Hiểu về viêm đại tràng giả mạc

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm đại tràng giả mạc là tình trạng nhiễm khuẩn đại tràng do vi khuẩn Clostridium difficile gây lên. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng vỡ đại tràng, viêm phúc mạc… gây nguy hiểm đến tính mạng.

1. Bệnh viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi nào?

Viêm đại tràng giả mạc là bệnh lý tiêu hóa đặc biệt, xảy ra ở một số người sau khi sử dụng một số loại kháng sinh. Bệnh cũng có thể liên quan đến suy giảm miễn dịch vì nhiều lý do và thường gặp hơn ở người trên 65 tuổi. 

Khi này, hệ vi khuẩn bình thường tại đường ruột bị phá vỡ gây nên sự tăng trưởng quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile. Vi khuẩn này tiết ra độc tố gây kích ứng ruột, khi tác động vào niêm mạc đại tràng sẽ tạo thành lớp màng trắng bám vào thành ruột (gọi là giả mạc). Sau khi lớp giả mạc bong ra sẽ gây viêm loét, thậm chí chảy máu đại tràng.

Viêm đại tràng giả mạc thường có mối liên hệ với tiền căn sử dụng kháng sinh.

Viêm đại tràng giả mạc thường có mối liên hệ với tiền căn sử dụng kháng sinh.

2. Nhận biết triệu chứng viêm đại tràng giả mạc

Dấu hiệu viêm đại tràng giả mạc có thể xuất hiện chỉ sau 1-2 ngày sử dụng kháng sinh, cũng có khi là vài tuần sau khi bệnh nhân đã dừng liệu trình.

Tùy vào mức độ bệnh và sức đề kháng của từng trường hợp mà triệu chứng bệnh có thể biểu hiện khác nhau. 

Người bệnh nhiễm trùng từ nhẹ đến vừa có thể nhận thấy các triệu chứng như: tiêu chảy 3 lần/ngày kéo dài từ 2 ngày trở lên, đau quặn bụng, cơ thể mất nước. Khám cận lâm sàng có thể phát hiện nhiễm trùng nặng, có dấu hiệu viêm ruột kết, có khi hình thành các mảng mô thô gây chảy máu, tạo mủ.

Trường hợp nhiễm trùng nặng, bệnh nhân thường bị tiêu chảy từ 10-15 lần/ngày gây mất nước trầm trọng, có thể có máu hoặc mủ trong phân. Bụng đau quặn, đau có thể tăng lên. Ngoài ra, cũng ghi nhận các trường hợp người bệnh bị sốt, nhịp tim tăng nhanh, sưng bụng, thậm chí suy thận. Khi xét nghiệm có thể thấy số lượng bạch cầu tăng đột biến. Viêm đại tràng giả mạc mức độ nặng có thể dẫn đến phình đại tràng nhiễm độc và nhiễm trùng huyết.

Tiêu chảy là dấu hiệu nhận biết sớm bệnh viêm đại tràng giả mạc.

Tiêu chảy là dấu hiệu nhận biết sớm bệnh viêm đại tràng giả mạc.

3. Nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc

3.1 Sử dụng thuốc kháng sinh

Như đã đề cập, việc sử dụng một số loại kháng sinh có thể phá vỡ thế cân bằng tự nhiên của các loại vi khuẩn trong đường ruột. Các vi khuẩn gây hại (nhiều nhất là  C. difficile) tăng lên nhanh chóng lấn át các vi khuẩn có lợi. Chúng tiết ra lượng độc tố cao gây tổn thương đại tràng. 

Trên thực tế, nguy cơ viêm đại tràng giả mạc có thể đến từ việc sử dụng bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào. Tuy nhiên có sự liên quan mật thiết hơn có thể kể đến: Clindamycin, ampicillin, cephalosporins; Cephalosporins thế hệ hai, ba đặc biệt như cefotaxime, ceftriaxone, cefuroxime, cefixime; Fluoroquinolone như ciprofloxacin, levofloxacin và moxifloxacin; Penicillin như amoxicillin và ampicillin…

3.2 Hoá trị – điều trị ung thư gây viêm đại tràng giả mạc

Bên cạnh thuốc kháng sinh, sử dụng thuốc hoá trị để điều trị ung thư cũng có thể là nguyên nhân làm khởi phát bệnh do mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột,

3.3 Do nguyên nhân bệnh lý

Nguy cơ viêm đại tràng giả mạc cũng tăng cao hơn ở những người từng bị bệnh viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn

4. Điều trị 

4.1 Điều trị viêm đại tràng giả mạc bằng phác đồ y khoa

Các bác sĩ cảnh báo, ở giai đoạn đầu, viêm đại tràng giả mạc biểu hiện triệu chứng khá nghèo nàn, dễ nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa thông thường nên người bệnh thường chủ quan không thăm khám. Điều này khiến hầu hết các ca bệnh khi nhập viện đều trong tình trạng nhiễm trùng nặng, cơ thể suy kiệt. Đáng chú ý, bệnh có thể biến chứng nghiêm trọng như thủng đại tràng, viêm phúc mạc, nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, người bệnh ngay khi phát hiện các dấu hiệu tiêu đau quặn bụng, tiêu chảy phân nước, phân máu nhiều lần trong ngày…nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời ngăn ngừa biến chứng. Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.

Ngưng các loại thuốc kháng sinh đang dùng 

Thuốc kháng sinh được xác định là tác nhân chính trong hầu hết các trường hợp viêm đại tràng giả mạc. Do đó ngưng sử dụng kháng sinh được coi là bước đầu tiên trong quá trình điều trị, nhằm giải quyết triệu chứng bệnh hoặc ít nhất là tình trạng tiêu chảy. 

Chuyển sang một loại kháng sinh khác để tiêu diệt C. difficile

Trường hợp người bệnh đã ngưng thuốc nhưng vẫn gặp phải các triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định một loại khác sinh khác có tác dụng chống lại vi khuẩn C. difficile. Loại thuốc này sẽ tấn công vi khuẩn gây hại đường ruột và cho phép các vi khuẩn khác phát triển trở lại, giúp cân bằng hệ vi khuẩn tại đại tràng.

Cấy ghép phân (Fecal microbiota transplantation – FMT)

Nếu viêm đại tràng ở mức độ nặng, cấy ghép phân sẽ được chỉ định với mục tiêu khôi phục lại sự cân bằng của hệ vi khuẩn tại ruột già. Kỹ thuật này là sự chuyển giao các vi sinh vật có trong phân người hiến tặng khỏe mạnh sang bệnh nhân mắc bệnh thông qua thụt tháo hoặc ống thông mũi họng, viên uống…

Trước khi được cấy ghép, phân người hiến được tiến hành sàng lọc và xét nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo rằng không có vi khuẩn gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Trước khi được cấy ghép, phân người hiến được tiến hành sàng lọc và xét nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo rằng không có vi khuẩn gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Phẫu thuật

Trường hợp bệnh nhân bị suy nội tạng, vỡ đại tràng, viêm phúc mạc, phẫu thuật sẽ được chỉ định.

4.2 Chăm sóc tại nhà 

Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ y khoa, một số gợi ý sau đây có thể giúp ích cho quá trình hồi phục của người bệnh tại nhà:

Uống nhiều nước: Nước lọc là tốt nhất, tuy nhiên người bệnh có thể bổ sung thêm dung dịch điện giải. 

Ăn các thực phẩm nhẹ bụng, dễ tiêu: như súp, cơm và bánh mì. Đồng thời hạn chế tối đa các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ để tránh làm tăng nặng các triệu chứng bệnh. 

Chú ý, người bệnh bị tiêu chảy không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy vì điều này có thể ngăn nhiễm trùng được đào thải ra khỏi cơ thể của bạn.

Bạn cũng cần rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay sau khi cầm nắm các đồ vật dễ tập trung vi khuẩn. Vệ sinh các bề mặt, không gian sống cũng là việc nên làm để tránh lây lan nhiễm trùng.

Người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều hơn. Bạn nên tĩnh dưỡng tại nhà ít nhất 2 ngày kể từ sau đợt tiêu chảy cuối cùng kết thúc. 

Do bệnh có khả năng diễn tiến nhanh và tái lại trong vòng vài tuần sau điều trị, người bệnh cần chủ động liên lạc ngay với bác sĩ nếu phát hiện các triệu chứng quay lại. 

Viêm đại tràng giả mạc mức độ nặng có thể dẫn đến loạt biến chứng nguy hiểm như: cơ thể suy kiệt, mất nước do tiêu chảy, thủng ruột kết dẫn đến viêm phúc mạc,… Do vậy, việc nắm bắt các thông tin cơ bản về căn bệnh này là rất cần thiết nhằm dự phòng các tình huống bệnh nguy hiểm.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital