Tầm soát ung thư vòm họng là biện pháp giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó gia tăng tỷ lệ sống và giảm thiểu tối đa các biến chứng nguy hiểm. Có nhiều phương pháp thăm khám được áp dụng, một trong số đó là xét nghiệm máu tầm soát ung thư vòm họng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đã hiểu rõ về phương pháp này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao cần tầm soát (sàng lọc) ung thư vòm họng?
Ung thư vòm họng là loại ung thư xuất hiện ở vòm họng (phần trên của cổ họng phía sau mũi) bởi các tế bào phát triển quá mức. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, năm 2020, ung thư vòm họng thuộc danh sách 36 bệnh ung thư phổ biến. Trong đó, khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ mắc cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh ung thư vòm họng thường cao gấp 3 lần so với nữ giới.
Hiện nay, đa số bệnh nhân mắc ung thư vòm họng thường được phát hiện vào giai đoạn muộn, khi kích thước khối u đã phát triển lớn, di căn hoặc lây lan tới các hạch cũng như các cơ quan khác trong cơ thể. Nguyên nhân là bởi bệnh ung thư vòm họng thường không có các dấu hiệu nổi bật, không có tính đặc thù nên thường dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp trên khác.
Do đó, việc tiến hành tầm soát ung thư vòm họng là biện pháp hữu hiệu để giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó gia tăng tỷ lệ sống và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm.
2. Giúp bạn hiểu về phương pháp xét nghiệm máu tầm soát ung thư vòm họng
2.1. Xét nghiệm máu tầm soát ung thư vòm họng có khẳng định được ung thư không?
Thực tế, phương pháp xét nghiệm máu thường không được chỉ định để xác định chẩn đoán chính xác bệnh ung thư vòm họng, nhưng có thể chỉ định nhằm xác định mức độ lây lan của bệnh ung thư vòm họng. Ngoài ra, chỉ số xét nghiệm EBV hoặc SCC sẽ đóng vai trò đó là chỉ điểm gợi ý nguy cơ mắc bệnh ung thư. Cụ thể:
– Xét nghiệm công thức máu: giúp xác định tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, chẩn đoán những vấn đề về dinh dưỡng, thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp), bệnh gan và thận. Qua đó, dự đoán khả năng di căn của ung thư tới gan hoặc xương trước khi tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu.
– Xét nghiệm nồng độ kháng thể virus EBV ở trong máu: xét nghiệm này được thực hiện trước và sau khi điều trị để giúp bác sĩ xác định hiệu quả của quá trình điều trị ung thư vòm họng.
– Xét nghiệm SCC: giúp bác sĩ xác định được nồng độ kháng nguyên ung thư tế bào vảy.
2.2. Một số phương pháp thường được thực hiện cùng xét nghiệm máu tầm soát ung thư vòm họng
Như đã chia sẻ ở trên, phương pháp xét nghiệm máu sàng lọc ung thư vòm họng chỉ đóng vai trò phát hiện các chỉ điểm ung thư,… Vì vậy, để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ sẽ thường chỉ định cho bệnh nhân thực hiện thêm các phương pháp khám cận lâm sàng khác bao gồm:
Nội soi tai mũi họng
Có 2 kỹ thuật nội soi thường được áp dụng là:
– Nội soi gián tiếp: bác sĩ sẽ sử dụng gương nhỏ đặc biệt và đèn sáng để tiến hành soi vòm họng và vùng lân cận.
– Nội soi trực tiếp: một ống nội soi mềm gắn camera và đèn sẽ được đưa qua mũi để bác sĩ quan sát niêm mạc của vùng mũi họng. Trước khi tiến hành, thuốc tê có thể được xịt vào mũi để giúp cho quá trình nội soi dễ dàng hơn.
Sinh thiết
Các loại sinh thiết khác nhau có thể được thực hiện phụ thuộc vào khu vực bất thường. Các tế bào khối u sẽ được tiến hành lấy và quan sát dưới kính hiển vi.
– Sinh thiết nội soi: mẫu mô tế bào vòm họng được lấy ra ngoài thông qua ống nội soi khi bác sĩ sử dụng ống nội soi để quan sát phần phía trong của vòm họng.
– Sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ: được thực hiện khi xuất hiện khối u đáng ngờ ở trong hoặc gần vùng cổ. Vùng da chọc kim có thể được tiến hành gây tê tại chỗ hoặc không. Một cây kim rất mỏng, rỗng sẽ được gắn vào ống tiêm để có thể lấy một lượng dịch và các mảnh mô nhỏ của khối u.
Chẩn đoán hình ảnh
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp tìm ra vị trí nghi ngờ có thể là bị ung thư, kiểm tra tình trạng di căn hoặc xác định được hiệu quả của quá trình điều trị. Cụ thể:
– Chụp X-quang ngực: giúp kiểm tra tình trạng ung thư vòm họng đã di căn đến phổi hay chưa.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT): giúp xác định vị trí, kích thước và hình dạng khối u, đồng thời tìm kiếm mở rộng hạch bạch huyết bị ung thư. Chụp CT còn mang tới giá trị trong việc giúp kiểm tra ung thư vòm họng đã xâm lấn vào xương đáy sọ hay chưa.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): giúp xác định ung thư vòm họng có xâm lấn vào mô mềm gần vòm họng hay không.
– Chụp cắt lớp phát xạ (PET): giúp xác định ung thư đã di căn tới hạch bạch huyết chưa.
Hiện nay, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã và đang triển khai gói tầm soát ung thư vòm họng với đầy đủ các danh mục cần thiết. Tại TCI, bạn sẽ được thăm khám trực tiếp cùng đội ngũ bác sĩ hàng đầu và hệ thống máy móc hiện đại, dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp,… Qua đó giúp người dân phát hiện bệnh lý ung thư từ sớm trước khi chưa có triệu chứng, đem lại hiệu quả điều trị và cơ hội phục hồi bệnh cao.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về phương pháp xét nghiệm máu sàng lọc ung thư vòm họng sớm. Đừng quên tiến hành thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh sớm và điều trị ngay khi còn có thể nhé!