Các phương pháp phổ biến điều trị hẹp van tim 2 lá

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Hầu hết các van tim đều có nguy cơ bị hẹp, nhưng thường gặp nhất ở van 2 lá và van 3 lá. Bài viết này sẽ thông tin đến bạn các phương pháp điều trị hẹp van tim 2 lá nhằm giúp hiểu hơn về bệnh.

1. Hiểu rõ hơn về hẹp van 2 lá

Tình trạng hẹp van tim xảy ra khi cấu trúc của lá van bị biến dạng. Thông thường, van tim có dạng mảnh và mềm mại. Tuy nhiên, khi van bị hẹp sẽ trở nên xơ cứng, dày hoặc dính với nhau. Điều này khiến cho các lá van không thể mở ra hoàn toàn được. Trong đó, hẹp van 2 lá là bệnh van tim thường gặp nhất (chiếm đến hơn 60% bệnh về van tim). Những triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm:

– Cảm giác khó thở, đặc biệt xuất hiện vào ban đêm (nhất là khi nằm).

– Xuất hiện các cơn rung nhĩ (kịch phát hoặc mạn tính). Điều này có thể dẫn đến phù phổi hoặc suy tim, nặng hơn có thể gây tử vong khi không được cấp cứu sớm.

điều trị hẹp van tim 2 lá

Nếu không được phát hiện sớm người bệnh sẽ phải đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm

Triệu chứng kể trên chủ yếu xuất hiện trong quá trình mang thai hoặc rung nhĩ. Bởi vậy, với những người bị hẹp van 2 lá mà chưa thể điều trị dứt điểm, bác sĩ thường khuyên nên tránh mang thai.

2. Phương pháp trong điều trị bệnh hẹp van tim 2 lá

Hẹp van 2 lá là tình trạng có thể kéo dài cả đời. Ở giai đoạn đầu bệnh lý có thể ổn định và sau đó sẽ dần tiến triển nặng hơn. Chính vì vậy, đòi hỏi người bệnh phải chú ý cân bằng cả ở chế độ ăn và nghỉ ngơi hàng ngày. Ngoài ra còn có thể phải duy trì sử dụng thuốc suy tim và lợi tiểu thêm.

Trong trường hợp tình trạng bệnh quá nặng, có thể phải thực hiện tách lá van, tạo hình van hoặc thậm chí thay hết van. Không phải hầu hết bệnh nhân đều phải thay van. Một số do bệnh tiến triển quá nặng và gần như không đáp ứng với thuốc. Khi đó bác sĩ sẽ phải chỉ định biện pháp để có thể hạn chế rủi ro và kéo dài được tuổi thọ cho người bệnh.

2.1. Điều trị hẹp van tim 2 lá – sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc không hoàn toàn chữa dứt điểm tình trạng hẹp van tim 2 lá. Nhưng đây lại là phương pháp được áp dụng chủ yếu trọng bệnh lý này. Thuốc được chỉ định dùng khi van bị hẹp nhiều và gây khó thở, khàn tiếng, ho ra máu, rối loạn nhịp tim,…

Việc sử dụng thuốc chủ yếu nhằm:

– Hạn chế các biến chứng nguy hiểm mà bệnh có thể gây ra.

– Giúp hỗ trợ trong quá trình điều trị các yếu tố có thể xảy ra như: tiểu đường, mỡ máu, huyết áp.

– Ngăn ngừa được các biến chứng: thiếu máu cơ tim, xuất hiện huyết khối.

Những loại thuốc hay được sử dụng cho bệnh lý này có thể kể tới như:

– Thuốc trị thiếu máu: nhằm tăng cường lượng oxy được cung cấp cho tim. Bênh cạnh đó, thuốc này giúp giảm gánh nặng tuần hoàn máu cho tim.

– Thuốc chẹn beta: giúp nhịp tim dần ổn định và chậm lại.

– Thuốc lợi tiểu: có tác dụng giảm tích trữ các loại chất lỏng (do tăng lượng nước tiểu lên). Loại này thường được chỉ định cho bệnh nhân có các triệu chứng sưng phù.

– Thuốc chống đông máu: ngăn ngừa khả năng xuất hiện huyết khối trong máu.

– Các loại thuốc điều trị bệnh: mỡ máu, tiểu đường hay huyết áp.

– Thuốc kháng sinh: giúp phòng ngừa và chữa trị trong trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng.

điều trị hẹp van tim 2 lá

Điều trị bằng thuốc là phương pháp khá phổ biến được áp dụng hiện nay

2.2. Điều trị hẹp van tim 2 lá bằng phẫu thuật 

Khi tình trạng hẹp van 2 lá đã tiến triển quá nặng và việc dùng thuốc gần như không còn đáp ứng, đồng thời có xuất hiện các biến chứng: suy tim, rung nhĩ, phù phổi,…

– Phẫu thuật nong van tim: là phương án hay được khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, cũng có một số chống chỉ định riêng với phương pháp này trong một vài trường hợp. Đó là: nhĩ trái có huyết khối; van 2 lá đã bị vôi hóa thể nặng; hở van 2 lá (trung bình và nặng) kèm theo hẹp van 2 lá; người mắc bệnh bẩm sinh.

– Sửa van tim: đây là phương pháp phẫu thuật để tách các van dính lại. Cách này sẽ có hiệu quả tương tự như nong van tim, tuy nhiên nó ít được khuyến khích áp dụng hơn.

– Thay van tim: được đánh giá là phương án cuối cùng trong việc điều trị hẹp van 2 lá. Khi này van sẽ được thay thế bằng một van nhân tạo, sẽ là van cơ học hoặc sinh học. Tuy nhiên, van nhân tạo có nhược điểm dễ gây hình thành máu đông. Do đó, sau khi đã thay van đòi hỏi người bệnh phải sử dụng thuốc chống đông máu một thời gian dài hoặc có thể là liên tục.

2.3. Cải thiện tình trạng hẹp van 2 lá từ thay đổi lối sống

Phương pháp này được khuyến khích áp dụng trong các trường hợp bệnh nhẹ hay mới chớm xuất hiện. Khi đó việc cải thiện lối sống giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra. Thay đổi lối sống lành mạnh và khoa học sẽ bao gồm: chế độ ăn uống và chế độ luyện tập.

Về chế độ ăn uống nên có những lưu ý như:

– Tăng cường ăn và bổ sung rau xanh, trái cây, chất xơ hay ngũ cốc nguyên hạt.

– Bổ sung thực phẩm ít chất béo hay có chất béo không bão hòa (gà, cá, dầu thực vật,…). Hạn chế tối đa các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ.

– Không nên ăn mặn, nên ăn đồ ăn ít chế biến như kho, nấu,…

– Hạn chế ăn các loại rau có màu xanh đậm nếu đang sử dụng thuốc kháng sinh, vitamin K. Vì những loại thực phẩm đó sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc.

Xây dựng chế độ thể dục thể thao và luyện tập hợp lý với tình hình sức khỏe. Tập luyện thể dục thường xuyên giúp lưu thông máu được diễn ra tốt hơn và cải thiện được cả tuần hoàn máu. Ngoài ra còn khiến cơ thể được nuôi dưỡng tốt ngay cả khi bị thiếu hụt máu cho tim. Tuy nhiên, việc luyện tập cũng đòi hỏi phải phù hợp và không gây quá nhiều áp lực cho tim.

– Yoga.

– Đi bộ.

– Đạp xe.

– Thiền.

Thể dục nhẹ nhàng giúp điều trị bệnh diễn ra hiệu quả hơn

Thể dục nhẹ nhàng giúp điều trị bệnh diễn ra hiệu quả hơn

Bên cạnh việc bổ sung chế độ ăn uống và rèn luyện thể thao, người bệnh cũng nên từ bỏ một số thói quen xấu và gây hại cho sức khỏe. Điều này giúp quá trình điều trị bệnh được diễn ra hiệu quả hơn.

Trên đây là các phương pháp cho việc điều trị bệnh lý hẹp van 2 lá. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hạn chế can thiệp sâu (phẫu thuật hay thay) và biến chứng không mong muốn. Ngay cả khi bệnh mới chớm xuất hiện và còn nhẹ thì người bệnh cũng nên đến các cơ sở y tế để nhận tư vấn và điều trị từ bác sĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital