nhiều người vẫn chủ quan vì không biết thiếu máu não chính là con đường dẫn đến đột quỵ nhồi máu não (tai biến mạch máu não). Nếu nhận diện sớm các biểu hiện thiếu máu não và có biện pháp xử trí kịp thời, có thể giúp người bệnh tránh xa được cơn đột quỵ não trong tương lai. 

1. Các biểu hiện thiếu máu não

1.1 Cảm giác nặng ở đầu (nặng phía sau gáy) 

Người bị thiếu máu não sẽ cảm giác vùng đầu phía sau gáy nặng, có thể kéo dài từ đỉnh đầu xuống đến gáy. Có thể kèm theo cảm giác thấy nóng, tê bì ở vùng gáy. 

Cơn đau có thể kéo dài cả xuống hai vai, cảm giác cơ cổ bị cứng và hai vai có cảm giác cứng, đau. 

biểu hiện thiếu máu não - đau đầu, nhất là vùng sau gáy

Người bị thiếu máu não có cảm giác cảm giác nặng ở đầu (nặng phía sau gáy).

1.2 Chán ăn

Thiếu máu não khiến người bệnh có cảm giác ăn không ngon miệng, lâu dần chán ăn. Triệu chứng này có thể do những biểu hiện của thiếu máu não khiến người mệt cảm thấy mệt mỏi, đau nhức, hệ thần kinh luôn căng thẳng làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu hóa. 

1.3 Ngủ kém, ngủ không sâu giấc – biểu hiện thiếu máu não

Thiếu máu não là một trong những nguyên nhân chính gây hội chứng rối loạn giấc ngủ, thường gặp nhất là mất ngủ

Nguyên nhân là do khi bị thiếu máu lên não các tế bào não sẽ không nhận đủ oxy và các dưỡng chất, điều này khiến chúng hoạt động kém, ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ. 

Người bị thiếu máu não thường trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc dễ giật mình tỉnh giấc và khó ngủ tiếp, số lượng giờ ngủ cũng bị giảm. 

1.4 Giảm khả năng tập trung, hay quên

Thiếu máu não khiến khả năng ghi nhớ kém, do các tế bào não ở vùng hải mã không được cung cấp đủ năng lượng nên bị suy giảm chức năng.  

Sự mệt mỏi, uể oải do không được ngủ đủ hay giấc ngủ không chất lượng, khiến người bệnh bị suy giảm khả năng tập trung, giải quyết vấn đề. 

1.5 Tính tình thay đổi, dễ cáu gắt

Mất ngủ, cảm giác luôn buồn ngủ nhưng không ngủ được, mệt mỏi, đau đầu,… do thiếu máu não sẽ khiến người bệnh dễ nổi nóng, cáu gắt, thay đổi tính cách,…

1.6 Nhanh mỏi mắt, nhức hai hốc mắt

Thiếu máu não có thể do sự chèn ép của các dây thần kinh, điều này cũng ảnh hưởng tới các dây thần kinh ở vùng hốc mắt. Ngoài ra tình trạng hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu não dễ gây mỏi mắt, nhức hốc mắt. 

1.7 Ù tai – biểu hiện thiếu máu não

Thiếu máu não gây ù tai, cảm giác như có tiếng ve kêu bên tai.

đau đầu, ù tai - biểu hiện thiếu máu não

Nếu cảm thấy nặng đầu, ù tai (nghe như có tiếng ve kêu bên tai) thì đây có thể là biểu hiện của bệnh thiếu máu lên não.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng có thể phân chia biểu hiện thiếu máu não thành hai nhóm là: 

Biểu hiện thiếu máu não cục bộ

– Méo miệng đột ngột

– Tê yếu tay chân (một bên) 

– Đột nhiên giảm trí nhớ

Biểu hiện thiếu máu não toàn bộ

– Đau đầu âm ỉ hoặc từng cơn

– Hoa mắt, chóng mặt

– Giảm trí nhớ, kém tập trung

– Mất ngủ

2. Những thói quen gây thiếu máu não

Thiếu máu não có thể đến từ nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày, mà chúng ta thường chủ quan hoặc dễ bị bỏ qua.

Các thói quen gây thiếu máu não có thể kể đến như:

Thói quen ngồi làm việc, giải trí không đúng tư thế, ngồi lâu một chỗ ít đứng dậy vận động; tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính và các thiết bị điện tử. Thói quen này thường gặp ở dân văn phòng.

– Ngồi sai tư thế trong thời gian dài không chỉ cản trở máu lên não, mà còn gây ra rất nhiều bệnh lý khác về cột sống như cong – vẹo – gù cột sống, thoát vị đĩa đệm – thoái hóa đốt sống hoặc các bệnh lý về cơ xương khớp,….

– Ít vận động khiến máu khó lưu thông, dễ gây xơ vữa động mạch, làm gia tăng cục máu đông bệnh lý (huyết khối), mà còn dễ tăng cân, béo phì, đau cổ vai gáy, chức năng thải độc của cơ thể kém,…

Căng thẳng quá mức cũng dễ gây thiếu máu lên não. Trường hợp này thường xảy ra khi bạn phải làm việc quá sức, thức khuya, gặp phải cú sốc tâm lý nào đó,… gây căng thẳng. Khi hệ thần kinh bị căng thẳng sẽ dễ gây co thắt mạch máu, khiến máu lưu thông lên não kém hơn.

Thói quen ăn, uống, ngủ không khoa học cũng gây thiếu máu lên não. Chẳng hạn như bạn nạp quá nhiều thực phẩm có chứa các chất béo, đạm và tiêu thụ ít chất xơ sẽ dễ gây xơ vữa động mạch cản trở máu lưu thông lên não. Việc lạm dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống không đúng bữa hay gặp ở giới trẻ ngày nay, sẽ khiến gan bị quá tải suy giảm chức năng hoạt động, dư cân béo phì, xơ vữa mạch máu. Việc ngủ ít cũng ảnh hưởng tới quá trình cung cấp máu lên não, dễ gây mất ngủ kéo dài, tăng nguy cơ đột quỵ não.

Biểu hiện thiếu máu não - căng thẳng, đau đầu, chóng mặt

Căng thẳng quá mức trong thời gian dài có thể gây thiếu máu lên não.

3. Phòng ngừa thiếu máu não bằng cách nào?

Để xử trí và phòng ngừa thiếu máu não, bạn cần lưu ý một số điều sau:

– Chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, tăng cường ăn cá, rau xanh, trái cây tươi,… Giúp tăng cường các chất chống oxy hóa, chất hữu cơ hòa tan, chất khoáng, omega-3,…

– Tăng cường vận động với các bài tập vừa sức. Nên tập thường xuyên mỗi ngày hoặc tuần ít nhất 2-3 lần, mỗi lần tập khoảng 20-30 phút. Với những người gặp các vấn đề về khớp thì nên chọn các bài tập như bơi, đạp xe, đi bộ,… hạn chế chạy bộ và các hoạt động cần sử dụng nhiều sức ở chân.

– Xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh bằng cách suy nghĩ tích cực hơn, vui vẻ, lạc quan, tăng cường tham gia các hoạt động ngoài trời, giao lưu bạn bè trực tiếp, hạn chế mạng xã hội và ti vi,…

– Ngủ đủ, vệ sinh giấc ngủ để có giấc ngủ chất lượng.

– Kiểm soát tốt bệnh nền: người có sẵn bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, đông máu, bệnh tim mạch,…. cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên bằng cách thăm khám với bác sĩ, để được hướng dẫn về các loại thuốc cần sử dụng.

– Chủ động kiểm tra sức khỏe ngay cả khi cơ thể chưa có “báo hiệu”, bởi phòng bệnh vẫn luôn tốt hơn chữa bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital