Hội chứng ruột kích thích có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hội chứng này thường gây đau bụng, co thắt, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón. Để biết thêm thông tin về hội chứng ruột bị kích thích là gì, làm thế nào để điều trị bệnh hiệu quả, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Hội chứng ruột bị kích thích là gì?
Hội chứng ruột bị kích thích là (irritable bowel syndrome-IBS) là tình trạng rối loạn tiêu hoá mãn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Tuy nhiên, khi người bệnh đi khám hay làm các xét nghiệm đều không tìm thấy những tổn thương về mặt giải phẫu và hoá sinh ở ruột. Ở nước ta, hội chứng ruột kích thích còn được biết đến tên gọi khác là viêm đại tràng chức năng, viêm đại tràng co thắt hoặc viêm đại tràng mãn tính.
Đây là một trong những bệnh đường ruột phổ biến nhất với tỷ lệ mắc chiếm tới 5-20%. Hội chứng này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây hội chứng ruột bị kích thích
Hiện nay, vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây nên hội chứng này. Một số yếu tố liên quan đến bệnh đã được xác định:
– Stress: Căng thẳng kéo dài do lo âu, suy nghĩ làm cho các triệu chứng của bệnh xuất hiện hoặc trở nên nặng hơn.
– Thực phẩm: Hội chứng ruột kích có thể xuất hiện sau khi ăn một số loại thực phẩm nhất định. Vấn đề này còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người.
– Nhiễm trùng đường tiêu hóa.
– Tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh.
– Sự thay đổi hormon trong chu kỳ kinh nguyệt.
– Tiền sử gia đình, di truyền.
3. Triệu chứng hội chứng ruột kích thích
Triệu chứng hội chứng ruột kích thích gồm 3 thể chính sau:
– Đau bụng: vị trí đau thường không cố định. Đau có thể ở vùng bụng dưới hoặc đau dọc theo khung đại tràng. Đau âm ỉ kéo dài hoặc từng cơn. Đau tăng sau khi ăn, đặc biệt khi ăn thức ăn lạ hoặc ôi thiu. Tình trạng này có thể kéo dài trong 1-2 ngày nhưng cũng có thể diễn ra trong nhiều ngày.
– Táo bón: Đại tiện khó, phân khô cứng và nhỏ. Phân thường có vỏ nhầy bọc bên ngoài nhưng không có lẫn máu.
– Tiêu chảy: Phân lỏng, buồn đại tiện nhiều lần trong ngày.
Các triệu chứng khác: đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn, nhức đầu, mất ngủ
Các triệu chứng này thường không đặc hiệu và thay đổi theo thời gian tuỳ theo chế độ ăn uống. Ví dụ, khi ăn những loại thức ăn không phù hợp thì sẽ bị rối loạn tiêu hóa ngay lập tức. Nhưng nếu kiêng khem cần thận thì những triệu chứng trên sẽ giảm và biến mất.
4. Hội chứng ruột bị kích thích có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lành tính, không gây tổn thương thực thể. Tuy nhiên, khi ống tiêu hoá hoạt động bất thường dẫn đến rối loạn đại tiện kéo dài và làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng. Nếu không được kiểm soát, các triệu chứng của bệnh sẽ kéo dài và tái lại nhiều lần kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng.
– Tăng nguy cơ mắc trĩ: Táo bón kéo dài sẽ làm tăng áp lực lên trực tràng – hậu môn, khiến các búi tĩnh mạch hậu môn bị giãn quá mức, gây sưng viêm hoặc ứ huyết tạo thành các búi trĩ. Bệnh trĩ không quá nguy hiểm đến sức khỏe nhưng gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
– Suy nhược cơ thể: Rối loạn chức năng tiêu hoá sẽ làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng. Cơ thể mệt mỏi, chán ăn. Hơn thế nữa, việc kiêng khem cẩn thận trong chế độ ăn uống để kiểm soát bệnh cũng khiến cơ thể không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nếu tình trạng này kéo dài rất dễ dẫn đến tình trạng sụt cân, suy nhược cơ thể.
– Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng của bệnh không chỉ tác động xấu đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và làm việc. Các bất tiện trong cuộc sống, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán nản thậm chí là trầm cảm.
5. Điều trị hội chứng ruột kích thích như thế nào?
Do nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng nên việc điều trị hội chứng ruột kích thích sẽ tập trung vào việc giảm các triệu chứng bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Nhưng nếu các triệu chứng bệnh ở mức độ trung bình hoặc nặng thì việc thay đổi lối sống là chưa đủ mà cần phải kết hợp với điều trị bằng thuốc.
5.1 Thay đổi chế độ dinh dưỡng
– Bổ sung nhiều các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng không làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa như cá hồi, trứng, thịt gà,…
– Uống đủ nước mỗi ngày (2-2,5 lít), giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, làm mềm phân hoặc tránh mất nước do tiêu chảy.
– Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm gây đầy bụng, sinh hơi, khó tiêu như nước uống có ga, bắp cải, bông cải xanh, bông cải trắng,..
– Để cải thiện tình trạng tiêu chảy, người bệnh nên tránh sử dụng các loại thực phẩm có chứa gluten như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen,..
– Tránh sử dụng các loại thực phẩm đã có tiền sử dị ứng hoặc có nguy cơ dị ứng cao.
5.2 Điều chỉnh lối sống
– Ăn uống đều đặn, không nên bỏ bữa và cố gắng ăn trong cùng một khoảng thời gian mỗi ngày giúp điều chỉnh chức năng ruột.
– Tập thể dục thường xuyên giúp thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Đồng thời nó còn giúp kích thích đường ruột co thắt bình thường, giúp cải thiện triệu chứng bệnh.
– Ngủ đủ giấc và đúng giờ, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan và cân bằng thời gian làm việc – nghỉ ngơi để giảm áp lực lên hệ thần kinh trung ương.
– Luyện tập thói quen đi đại tiện một lần trong ngày và vào thời gian cố định.
– Điều trị dứt điểm các bệnh lý viêm đại tràng, viêm dạ dày, rối loạn nội tiết.
5.3 Điều trị bằng thuốc
Trong trường hợp các triệu chứng bệnh không được cải thiện sau khi đã điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống thì việc kết hợp với điều trị bằng thuốc là cần thiết. Một số loại thuốc bác sĩ có thể kê bao gồm: thuốc nhuận tràng (điều trị táo bón), thuốc điều trị tiêu chảy, thuốc giảm đau chống co thắt, thuốc chống trầm cảm,.. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không được tự ý mua hay bỏ thuốc để có kết quả tốt nhất và tránh tác dụng phụ xảy ra.
Hy vọng với bài viết trên đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về hội chứng ruột bị kích thích là gì, triệu chứng và cách điều trị bệnh hiệu quả. Đây là bệnh lý không quá nguy hiểm và có thể kiểm soát bằng việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và dùng thuốc. Nhưng không vì thế mà chủ quan vì nếu để bệnh kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý và chất lượng cuộc sống.