Thủy đậu và tay chân miệng là hai căn bệnh phổ biến ở trẻ em mùa xuân – hè. Do có triệu chứng khá giống nhau nên nhiều người khó phân biệt. Bài viết sau sẽ giúp bạn nhận biết đúng các dấu hiệu bệnh thủy đậu, tránh nhầm lẫn với tay chân miệng. Đồng thời chỉ ra cách điều trị hai bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin về bệnh
Làm thế nào để phân biệt dấu hiệu bệnh thủy đậu với tay chân miệng ở trẻ? Câu hỏi này được khá nhiều người đặt ra do hai bệnh này có nhiều điểm chung. Thủy đậu, tay chân miệng đều xuất hiện chủ yếu vào mùa xuân – hè, tốc độ lây nhiễm cao, dễ tạo thành ổ dịch. Đặc trưng của bệnh đều là những nốt mụn nổi trên da. Trước khi làm rõ sự giống và khác nhau về triệu chứng bệnh, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thông tin chung về từng căn bệnh này.
1.1. Bệnh thủy đậu ở trẻ
Được nhắc đến từ thế kỳ XVI nhưng phải đến năm 1875, Rudolf Steiner mới phát hiện thủy đậu do một tác nhân truyền nhiễm gây nên.
Cụ thể, Varicella Zoster (VZV) là virus gây ra bệnh này. Đối tượng hay mắc nhất là các bé dưới 10 tuổi. Khi nhiễm VZV, người bệnh vô tình truyền nhiễm virus sang người khác thông qua giọt bắn chứa mầm bệnh. Một số ít trường hợp chạm vào dịch tiết từ mụn nước cũng có nguy cơ lây nhiễm.
Thủy đậu phát triển qua 4 giai đoạn là ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục, quá trình này thường kéo dài từ trên 2 tuần đến 1 tháng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị tích cực, bệnh có nguy cơ bội nhiễm, biến chứng, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe. Một số trường hợp trẻ bị nặng, virus có thể tấn công vào nội tạng, mạch máu, dẫn đến tử vong.
1.2. Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng do virus Entero gây ra, phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh này cũng tiến triển theo 4 giai đoạn như thủy đậu. Khi bệnh khởi phát, dịch tiết từ mụn nước, nước bọt và phân của trẻ đều chứa virus và là nguồn lây nhiễm bệnh trực tiếp.
Lịch sử đã ghi nhận nhiều đợt dịch bùng phát trên phạm vi lớn. Đầu tiên là đợt dịch năm 1997 khiến 31 trẻ thiệt mạng ở Malaysia. Đợt dịch thứ hai xảy ra vào năm 1998 ở Đài Loan, lấy đi mạng sống của 78 trẻ nhỏ. Những năm 2008 – 2010, căn bệnh này lây lan mạnh ở Trung Quốc khiến hàng nghìn trẻ mắc bệnh, con số thiệt mạng lên đến hàng trăm người.
Ở Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, số ca dương tính với chủng tay chân miệng EV71 gia tăng. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận trên 80 nghìn trường hợp mắc, trong đó có 21 ca tử vong.
Tay chân miệng phát triển theo 4 cấp độ, từ cấp độ 3, người bệnh có thể phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng như viêm não, mất móng tay, chân, phù phổi…
2. Phân biệt dấu hiệu bệnh thủy đậu với tay chân miệng
2.1. Dấu hiệu bệnh thủy đậu qua 4 giai đoạn
Dấu hiệu bệnh thủy đậu và tay chân miệng đều có những điểm giống và khác nhau ở cả 4 giai đoạn. Dưới đây là dấu hiệu thủy đậu:
Giai đoạn ủ bệnh: Varicella Zoster xâm nhập vào cơ thể và âm thầm phát triển trong 7 – 14 ngày mà cơ thể người bệnh không xuất hiện triệu chứng.
– Giai đoạn khởi phát (kéo dài khoảng 7 – 10 ngày): Trẻ sốt nhẹ, kèm theo biểu hiện đau nhức cơ thể, mệt mỏi, quấy khóc, nổi mụn ngoài da giống như nốt phát ban. Nốt mụn lúc này màu đỏ, hơi sần, mọc ở lưng, ngực và lan ra toàn thân.
– Giai đoạn toàn phát: Mụn nước phát triển thành hình tròn, trên nền đỏ, vòm mỏng, lõm ở giữa, chứa dịch trong, dần căng bóng như bọng nước. Dấu hiệu sốt giảm dần, trẻ có biểu hiện đau đầu, bỏ ăn, ngứa ngáy, đau, rất khó chịu ở nốt mụn.
– Giai đoạn hồi phục: Mụn nước vỡ, dịch bên trong khô lại và đóng vảy, để lại vết thâm. Ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, vết thâm thường tự hết mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu bị bội nhiễm, mụn nước sẽ để lại sẹo lồi hoặc lõm.
2.2. Nhận biết dấu hiệu tay chân miệng trong từng giai đoạn
Đối với bệnh tay chân miệng, biểu hiện cụ thể như sau:
– Giai đoạn ủ bệnh: Thường là 1 tuần, trẻ không có biểu hiện gì.
– Giai đoạn khởi phát (1 – 2 ngày) : Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc cao, kèm theo biểu hiện đau họng, chân răng, nước dãi rớt nhiều.
– Giai đoạn toàn phát: Dấu hiệu điển hình là nốt phát ban dạng mụn nước xuất hiện ở lòng bàn chân, bàn tay, đầu gối, mông, khoang miệng. Mụn có vòm dày, chứa nước. Tại mông, mụn dễ bị rộp, lở. Trong khoang miệng có tình trạng loét niêm mạc má, lợi, lưỡi. Trẻ không ngứa, đau do mụn.
– Giai đoạn hồi phục: Nốt mụn khô dần, để lại vết thâm rồi tự hết. Nếu bị bội nhiễm, trẻ có dấu hiệu sốt cao trở lại (thường trên 39 độ), kèm theo biểu hiện nôn mửa, khó thở, cần đưa đến bệnh viện điều trị ngay.
3. Cách điều trị bệnh
3.1. Loại bỏ dấu hiệu bệnh thủy đậu bằng cách nào?
Đến nay bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mọi phương pháp đều nhằm xử lý dấu hiệu bệnh thủy đậu.
– Hạ sốt bằng Paracetamol, liều lượng theo đúng độ tuổi.
– Kết hợp thuốc kháng virus Acyclovir, giúp trẻ ngừa bội nhiễm.
– Sử dụng thêm nhóm kháng Histamin để loại bỏ tình trạng ngứa ở mụn nước.
– Nếu trẻ bị nhiễm trùng, loét vết mụn vỡ, cần dùng thêm kháng sinh.
– Kết hợp sát trùng ngoài da cho trẻ.
Những thuốc này nên dùng theo đơn bác sĩ chỉ định, không tùy tiện mua ngoài hiệu thuốc.
3.2. Chữa trị tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng cũng chưa có thuốc điều trị chuyên biệt. Bệnh nhân được chỉ định dùng các thuốc làm giảm triệu chứng như hạ sốt, thuốc bôi ngoài da nhằm hạn chế tình trạng lở loét. Đối với những trường hợp bệnh diễn tiến nặng, trẻ cần được nhập viện điều trị đặc biệt, ngừa biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay bệnh thủy đậu đã có vacxin ngừa bệnh, bố mẹ có thể cho con tiêm chủng từ sớm tại phòng tiêm chủng TCI. Còn bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vacxin được cấp phép tiêm chủng mở rộng. Bố mẹ nên phòng bệnh cho con bằng cách giữ vệ sinh thật tốt cho trẻ và hạn chế cho trẻ đến nơi có ổ dịch, tăng cường miễn dịch cho con…
Trên đây là những thông tin được cung cấp nhằm giúp bố mẹ nhận biết dấu hiệu bệnh thủy đậu và phân biệt với bệnh tay chân miệng. Đồng thời giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về hai bệnh lý có đặc điểm tương tự nhau, nhưng có cách phòng và điều trị khác nhau.