Hở van tim 3 lá có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Hở van tim 3 lá là bệnh lý tim mạch có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bạn sẽ có nguy cơ bị suy tim, rung nhĩ, tăng áp động mạch phổi, viêm nội tâm mạc… Vậy hở van tim 3 lá có nguy hiểm không? Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin giúp bạn giải quyết vấn đề này.

1. Hở van tim 3 lá là gì?

Hở van tim 3 lá là tình trạng van 3 lá không đóng đủ chặt làm chó máu chảy ngược vào buồng tâm nhĩ phải khi tâm thất phải co bóp. Lâu dài, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lại lượng máu bị trào ngược, từ đó trở nên suy yếu dần, gây ra hiện tượng suy tim hay nhồi máu cơ tim đe dọa đến tính mạng người bệnh.

hở van tim 3 lá là gì

Hở van tim 3 lá nếu không được điều trị sớm có thể gây rung nhĩ, suy tim ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh

2. Nguyên nhân gây hở van tim 3 lá

Nguyên nhân phổ biến gây ra hở van tim 3 lá là do sự giãn nở bất thường của tâm thất phải trong các bệnh lý như suy tim trái, bệnh giãn cơ tim, tăng huyết áp động mạch phổi, hẹp động mạch phổi…

Hở van tim 3 lá cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau như: Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, bệnh tim bẩm sinh, U tim, Lupus ban đỏ, bệnh lý thấp khớp, viêm khớp dạng thấp hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân sẽ giúp quá trình điều trị bệnh hở van tim 3 lá đạt hiệu quả cao hơn. Người bệnh có thể giảm nhẹ những triệu chứng của bệnh cũng như ngăn ngừa hở van tiến triển.

3. Hở van tim 3 lá nguy hiểm như thế nào?

3.1 Mức độ của hở van tim 3 lá

Đối với hở van tim 3 lá cũng sẽ được chia thành 4 mức độ khác nhau, tùy thuộc vào độ hở sẽ có mức đánh giá nguy hiểm riêng.

– Hở van tim 3 lá 1/4: Thường là hở van sinh lý, thuộc mức nhẹ nhất, bạn không cần điều trị mà chủ yếu là tạo lối sống lành mạnh và kiểm soát mức độ hở van.

– Hở van tim 3 lá 2/4: Đây là mức độ trung bình của hở van tim, bạn chưa cần điều trị nhưng cần tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng. Nếu người bệnh có kèm theo các triệu chứng hoặc các bệnh lý như: Thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thấp tim… Thì cần phải điều trị.

– Hở van 3 lá 3/4: Đây là mức độ hở van tim nặng, các triệu chứng xuất hiện rõ ràng và có thể rất nặng nề. Người bệnh lúc này cảm thấy khó thở, mệt mỏi, khó khăn khi làm việc hay đi lại. Thậm chí sử dụng những việc cần gắng sức thông thường như leo cầu thang cũng rất khó khăn.

– Hở van 3 lá 4/4: Đây là mức độ hở van nặng nhất, nếu bệnh nhân không còn đáp ứng với thuốc điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định mổ để sửa chữa hoặc thay van tim nhân tạo.

3.2. Các nguy cơ biến chứng khi hở van tim

Khi mức độ hở van tim 3 lá ngày càng nặng hơn, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:

– Suy tim: Khi hở van 3 lá nặng, áp lực trong tâm thất phải tăng cao, tâm nhĩ phải sau một thời gian sẽ dần dãn rộng ra. Khi đó, tim buộc phải làm việc nhiều hơn để bù lại lượng máu bị thiếu hụt, về lâu dài sẽ dẫn tới suy tim.

– Rung tâm nhĩ: Đây là biến chứng nguy hiểm của việc hở van tim 3 lá nặng. Rung tâm nhĩ làm tim đập nhanh kịch phát ( có thể lên tới 160 nhịp/ phút) làm tăng nguy cơ đột quỵ do các cục máu đông.

Không chỉ vậy, hở van tim 3 lá cũng có thể khiến người bệnh bị sụt cân nhanh, mất cảm giác ngon miệng, xơ gan, có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và nhiễm trùng tim.

Bị hở van tim 3 lá có nguy hiểm không

Rung nhĩ là biến chứng nguy hiểm, khiến tim đập rất nhanh và người bệnh có nguy cơ tử vong

4. Phòng ngừa và giảm nguy cơ biến chứng khi bị hở van tim 3 lá

Hở van tim 3 lá có nguy hiểm không là do cách bạn chủ động phòng ngừa và giảm biến chứng nguy cơ. Chính vì vậy, người bệnh cần chú ý đến những thói quen sống và áp dụng đúng cách điều trị để đảm bảo sức khỏe tim mạch ổn định.

4.1 Điều chỉnh lối sống lành mạnh

Lối sống lành mạnh không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn là chìa khóa giúp bạn đẩy lùi mọi bệnh tật. Do vậy, bạn nên duy trì các thói quen tốt và cải thiện những thói quen xấu:

– Tăng cường vận động thể chất: Các chuyên gia tim mạch khuyên bạn nên tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập thể dục phù hợp tình trạng sức khỏe. Bạn nên tập với cường độ vừa phải và tăng dần từ từ, không nên tập quá sức.

– Chăm sóc răng miệng: Nên thăm khám răng miệng thường xuyên, thông báo cho bác sĩ biết mình bị hở van tim 3 lá khi chuẩn bị thực hiện bất kỳ động tác nào đến răng miệng như nhổ răng.

– Tránh căng thẳng thần kinh: Bạn có thể buông bỏ bớt áp lực của công việc để giảm căng thẳng, đồng thời cho phép bản thân được nghỉ ngơi trong thời gian điều trị. Hãy chia sẻ những khó khăn hay vui buồn cùng người thân để bản thân cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

4.2 Áp dụng điều trị hiệu quả

Để điều trị hở van 3 lá, tùy vào tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật sao cho phù hợp.

– Điều trị bằng thuốc: Điều trị bằng thuốc được áp dụng cho bệnh nhân hở van tim mức độ trung bình và nhẹ, mặc dù không thể giúp van tim đóng mở hoàn toàn như trước nhưng sẽ giúp cải thiện các triệu chứng như ho, mệt mỏi, khó thở, đau ngực… Và ngăn ngừa nguy cơ tiến triển nặng của bệnh.

– Phẫu thuật tim: Nếu tình trạng hở van nặng không thể đáp ứng được thuốc điều trị, bạn có thể được chỉ định phẫu thuật để sửa van 3 lá. Tùy thuộc vào mức độ hở van mà bạn được chỉ định sửa chữa hoặc thay van tim nhân tạo.

áp dụng điều trị hiệu quả

Tùy thuộc vào tình trạng hở van tim, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật

Để có một trái tim khỏe mạnh, tốt nhất bạn nên duy trì những thói quen tốt và cải thiện những thói quen xấu ảnh hưởng đến tim mạch. Đừng quên thăm khám định kỳ 3 – 6 tháng một lần tại các chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital