Giải thích hiện tượng trào ngược gây ho và cách khắc phục

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Mối quan hệ giữa cơn ho kéo dài và tình trạng trào ngược dạ dày là gì? Trào ngược gây ho là biểu hiện thường thấy ở nhiều bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày thực quản GERD. Vậy trào ngược dạ dày gây ho như thế nào?

1. Định nghĩa: Trào ngược dạ dày là bệnh gì?

Trào ngược dạ dày, hay gọi là Gastroesophageal reflux disease (GERD) trong tiếng Anh, là một bệnh lý tiêu hóa bắt nguồn từ việc cơ thắt thực quản dưới hoạt động không đúng cách. Bệnh xảy ra khi cơ này yếu đi hoặc khi không thư giãn đúng thời điểm, tạo điều kiện cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản.

Khi tình trạng này xảy ra, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng ở hệ tiêu hóa cũng như miệng, họng và đường hô hấp. Các triệu chứng này bao gồm cảm giác nóng rát ở ngực, ợ nóng hoặc ợ chua sau khi ăn. Các dấu hiệu này có thể trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể cảm thấy đau ngực, khó nuốt, ho thường xuyên hoặc bị viêm họng, viêm thanh quản. Những biểu hiện này sẽ dần trở nên tồi tệ hơn và làm rối loạn giấc ngủ.

Nhiều bệnh nhân bị ợ nóng hoặc khó tiêu do axit dạ dày trào ngược. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này có thể cải thiện nhờ chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Tuy nhiên, một số người cần dùng thuốc lâu dài hoặc can thiệp y tế để cải thiện tình trạng sức khỏe.

Trào ngược dạ dày gây ho

GERD là một bệnh lý tiêu hóa bắt nguồn từ việc cơ thắt thực quản dưới hoạt động không đúng cách

2. Nguyên nhân dẫn đến trào ngược gây ho là gì?

Bệnh lý trào ngược dạ dày có thể gây ra ho nhiều và ho dai dẳng. Một trong những lý do chính của tình trạng này thường là do axit trong dạ dày bị đẩy lên thực quản.

Ho mạn tính không hẳn là triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày, nhưng căn bệnh này lại là nguyên nhân của ít nhất 25% các trường hợp ho mãn tính. Trên thực tế, tỷ lệ này có thể chiếm gần một nửa số ca ho mãn tính kéo dài. Một số giả thuyết cho rằng những cơn ho kéo dài không chỉ xuất phát từ trào ngược dạ dày mà còn làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Có thể lý giải nguyên nhân trào ngược gây ho theo hai cơ chế như sau:

2.1. Trào ngược gây ho theo phản xạ

Các cơn ho được coi là một phản ứng tự nhiên nhằm phản ứng lại với tình trạng axit dạ dày trào ngược vào thực quản, nhằm bảo vệ đường hô hấp.

2.2. Trào ngược gây ho do bị kích thích

Axit từ dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, ra khỏi thực quản, rơi lại vào và kích thích vùng cổ họng, gây ra ho. Hiện tượng này gọi là trào ngược thanh quản. Ngoài ra, acid tiếp xúc trực tiếp với dây thanh và cổ họng có thể gây ra các triệu chứng như khàn giọng, viêm họng hoặc viêm amidan kéo dài.

Axit từ dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, ra khỏi thực quản, rơi lại vào và kích thích vùng cổ họng gây ra ho

Axit từ dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, ra khỏi thực quản, rơi lại vào và kích thích vùng cổ họng gây ra ho

3. Chẩn đoán trào ngược gây ho hay do nguyên nhân khác bằng cách nào?

Để chẩn đoán ho do trào ngược hay do nguyên nhân khác, bác sĩ thường áp dụng các phương pháp sau:

– Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, lịch sử bệnh và các yếu tố nguy cơ. Kiểm tra thực thể cũng được thực hiện để xác định dấu hiệu của trào ngược.

– Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng (EGD): Một ống mỏng có gắn camera được đưa qua miệng xuống thực quản và dạ dày để kiểm tra tổn thương và viêm.

– Theo dõi pH thực quản: Đây là phương pháp đo lượng acid trào ngược vào thực quản trong 24 giờ. Một ống nhỏ được đưa qua mũi xuống thực quản để đo pH và ghi lại. Đo pH thực quản 24h là cách chính xác nhất, tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh lý trào ngược dạ dày, hiện đang được TCI áp dụng hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị.

– Chụp X-quang thực quản – dạ dày: Sử dụng chất cản quang để chụp X-quang, giúp xác định có hay không có sự trào ngược hoặc các bất thường khác.

– Thử nghiệm thuốc: Bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc ức chế acid (PPI) trong một thời gian để xem liệu triệu chứng ho có giảm đi hay không.

– Kiểm tra chức năng thực quản: Đo áp lực trong thực quản khi nuốt, giúp xác định chức năng hoạt động của cơ thắt thực quản dưới.

Đo pH thực quản 24h tại TCI

Đo pH thực quản 24h tại TCI

4. Đẩy lùi và ngăn chặn trào ngược gây ho bằng cách nào?

Một số thay đổi nhỏ trong lối sống có thể cải thiện tình trạng trào ngược gây ho như mặc quần áo thoải mái, ăn uống chậm rãi và tránh hút thuốc lá cũng giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Những người bị ho mãn tính có thể điều chỉnh thói quen sống với những gợi ý sau:

– Luôn duy trì chỉ số BMI ở mức lý tưởng để giảm áp lực lên dạ dày, đồng thời giảm lượng acid trào ngược lên thực quản.

– Mặc trang phục thoải mái, tránh quần áo bó sát để không tạo áp lực lớn lên dạ dày.

– Tránh hút thuốc lá vì các chất trong thuốc lá có thể làm tình trạng trào ngược dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.

– Thực hành ăn chậm, nhai kỹ và không ăn quá nhiều. Việc nạp một lượng lớn thức ăn có thể làm giảm sự kín của cơ thắt thực quản dưới, khiến acid dạ dày dễ trào ngược lên thực quản.

– Sau khi ăn no không nên nằm ngay. Tốt nhất, nên chờ khoảng 3 giờ sau khi ăn để thức ăn trong dạ dày tiêu hóa bớt rồi mới nằm.

– Khi ngủ nên kê cao đầu giường để giảm lượng acid có thể trào vào thực quản.

– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tránh các loại thực phẩm có khả năng gây trào ngược acid như đồ uống có cồn, cafein, socola, đồ chua cay, và các món chiên xào nhiều dầu mỡ.

Trên đây là những thông tin giúp bạn giải đáp hiện tượng trào ngược gây ho và những khuyến nghị giúp bạn cải thiện tình trạng này. Đừng quên thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital