Đau mắt đỏ là bệnh lý ở mắt rất phổ biến với khả năng lây lan nhanh chóng. Mặc dù tương đối lành tính và có thể tự khỏi nhưng người bệnh vẫn phải được điều trị để giúp sớm hồi phục. Trong quá trình chữa trị, vấn đề phổ biến mà nhiều người bệnh thường thắc mắc đó là: Đau mắt đỏ uống thuốc gì hoặc có thể sử dụng loại thuốc tra/nhỏ mắt nào? Hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay một số cách điều trị bệnh lý này qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ bản chất là bệnh viêm kết mạc (viêm lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu và/hoặc phần kết mạc mi). Đau mắt đỏ là bệnh lý phổ biến, gặp phải ở mọi đối tượng và đặc biệt có thể bùng phát thành ổ dịch bởi khả năng lây lan nhanh người bệnh sang người lành thông qua việc tiếp xúc trực tiếp.
Mặc dù bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) thường không quá nghiêm trọng, không gây ra di chứng và có thể khỏi hoàn toàn trong vòng 1 tuần nhưng nó cũng rất dễ tái phát nhiều lần do cơ thể không đáp ứng miễn dịch trọn đời với căn bệnh này.
2. Nguyên nhân phổ biến gây nên căn bệnh đau mắt đỏ
Trước khi tìm hiểu về các thuốc giúp điều trị bệnh đau mắt đỏ, chúng ta cần xác định được những nguyên nhân gây nên bệnh lý này.
2.1. Đau mắt đỏ do virus
Virus là tác nhân thường gặp nhất gây nên căn bệnh đau mắt đỏ với tỷ lệ khoảng 80%. Đau mắt đỏ do virus xảy ra đồng thời với tình trạng nhiễm trùng hô hấp trên như viêm họng hoặc cảm cúm. Về tác nhân gây bệnh, các chuyên gia cho biết hay gặp nhất đó là Herpesvirus và Adenovirus.
Viêm kết mạc do virus lây lan nhanh chóng khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mắt của người bệnh. Tuy nhiên đa số trường hợp đều nhẹ và có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị. Một số người bệnh có chỉ định điều trị chỉ cần chú ý việc giữ vệ sinh mắt sạch sẽ để phòng lây nhiễm cho người khác. Đôi khi, người bệnh có thể giảm triệu chứng bằng nước mắt nhân tạo, chườm đá hoặc nhỏ mắt bằng dung dịch nước muối sinh lí NaCl 0.9%.
Đối với những trường hợp nặng sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc điều trị đau mắt đỏ có thành phần kháng virus, thậm chí là kháng sinh nhằm giúp ngăn ngừa nguy cơ bội nhiễm.
2.2. Đau mắt đỏ do vi khuẩn
Một số chủng vi khuẩn thường gây nên bệnh đau mắt đỏ là phế cầu, lậu cầu, tụ cầu vàng, não mô cầu, Proteus hoặc Enterobacteriaceae… Khác với virus, triệu chứng đặc trưng của đau mắt đỏ do vi khuẩn là mắt tiết ra nhiều mủ, đặc biệt vào buổi sáng, gây dính, chảy nước mắt. Các thuốc điều trị bệnh viêm kết mạc do vi khuẩn chủ yếu có chứa thành phần kháng sinh (dạng dùng tại chỗ thông qua nhỏ mắt).
2.3. Đau mắt đỏ do dị ứng
Viêm kết mạc dị ứng thường xảy ra với người có cơ địa dễ bị kích ứng mắt khi tiếp xúc với những tác nhân như phấn hoa, bụi, lông của thú cưng, bào tử nấm… Chú ý, đau mắt đỏ do dị ứng là thể bệnh duy nhất không lây lan. Tuy nhiên, người bệnh cần xác định được yếu tố gây dị ứng để loại bỏ thì bệnh mới có thể được chữa trị dứt điểm.
3. Người bệnh đau mắt đỏ uống thuốc gì hoặc bôi/tra loại thuốc nào?
Việc điều trị bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân mắc bệnh cũng như tình trạng của người bệnh để tư vấn các loại thuốc uống/bôi/tra phù hợp.
3.1. Đối với người bị đau mắt đỏ do virus hoặc vi khuẩn
Đau mắt đỏ do nguyên nhân này thường có đặc điểm là sẽ khỏi trong vòng 7 – 10 ngày. Như vậy, về cơ bản, người bệnh sẽ không cần phải uống thuốc kháng sinh để điều trị bệnh đau mắt đỏ nếu bệnh xuất phát từ nguyên nhân bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
Muốn cải thiện chất lượng cuộc sống đồng thời hỗ trợ cơ thể tự chữa lành, người bệnh chỉ cần tập trung kiểm soát triệu chứng bằng cách thực hiện chườm lạnh mắt và vệ sinh mắt 2 lần một ngày bằng bông hoặc giấy ẩm.
Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị, đặc biệt là các loại thuốc có chứa corticoid mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Kèm theo đó, không tự ý sử dụng các phương pháp dân gian chữa đau mắt đỏ; không hoạt động mắt quá nhiều; không ăn thực phẩm cay, nóng…
Tuy nhiên, trong các trường hợp như tình trạng đau mắt đỏ trở nên tồi tệ hơn sau 10 ngày; mắc hội chứng suy giảm miễn dịch, ung thư, các bệnh lý nhãn khoa khác; đau mắt ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ,… thì người bệnh nên đến chuyên khoa Mắt tại các bệnh viện uy tín gần nhất để được thăm khám và chỉ định thuốc điều trị nhỏ/bôi/uống phù hợp. Ví dụ:
– Đau mắt đỏ do virus: Thông thường, người bệnh không cần sử dụng thuốc kháng sinh.
– Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Chỉ nên sử dụng kháng sinh phổ rộng để tra/nhỏ tại chỗ như Quinolone (Oflovid, Okacin, Vigamox), Tobramycine 0.3% (Tobrex, Toeycine), Neomycin và Polymyxin B (Cebemyxine).
3.2. Đối với người bị đau mắt đỏ do các tác nhân dị ứng
Đau mắt đỏ do các tác nhân dị ứng thường diễn ra dai dẳng, dễ tái phát và muốn điều trị dứt điểm cần phải tìm được nguyên nhân gây dị ứng. Chính vì vậy, người bệnh đau mắt đỏ từ nguyên nhân này phải tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa Mắt ở các bệnh viện uy tín.
Một số loại thuốc thường được bác sĩ sử dụng cho người bệnh có thể kể đến như:
– Thuốc giúp kiểm soát những phản ứng dị ứng (như thuốc ổn định tế bào mắt, thuốc kháng histamin,…)
– Thuốc giúp kiểm soát được tình trạng viêm (như thuốc thông mũi, thuốc nhỏ mắt kháng viêm, steroid,…)
Những người bệnh đeo kính áp tròng sẽ cần tháo kính và đợi khoảng 10 phút sau nhỏ thuốc có kháng histamin rồi mới đeo lại.
Trên đây là thông tin cần thiết về việc điều trị cho người bệnh đau mắt đỏ. Bạn hãy lưu ý tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám nhằm đảm bảo việc điều trị diễn ra an toàn, hiệu quả. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp một cách nhanh chóng mọi thắc mắc nhé!