Trẻ bị nổi mẩn đỏ trên da không phải là hiện tượng hiếm gặp, thế nhưng lý do tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ thì không phải ai cũng hiểu rõ. Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây ra hiện tượng này trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Nổi mẩn đỏ là hiện tượng như thế nào?
Nổi mẩn đỏ là một dạng thương tổn ở da, thường thấy ở những người có cơ địa nhạy cảm, và là hiện tượng thường gặp ở trẻ em do da trẻ mỏng, dễ bị kích động bởi các tác nhân bên ngoài.
Mẩn đỏ có thể là những mụn li ti nhỏ hoặc các sần phù như mề đay, có thể nổi ở từng bộ phận trên cơ thể hoặc nổi toàn thân. Khi xuất hiện trên da, mẩn đó có thể kèm theo cảm giác ngứa ngáy hoặc không.
2. Tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ, có thể do bé bị dị ứng thời tiết, hóa chất, nhưng cũng có thể do con bị nhiễm virus, vi khuẩn. Biết rõ lý do tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ sẽ giúp bố mẹ chữa trị và bảo vệ làn da non nớt của con được tốt hơn.
2.1. Nổi mẩn do rôm sảy
Trẻ bị nổi mẩn đỏ có thể là biểu hiện của rôm sảy trên da. Đây là tình trạng thường xảy ra trong thời tiết nóng nực, ẩm ướt do ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn, khiến mồ hôi bị giữ lại dưới da gây sẩn ngứa.
Các nốt mẩn đỏ, mụn nước có thể xuất hiện ở cổ, vai, lưng, ngực, nách, háng hoặc da đầu, khi chạm vào có thể thấy đau. Tuy nhiên, bệnh không gây nguy hiểm và thường tự khỏi không cần điều trị, trừ một số trường hợp đặc biệt. Cách tốt nhất để làm giảm các triệu chứng là ngăn tiết mồ hôi và làm mát da.
2.2. Nổi mẩn do hăm da
Hăm da là bệnh ngoài da rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, do trẻ đóng bỉm, tã trong thời gian dài. Vùng da tiếp xúc lâu với bỉm, tã rất dễ nổi mẩn đỏ ửng, cụ thể là xung quanh bộ phận sinh dục, bẹn, háng, mông …
Khi bị hăm da, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và đau rát ở vùng da bị tổn thương. Mẹ có thể dùng các loại kem hăm da an toàn với độ tuổi của con để bôi vào các vùng da này.
2.3. Nổi mẩn do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (bệnh mề đay)
Nổi mề đay mẩn ngứa là một trong những bệnh lý da liễu phổ biến nhất ở trẻ em hiện nay. Do hệ thống miễn dịch ở trẻ chưa phát triển hoàn thiện, còn yếu, nên trẻ dễ bị dị ứng với các tác nhân như: thời tiết (nhất là khi nhiệt độ thay đổi đột ngột), các loại thực phẩm, hóa chất, mỹ phẩm, môi trường ô nhiễm, côn trùng đốt, vv…
Khi trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng này, các mao mạch trên da trẻ sẽ phản ứng, gây phù cấp hoặc mãn tính ở trung bì. Trẻ sẽ bị nổi các nốt đỏ (hoặc ban trắng) có kích thước lớn, nhỏ khác nhau tại tay chân, lưng, bụng, mặt hoặc nổi khắp toàn thân. Trẻ sẽ cảm thấy rất ngứa ngáy và có thể sốt nhẹ, mệt mỏi.
Nổi mề đay có thể thuyên giảm sau khi được chăm sóc đúng cách như: chườm lạnh, tắm nước mát, thoa kem dưỡng ẩm, …. Tuy nhiên, với những trường hợp các triệu chứng bệnh kéo dài, bố mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám và điều trị.
2.4. Nổi mẩn do viêm da cơ địa (bệnh chàm Eczema)
Khi trẻ bị nổi mẩn đỏ, đó cũng có thể là biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa, hay còn được gọi là bệnh chàm Eczema. Bệnh khởi phát có thể do trẻ tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên, hoặc trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn chức năng cơ thể. Nhiều trường hợp bệnh xảy ra là do di truyền.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh chính là da nổi từng mảng đỏ kèm các nốt sần li ti hình tròn rất ngứa, sau các nốt này sẽ phát triển thành các mụn nước, dày cộm khó chịu và vô cùng ngứa ngáy.
Bệnh chàm Eczema tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại rất khó chữa dứt điểm và có tính chất tái phát thường xuyên. Biện pháp điều trị hiện nay chủ yếu là giảm thiểu những tổn thương trên bề mặt da và phòng ngừa tình trạng bội nhiễm cho trẻ.
2.5. Nổi mẩn do nhiễm nấm da
Nhiễm nấm da cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mẩn đỏ ở trẻ. Khi bị nhiễm bệnh, trẻ có thể cảm thấy ngứa nhẹ, trên da xuất hiện nhiều vòng tròn đỏ có kích thước khác nhau và lớn dần theo thời gian. Trong đó, những vòng bên trong thường có màu hồng nhạt hơn, vòng bên ngoài đậm màu hơn và gồ lên so với bề mặt da.
Nguyên ngân trẻ nhiễm nấm có thể do:
– Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người hoặc vật nuôi bị nhiễm nấm
– Trẻ sử dụng các vật dụng cá nhân của người nhiễm nấm
– Trẻ ra mồ hôi nhiều nhưng mặc quần áo thấm hút mồ hôi kém khiến nấm có môi trường phát triển.
2.6. Nổi mẩn do nhiễm virus và vi khuẩn
Khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ?”, bố mẹ cũng đừng bỏ qua khả năng con bị nhiễm virus/ vi khuẩn và có thể đang mắc một trong các bệnh sau:
2.6.1. Bệnh chốc lở
Chốc lở là tình trạng nhiễm trùng da phổ biến ở trẻ em do các vi khuẩn Staphylococcus aureus (còn gọi là tụ cầu vàng) hoặc liên cầu khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra.
Triệu chứng của bệnh là xuất hiện các nốt mẩn đỏ khắp người, sau đó phát triển thành các vết loét có mủ bên trong. Bệnh rất dễ lây từ vùng da bị tổn thương sang vùng da lành cũng như lây từ bé này sang bé khác, do đó bệnh còn có tên gọi khác là chốc lây.
2.6.2. Bệnh tinh hồng nhiệt
Tinh hồng nhiệt là bệnh nhiễm trùng cấp do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra, đặc trưng bởi các nốt đỏ/hồng mọc bao phủ toàn cơ thể. Ngoài sốt và phát ban trên da, vi khuẩn này còn khiến trẻ bị đau đầu, buồn nôn, đau dạ dày, nhức mỏi khắp cơ thể, …
2.6.3. Bệnh ban đào
Bệnh ban đào là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp do virus Human herpesvirus 6 (HHV-6) gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi.
Bệnh thường khiến cho trẻ sốt rất cao, từ 39°C đến 41°C trong 3-6 ngày, sau đó nổi mẩn trên thân và lan dần sang cánh tay, cổ, mặt…
2.6.4. Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn
Ban đỏ nhiễm khuẩn là một bệnh truyền nhiễm gây nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do virus Parvovirus B19 gây ra. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi.
Ban đỏ thường xuất hiện sau sốt vài ngày, bắt đầu từ má sau đó lan đến các chi và thân mình. Tình trạng ban trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ tiếp xúc với nước nóng hoặc nước quá lạnh. Ban có thể tự lặn sau vài ngày, nhưng cũng có những trường hợp trẻ nổi ban đỏ kéo dài đến vài tuần.
2.6.5. Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, do các chủng virus Enterovirus gây ra. Trong thời gian ủ bệnh (khoảng 3 – 6 ngày), trẻ có biểu hiện mệt mỏi, đau rát ở họng, sốt, chán ăn. Sau khi bệnh toàn phát, trẻ sẽ bị nổi ban đỏ dạng phỏng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Một số trẻ có thể bị tiêu chảy hay rối loạn tri giác.
Nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: tổn thương cơ tim, viêm màng não, …
2.6.6. Bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính trên da, được gây ra bởi virus Varicella Zoster. Ở giai đoạn phát bệnh, trên người trẻ sẽ xuất hiện các nốt ban đỏ với đường kính vài mm,. Các nốt này sau đó sẽ lan rộng toàn cơ thể và phát triển thành các mụn nước chứa đầy dịch bên trong.
Khi bị thủy đậu, nếu trẻ không được chăm sóc và chữa trị đúng cách thì có thể sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm mô tế bào, viêm màng não, nhiễm trùng máu, …
3. Khi trẻ bị nổi mẩn đỏ, cần làm gì?
Như đã nêu ở trên, trẻ bị mẩn đỏ có thể do rất nhiều nguyên nhân. Muốn biết rõ tại sao trẻ bị nổi mẩn đỏ, mẹ nên đưa con đi khám, qua đó bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác bệnh của con và có hướng điều trị phù hợp (trừ một số nguyên nhân không nguy hiểm và dễ nhận biết như hăm da hay rôm sảy thì mẹ có thể không cần đưa con đi khám).
Bên cạnh đó, khi chăm sóc trẻ tại nhà, mẹ cần lưu ý một số điều sau:
– Không để trẻ gãi, cào vùng da bị mẩn đỏ làm da trầy loét, như vậy sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xâm nhập vào da trẻ
– Giúp trẻ vệ sinh cơ thể thật sạch sẽ hàng ngày
– Không để trẻ ở môi trường quá nóng hoặc quá ẩm ướt
– Cho trẻ mặc những loại quần áo có chất liệu mềm mại, thoáng mát, có thể thấm hút mồ hôi tốt
– Cho trẻ uống nhiều nước, sữa và các loại thức uống có tính mát để tăng cường sức đề kháng của trẻ
– Cho trẻ uống/bôi thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.