Bệnh lý thai ngoài tử cung là một bệnh lý nguy hiểm đối với sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi làm gì khi chửa ngoài tử cung thật hiệu quả và dứt điểm, tránh gây biến chứng. Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu thêm về chủ đề này qua bài viết bên dưới đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Phát hiện bệnh lý thai ngoài tử cung bằng cách nào?
Thai ngoài tử cung là một trong những bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa tới sức khỏe cũng như tính mạng của phụ nữ. Do đó, chị em cần phải hết sức cẩn trọng với bệnh lý này. Để phát hiện ra thai ngoài tử cung, chị em cần lưu ý tới một số dấu hiệu bất thường như sau:
– Chậm kinh: mặc dù chậm kinh là hiện tượng đầu tiên báo hiệu phụ nữ có thai, tuy nhiên đối với trường hợp thai ngoài tử cung, chậm kinh nhưng siêu âm không thấy dấu hiệu thai làm tổ ở bên trong buồng tử cung. Trong một số trường hợp, thai đã tạo phôi thành công tuy nhiên làm tổ muộn bên trong tử cung. Nhưng đa số trong khoảng 5 – 8 tuần là thai đã làm tổ ở tử cung. Nếu vượt quá thời gian này mà chưa quan sát thấy túi thai thì khả năng cao là chị em đã bị chửa ngoài dạ con.
– Hiện tượng xuất huyết vùng âm đạo đi kèm với triệu chứng đau bụng dưới: mặc dù có một số trường hợp phụ nữ bị đau bụng ở thời điểm mới có thai. Tuy nhiên, nếu như bị thai ngoài tử cung, hiện tượng đau bụng dưới này sẽ đi kèm với việc xuất huyết âm đạo kéo dài. Chị em cần lưu ý nếu như có các cơn đau kéo dài, đau thiên về một bên, máu âm đạo xuất ra có màu đỏ sẫm thì nên lập tức đi thăm khám bác sĩ để loại trừ khả năng bị chửa ngoài tử cung.
– Trong trường hợp khối thai bị vỡ ra thì sẽ gây nên một số triệu chứng như: đau bụng dữ dội, toát mồ hôi liên tục, mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu,…
Tùy thuộc vào triệu chứng của mỗi người mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân điều trị bệnh lý chửa ngoài tử cung bằng cách: sử dụng thuốc nội khoa, phẫu thuật mổ nội soi, phẫu thuật mổ mở.
2. Phương pháp điều trị bệnh lý chửa ngoài tử cung như thế nào?
2.1. Làm gì khi chửa ngoài tử cung?
Đầu tiên, khi nghi ngờ bệnh nhân bị chửa ngoài tử cung, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số bước xét nghiệm như:
– Xét nghiệm lấy máu để kiểm tra nồng độ beta HCG trong máu. Nồng độ này nếu tăng lên thì báo hiệu bạn đã có thai.
– Siêu âm: lúc này, việc siêu âm đóng vai trò quan trọng, giúp quan sát xem túi thai ở bên trong buồng tử cung hay nằm bên ngoài. Nếu ở bên ngoài thì siêu âm để phát hiện vị trí thai làm tổ, cũng như xác định kích thước phôi thai to hay nhỏ. Trong trường hợp thai đã có hiện tượng vỡ thì siêu âm sẽ quan sát được máu chảy ra trong ổ bụng.
– Nội soi ở bụng cũng là một biện pháp bác sĩ có thể chỉ định để phát hiện bệnh lý chửa ngoài tử cung. Phương pháp này giúp quan sát kỹ lưỡng toàn bộ bên trong ổ bụng phụ nữ.
2.2. Làm gì khi chửa ngoài tử cung? Những phương pháp điều trị chửa ngoài phổ biến hiện nay
Thai ngoài tử cung càng được phát hiện và điều trị sớm thì càng giúp đảm bảo an toàn sức khỏe nói chung cũng như sức khỏe sính sản nói riêng cho phụ nữ. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp điều trị nào lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sức khỏe của bệnh nhân, tình trạng của khối chửa, cũng như mong muốn của bệnh nhân.
2.2.1. Phương pháp sử dụng thuốc nội khoa để điều trị chửa ngoài tử cung
Đây là một trong những phương pháp phổ biến hay được sử dụng để điều trị bệnh lý chửa ngoài. Trong trường hợp khi khối chửa ngoài chưa có dấu hiệu bị vỡ, đường kính của khối chửa nhỏ hơn 3cm, thì bác sĩ sẽ thường chỉ định cho bệnh nhân tiêm thuốc nội khoa. Phương pháp này sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển lớn lên của thai nhi, ngăn cản sự phân chia các tế bào, từ đó khiến cho khối chửa dần dần nhỏ lại và tiêu biến.
Ưu điểm của phương pháp sử dụng thuốc nội khoa này đó là:
– Tỉ lệ thành công khá cao (lớn hơn 90%), nhất là đối với những khối thai còn nhỏ.
– Không cần can thiệp biện pháp phẫu thuật cũng như ảnh hưởng của thuốc mê trong phẫu thuật.
– Bảo tồn được khả năng sinh sản, cơ quan sinh sản.
– Không cần phải nằm viện mà có thể điều trị ngoại trú.
Nhược điểm của phương pháp sử dụng thuốc nội khoa đó là:
– Thời gian theo dõi và tái khám kéo dài lâu hơn so với việc phẫu thuật, thường kéo dài từ 2 đến 6 tuần.
– Nếu bệnh nhân không sử dụng được thuốc hoặc thuốc không đáp ứng với tình trạng bệnh thì có thể sẽ phải tiêm thêm những liều thuốc khác hoặc chuyển phẫu thuật.
– Gây ra một số tác dụng phụ như: buồn nôn, tê tay chân, mệt mỏi, rụng tóc,…
2.2.2. Phương pháp sử dụng mổ nội soi để điều trị thai ngoài tử cung
Phương pháp này áp dụng với những trường hợp khối chửa ngoài có kích thước lớn, nhưng chưa có dấu hiệu bị vỡ.
Một số ưu điểm của mổ nội soi điều trị chửa ngoài dạ con đó là:
– Thời gian điều trị nhanh, bệnh được điều trị dứt điểm.
– Bệnh nhân không phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh.
– Thời gian theo dõi sau phẫu thuật ngắn hơn sử dụng thuốc nội khoa.
– Tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo lớn, không gây mất thẩm mĩ.
– Chi phí thấp hơn so với phẫu thuật mổ mở.
Thông thường, nếu như khối chửa ngoài chưa bị vỡ ra thì các bác sĩ sẽ có thể chỉ định cho bệnh nhân có thể thực hiện mổ nội soi ngay. Nếu như khối chửa đã bị vỡ ra thì cần mổ mở để cấp cứu ngay lập tức.
2.2.3. Phương pháp mổ mở để điều trị thai ngoài tử cung
Trong các trường hợp khối chửa ngoài đã có dấu hiệu vỡ ra thì các bác sĩ bắt buộc phải chỉ định cho bệnh nhân sử dụng phương pháp mổ mở để điều trị thai ngoài tử cung. Phương pháp cấp cứu này sẽ gây ra một số nhược điểm đối với bệnh nhân như:
– Gây đau đớn nhiều cho bệnh nhân, đặc biệt là khi khối chửa vỡ ra và sau khi phẫu thuật mổ xong.
– Bệnh nhân phải sử dụng nhiều kháng sinh trong và sau khi mổ.
– Nguy cơ bị dính vùng bụng sau khi mổ xong cũng cao hơn các phương pháp khác.
– Thời gian nằm viện kéo dài hơn so với phẫu thuật mổ nội soi.
Mặc dù gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân, tuy nhiên phương pháp mổ mở là phương pháp nhanh chóng và tối ưu nhất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.
Trên đây là những thông tin quan trọng chị em cần biết về hiện tượng thai ngoài tử cung bị vỡ. Liên hệ ngay với tổng đài của Thu Cúc TCI nếu bạn cần tư vấn thêm thông tin hoặc đặt lịch thăm khám bác sĩ chuyên khoa nhé.