Bệnh hẹp van tim 2 lá không chỉ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó thở, tức ngực mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim phải, phù phổi, tai biến mạch máu não nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết sau đây sẽ cung cấp các kiến thức cơ bản về bệnh hẹp van 2 lá, mời bạn cùng tham khảo để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh lý này.
Menu xem nhanh:
1. Hẹp van tim 2 lá là gì?
Hẹp van tim 2 lá là tình trạng van 2 lá không thể mở hoàn toàn khi máu đổ về tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Việc này khiến cho một lượng máu bị ứ lại tại tâm nhĩ trái, làm tăng áp lực lên tâm nhĩ trái khiến cho máu ứ đọng ở phổi gây khó thở. Lâu dần, máu ứ đọng tại phổi làm tăng áp động mạch phổi gây biến chứng suy tim phải.
2. Nguyên nhân gây van tim 2 lá bị hẹp
Đối với người trưởng thành, tình trạng van 2 lá bị hẹp thường do sốt thấp khớp hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn gây ra. Các tình trạng này khiến van tim dày lên và dính vào nhau. Hậu quả là van tim bị hẹp sau khoảng 5 – 10 năm mắc bệnh nếu không được điều trị hiệu quả.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác cũng khiến hẹp dính van tim 2 lá ở người trưởng thành bao gồm:
– Vôi hóa van tim do canxi tích tụ quanh van hai lá
– Xạ trị ở vùng ngực
– Bệnh Lupus ban đỏ
– Bệnh ciêm khớp dạng thấp
– Hội chứng rối loạn nội tiết
Riêng đối với các trường hợp ở trẻ nhỏ, hẹp van 2 lá thường là dị tật tim bẩm sinh như van 2lá hình dù, vòng thắt trên van hai 2 hoặc căn bệnh thứ phát sau khi mắc bệnh tim bẩm sinh khác.
3. Triệu chứng hẹp van 2 lá
Bệnh hẹp van 2 lá thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm nên hầu như ở giai đoạn đầu sẽ không phát hiện bất cứ triệu chứng gì. Bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện bệnh thông qua thăm khám siêu âm tim. Khi bệnh tiến triển nặng dần, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng thường xuyên và rõ rệt hơn như:
– Khó thở khi hoạt động gắng sức, khi nằm, khi mới ngủ dậy hoặc nguy hiểm hơn là cơn khó thở kịch phát về đêm
– Tim đập nhanh, hồi hộp. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể thường xuyên bị chóng mặt và dễ choáng, ngất.
– Đuối sức, mau mệt khi hoạt động gắng sức như leo cầu thang, chạy bộ, đạp xe…
– Đau tức ngực, có thể lan tỏa lên cánh tay, cổ tay, xương hàm. Cơn đau nặng hơn khi gắng sức và giảm dần khi nghỉ ngơi
– Ho nhiều, có thể ho ra máu
– Dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp
– Gan to, tĩnh mạch nổi ở cổ
Đối với trẻ sơ sinh, tình trạng hẹp van 2 lá có thể xuất hiện ngay từ khi mới sinh và tiến triển trong vòng 2 năm sau đó với các triệu chứng như: ho, bú kém, đổ mồ hôi khi ăn, chậm lớn, khó thở.
4. Hẹp van 2 lá có thực sự nguy hiểm?
Hẹp van 2 lá là bệnh lý nguy hiểm bởi người bệnh luôn phải đối mặt với các biến chứng cấp tính, ngay cả khi chưa phát hiện hoặc đang trong quá trình điều trị. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thậm chí là tính mạng người bệnh.
4.1 Tăng áp lực động mạch phổi, phù phổi
Khi van hai lá bị hẹp, máu bị ứ tại nhĩ trái và làm tăng áp lực ở động mạch phổi. Lâu dần khi áp lực tăng cao, máu sẽ trào ngược vào phổi gây phù phổi cấp. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở dữ dội, vật vã, trào bọt hồng… Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
4.2 Suy tim phải do hẹp van tim 2 lá
Lý giải về điều này, các chuyên gia cho biết: Khi van 2 lá bị hẹp sẽ dẫn đến tăng áp động mạch phổi. Áp lực động mạch phổi tăng đồng nghĩa tim phải làm việc nhiều hơn để tống máu đi. Lâu dần, khả năng bơm máu của tim sẽ giảm dần và hệ quả sau cùng là gây suy tim phải. Nếu không điều trị, suy tim phải sẽ lan dần sang suy tim trái và suy toàn bộ tim.
4.3 Rung tâm nhĩ do hẹp van tim 2 lá
Máu ứ tại nhĩ trái trong một khoảng thời gian khiến buồng tim bị giãn nở, gây ra rối loạn nhịp tim, tim đập bất thường, rung nhĩ. Theo thống kê, có hơn 1 nửa số bệnh nhân có van tim 2 lá hẹp có kèm rung nhĩ kịch phát hoặc mạn tính. Rung nhĩ sẽ làm thúc đẩy quá trình suy tim, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
4.4 Hình thành cục máu đông
Thời gian ứ đọng máu càng lâu, khả năng hình thành các cục máu đông trong tâm nhĩ càng lớn. Các cục máu đông di chuyển và có thể bị tắc nghẽn, gây ra các hậu quả vô cùng nghiêm trọng như nhồi máu não, tắc mạch máu, đột quỵ.
5. Điều trị hẹp van 2 lá ra sao?
5.1 Nguyên tắc điều trị
Thông thường, nếu người bệnh hẹp van 2 lá nhưng chưa có triệu chứng gì thì không cần điều trị. Nhưng nếu xuất hiện triệu chứng với các mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc. Cũng tương tự các bệnh lý về van tim khác, việc điều trị bằng thuốc không giúp bạn chữa khỏi hoàn toàn những hư hỏng trong cấu trúc van tim nhưng có thể giúp bạn cải thiện triệu chứng, phòng ngừa hoặc giảm một số biến chứng của bệnh.
Trong trường hợp các loại thuốc không đáp ứng điều trị, các bác sĩ có thể xem xét các biện pháp khác để điều trị bệnh lý này.
5.2 Các loại thuốc điều trị hẹp van 2 lá
– Thuốc chống đông máu: ngăn hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim
– Thuốc chẹn beta: làm chậm nhịp tim và cải thiện khả năng bơm máu của tim.
– Thuốc chống loạn nhịp: giúp kiểm soát cơ rung nhĩ và rối loạn nhịp tim
– Thuốc lợi tiểu: giúp giảm tích tụ dịch trong phổi và giảm bớt ho phù
– Thuốc kháng sinh: thường được sử dụng cho bệnh nhân sốt thấp khớp hoặc dùng trước khi tiến hành các thủ thuật xâm lấn như nhổ răng, nội soi dạ dày…
Tuy nhiên, bất cứ loại thuốc nào được sử dụng đều phải được bác sĩ kê đơn sau khi thăm khám và được tuân thủ nghiêm ngặt.
Bệnh hẹp van tim 2 lá là bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện từ sớm và có hướng điều trị đúng cách. Thăm khám định kỳ là chìa khóa giúp nhiều người bệnh hẹp van tim cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ suy tim và các biến chứng nặng nề khác.