Sởi không hoàn toàn vô hại như bố mẹ vẫn tưởng. Thực tế, trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đã ghi nhận nhiều trường hợp sởi tiến triển đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Vậy, trẻ bị sởi phải xử trí thế nào cho đúng đắn, đầy đủ? Đọc bài viết sau ngay, bố mẹ sẽ có câu trả lời.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin cơ bản về sởi bố mẹ nhất định phải biết
1.1. Nguyên nhân và khả năng lây nhiễm sởi
Virus sởi, thuộc chi Morbillivirus của họ Paramyxoviridae là nguyên nhân phát sinh sởi.
Sởi thực chất là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, bởi vậy, nó có 2 đường lây nhiễm là trực tiếp và gián tiếp, từ trẻ bệnh sang trẻ không bệnh, thông qua dịch tiết mũi họng. Trong quá khứ, thời điểm sởi phát tán dữ dội nhất thường là khoảng giao mùa Đông – Xuân. Tuy nhiên, ở hiện tại, sởi có thể xuất hiện và bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào trong năm. Về yếu tố nguy cơ, nếu trẻ có những vấn đề sau, khả năng trẻ bị sởi là cao hơn so với nếu trẻ không: Miễn dịch kém hoặc suy giảm miễn dịch, chưa tiêm vắc xin phòng ngừa sởi, dưới 12 tháng tuổi, có mẹ bị sởi trong thai kỳ,…
1.2. Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu nhận biết sởi rất đa dạng và khác nhau ở mỗi thể cũng như mỗi giai đoạn phát sởi. Sởi có thể điển hình và thể không điển hình. Trong đó, sởi không điển hình có dấu hiệu nhận biết tương tự các bệnh viêm đường hô hấp, như: Sốt, viêm long đường hô hấp nhẹ, phát ban ít,… Chính vì thế mà sởi thể này thường bị nhầm lẫn với những bệnh đó. Sởi điển hình thì khác. Dấu hiệu nhận biết sởi điển hình được phân loại theo giai đoạn phát triển bệnh. Trong 4 giai đoạn phát triển: Ủ bệnh (8 – 11 ngày), khởi phát (3 – 4 ngày), toàn phát (4 – 6 ngày) và lui bệnh; chỉ có giai đoạn ủ bệnh là sởi không có biểu hiện, 3 giai đoạn còn lại, sởi có triệu chứng như sau:
– Giai đoạn khởi phát hay còn gọi là giai đoạn viêm long đường hô hấp: Trẻ sốt từ nhẹ đến cao; viêm kết mạc (mắt sưng nề, đỏ, nhiều dử); viêm xuất tiết mũi – họng; chảy nhiều nước mắt – nước mũi; ho; nổi hạch ngoại biên;…
– Giai đoạn toàn phát hay còn gọi là giai đoạn phát ban: Trẻ biểu hiện như giai đoạn khởi phát và có thêm triệu chứng phát ban. Ban phát sau tai đầu tiên rồi lan ra mặt, cổ, ngực, lưng, tay, chân. Ban có màu đỏ, nhỏ, hơi nổi lên so với bề mặt da, có thể mọc thành từng mảng hoặc mọc rải rác.
– Giai đoạn lui bệnh: Triệu chứng ở cả 2 giai đoạn khởi phát và toàn phát đều đồng thời thuyên giảm và biến mất. Trong đó, sự thuyên giảm và biến mất của triệu chứng phát ban có thể mô tả như sau: Ban thuyên giảm dần từ sau tai đến tay, chân theo đúng thứ tự chúng mọc. Khi ban biến mất, hoặc là da sẽ có nhiều vết thâm hoặc là da sẽ bị lột (trường hợp da có nhiều vết thâm phổ biến hơn).
1.3. Biến chứng
Như đã đề cập phía trên, trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đã ghi nhận nhiều trường hợp sởi tiến triển đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Cụ thể, những biến chứng phổ biến nhất của sởi có thể kể đến là: Viêm tai giữa dẫn đến suy giảm/mất thính lực tạm thời/vĩnh viễn, viêm giác mạc dẫn đến suy giảm/mất thị lực tạm thời/vĩnh viễn, viêm phổi, viêm não. Trong đó, có thể nói viêm não là biến chứng đáng sợ nhất của sởi. Đáng sợ hơn nữa, tỷ lệ trẻ bị sởi biến chứng viêm não lên tới 0,1% – đây là một con số không hề nhỏ.
2. Xử trí trẻ bị sởi đầy đủ và đúng đắn
Xử trí trẻ bị sởi thế nào mới là đầy đủ và đúng đắn? Câu trả lời là khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu nhận biết sởi đã được liệt kê phía trên, không trì hoãn, bố mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay. Tại đó, sau thăm khám, chuyên gia sẽ chẩn đoán tình trạng sởi ở trẻ nhỏ là nặng hay nhẹ. Tùy mức độ nặng – nhẹ ấy mà chuyên gia sẽ chỉ định trẻ nhập viện điều trị hay điều trị tại nhà.
Sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay có thể nói hệ miễn dịch chính là thuốc điều trị đặc hiệu sởi duy nhất mà hiện tại chúng ta có. Điều đó đồng nghĩa với việc, dù điều trị sởi ở viện hay ở nhà, về bản chất, cũng là thực hiện các hoạt động hỗ trợ quá trình xử lý sởi của hệ miễn dịch trẻ. Những hoạt động đó là: Kiểm soát triệu chứng, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh cá nhân:
– Kiểm soát triệu chứng: Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5 độ trở lên. Tuy nhiên, loại thuốc và liều lượng thuốc hạ sốt trẻ có thể sử dụng phải được chuyên gia hướng dẫn.
– Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ít bữa lớn. Thực phẩm trẻ ăn phải chín, dễ tiêu và giàu Vitamin (đặc biệt là Vitamin A, bởi đây là loại Vitamin có thể hạn chế các biến chứng liên quan đến thị lực)
– Đảm bảo vệ sinh cá nhân: Cho trẻ tắm hoặc lau người mỗi ngày. Bên cạnh đó, giữ gìn vệ sinh cẩn thận, kỹ lưỡng không gian sống của trẻ và gia đình.
Đặc biệt lưu ý, trong trường hợp trẻ điều trị sởi tại nhà, nếu các dấu hiệu sau xuất hiện, bố mẹ phải cho trẻ tái khám lập tức: Đau đầu dữ dội, đau mắt khi tiếp xúc với ánh sáng, khó thở, li bì, mê man,…. Đây là dấu hiệu cho thấy sởi đang trở nặng.
Phía trên là toàn bộ thông tin về cách xử lý trẻ bị sởi. Nếu còn băn khoăn về vấn đề này, liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết mọi thắc mắc một cách nhanh chóng.