Khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ trước hết là một hoạt động mang tính pháp lý bắt buộc của Nhà nước. Nhưng trên hết, đây còn là hoạt động mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người lao động và chủ doanh nghiệp. Nếu bạn đang là người sử dụng lao động, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn cập nhật mọi thông tin về việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công ty.
Menu xem nhanh:
1. Quy định về tổ chức hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên
Mọi công dân đều được Nhà nước đảm bảo đầy đủ quyền lợi, trong đó có quyền lợi về sức khỏe. Với những người đang công tác tại các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động tại Việt Nam, bạn sẽ được đảm bảo quyền lợi này thông qua các quy định về bảo vệ người lao động trong Luật Lao động hoặc các Thông tư liên quan.
1.1. Quy định về các danh mục khám sức khỏe định kỳ cho công ty
Theo điều 152, Luật lao động 2012, người lao động sẽ được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ mỗi năm. Trong đó, danh mục khám sức khỏe sẽ bao gồm khám thể lực, khám lâm sàng và cận lâm sàng. Với các lao động nữ sẽ được khám thêm chuyên khoa phụ sản.
Đặc biệt, những doanh nghiệp có môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại cần phải có thêm các danh mục khám sức khỏe chuyên sâu để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Người lao động mắc bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động nếu còn tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp thì sẽ được sắp xếp làm việc tại vị trí phù hợp với sức khỏe.
1.2. Quy định về thời gian khám sức khỏe định kỳ cho công ty
Theo quy định, doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên ít nhất một lần trong năm. Với các đối tượng người lao động là người cao tuổi, người chưa thành niên, người khuyết tật, người làm các công việc nặng nhọc, có tính chất nguy hiểm, môi trường làm việc độc hại phải được khám định kỳ ít nhất 6 tháng/lần. Như vậy, người lao động sẽ được khám định kỳ từ 1 – 2 lần tùy từng đối tượng.
Việc quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người lao động phải được thực hiện từ thời điểm tuyển dụng người lao động và trong suốt quá trình làm việc. Trong đó, người lao động được hưởng chính sách khám sức khỏe định kỳ bao gồm người đã được ký hợp động chính thức, người tham gia lao động tại doanh nghiệp với hình thức học nghề, tập nghề.
2. Danh mục khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên
Như đã đề cập ở nội dung phía trên, người lao động được doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ sẽ bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Khám thể lực: Đo chiều cao, cân nặng, tính chỉ số BMI, kiểm tra mạch và huyết áp. Dựa vào các chỉ số sức khỏe thể lực, nhân viên y tế sẽ xếp phân loại và xếp hạng thể lực người lao động.
- Khám lâm sàng: Khám nội tổng quát (kiểm tra hệ hô hấp, tiêu hóa, nội tiết…), khám mắt, tai – mũi – họng, răng hàm mặt, khám da liễu. Với các lao động nữ, bạn sẽ được khám thêm danh mục sản phụ khoa.
- Khám cận lâm sàng: Các danh mục khám bắt buộc bao gồm xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu, chụp X-quang tim phổi.
Ngoài ra, tùy theo đặc điểm hoạt động, doanh nghiệp có thể mở rộng một số danh mục khám, xét nghiệm sàng lọc cho nhân viên trong các đợt khám sức khỏe định kỳ doanh nghiệp. Ví dụ với người lao động trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất và cung cấp thực phẩm, chủ doanh nghiệp cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm phân và xét nghiệm viêm gan A – B – E.
Đặc biệt, với những doanh nghiệp có môi trường làm việc độc hại, nặng nhọc sẽ phải có thêm các danh mục khám chuyên sâu và phù hợp với môi trường làm việc. Điều này sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đối với các lao động trong doanh nghiệp.
Sau khi thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, các đơn vị sử dụng lao động phải lập và lưu giữ hồ sơ sức khỏe của nhân viên, đặc biệt là các hồ sơ sức khỏe của người lao động mắc bệnh nghề nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để công ty, doanh nghiệp thực hiện báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về việc quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động.
3. Lưu ý lựa chọn cơ sở y tế có đủ năng lực khám sức khỏe doanh nghiệp
Khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên công ty là hoạt động đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại không có quy định chi tiết về các tiêu chuẩn chất lượng để đánh giá các cơ sở y tế đủ năng lực thực hiện hoạt động này. Thay vào đó, các chủ doanh nghiệp có thể căn cứ dựa trên quy định của Thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn thực hiện hoạt động khám sức khỏe nói chung.
Theo đó, các quy định cơ sở y tế đạt chất lượng khám sức khỏe sẽ bao gồm một số yếu tố quan trọng sau:
- Người thực hiện hoạt động khám lâm sàng và cận lâm sàng phải có chứng chỉ hành nghề theo Luật Khám bệnh Chữa bệnh phù hợp với chuyên khoa được giao trách nhiệm khám.
- Người kết luận trong giấy chứng nhận sức khỏe phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và có thời gian khám chữa bệnh ít nhất là 54 tháng.
- Cơ sở y tế có đầy đủ thiết bị y tế, phòng khám lâm sàng và cận lâm sàng theo từng chuyên khoa phù hợp với nội dung khám sức khỏe.
- Đối với hoạt động khám sức khỏe có yếu tố nước ngoài (khám cho người nước ngoài, khám cho người Việt có mục đích xuất khẩu lao động, định cư, học tập tại nước ngoài), người kết luận trong giấy khám sức khỏe phải là thạc sĩ y khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa cấp I.
- Nếu người khám bệnh và khách hàng không cùng thành thạo một ngôn ngữ, cơ sở y tế phải có phiên dịch viên y tế.
Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp cũng cần chú ý tới khả năng có thể thực hiện hoạt động thăm khám số lượng lớn nếu doanh nghiệp đông nhân viên. Điều này sẽ giúp tối ưu thời gian thăm khám, đảm bảo hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Các dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ, xây dựng gói khám đặc thù cũng là hai yếu tố mà doanh nghiệp có thể cân nhắc thêm khi lựa chọn cơ sở y tế thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên.
Khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên là một sự đầu tư thông minh, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này, các chủ doanh nghiệp sẽ dễ dàng lựa chọn được đơn vị y tế uy tín và chất lượng để đồng hành chăm sóc sức khỏe nhân sự.