Trong tất cả các loại xương, xương cá là loại nhỏ nhất và cũng mềm nhất. Bởi thế, so với xương gia cầm như xương gà, xương vịt, xương ngan, xương ngỗng,… chúng ta dễ nuốt phải xương cá khi ăn uống nhất. Vậy, nuốt phải xương cá có sao không? Đây là vấn đề không chỉ bạn băn khoăn. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin giải đáp chi tiết thắc mắc này, đừng bỏ lỡ bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Nuốt phải xương cá có sao không?
Câu hỏi này có nhiều câu trả lời; nuốt phải xương cá có thể vô hại hoặc không, tùy từng trường hợp.
1.1. Trường hợp nuốt phải xương cá không nguy hiểm
Trong quá trình ăn uống, nếu bạn nuốt phải xương cá nhỏ, mềm và nó trôi từ họng, qua thực quản, xuống dạ dày một cách thuận lợi, bạn có thể yên tâm. Tại dạ dày và ruột non, cùng với thức ăn, xương cá sẽ được tiêu hóa hiệu quả bởi acid và các men. Cuối cùng, phần còn lại của nó mà cơ thể không thể hấp thu, sẽ được chuyển đến ruột già và đẩy ra khỏi cơ thể dưới dạng phân.
1.2. Trường hợp nuốt phải xương cá nguy hiểm
Nếu bạn nuốt phải xương cá lớn, cứng; dạ dày, ruột non, ruột già không tiêu hóa và hấp thu được hoặc bạn nuốt phải xương cá và nó mắc ở họng/thực quản, bạn có thể gặp nguy hiểm theo một trong những kiểu sau:
1.2.1. Xương cá lớn, cứng; dạ dày, ruột non, ruột già không tiêu hóa và hấp thu được
– Xương cá trôi xuống dạ dày, làm thủng dạ dày. Tình trạng thủng dạ dày nếu không được kiểm soát kịp thời, có thể gây viêm phúc mạc, dẫn đến tử vong.
– Xương cá trôi xuống ruột non cũng có thể làm thủng bộ phận này và gây viêm phúc mạc, tử vong.
– Tương tự dạ dày, ruột non, ruột già cũng có thể bị đâm thủng bởi xương cá và trở thành điểm khởi nguồn của tình trạng nhiễm trùng ổ bụng.
– Trong một số trường hợp hi hữu, xương cá có thể làm áp xe quanh hậu môn.
1.2.2. Xương cá mắc ở họng và thực quản
– Xương cá mắc ở họng, gây áp xe cục bộ niêm mạc họng. Khối áp xe nếu không được kiểm soát kịp thời, có thể phát triển lớn tới mức làm tắc khí quản, dẫn đến tử vong.
– Xương cá mắc ở thực quản có thể làm thủng động mạch chủ.
Không phải trường hợp mắc xương cá ở họng nào cũng gây áp xe cục bộ niêm mạc họng ngay từ đầu. Những trường hợp đó thì lại tiềm ẩn một nguy cơ. Đó là bệnh nhân tự ý xử lý sai cách, dẫn đến “chữa lợn lành thành lợn què”.
Khi hóc xương cá, nhiều bệnh nhân đã thử các mẹo được lưu truyền rộng rãi trong dân gian như: Uống nước, nuốt cơm, ngậm vỏ cam,… Chưa hết, nhiều bệnh nhân thậm chí còn áp dụng những phương pháp chữa hóc xương cá vô cùng thần bí như: Đảo đầu đũa trên bàn ăn, xoay cành cây trên lối đi,….
Trên thực tế, việc uống nước, nuốt cơm, ngậm vỏ cam,… chỉ phát huy hiệu quả trong một số rất ít trường hợp, khi xương cá mà bệnh nhân hóc là xương cá rất nhỏ, mắc ở vị trí rất đơn giản. Việc đảo đầu đũa trên bàn ăn, xoay cành cây trên lối đi,… là những mẹo hoàn toàn phản khoa học, chúng ta không nên áp dụng.
Mù quáng áp dụng những phương pháp trên cho các trường hợp xương cá lớn, mắc ở vị trí phức tạp, bệnh nhân có thể làm xương cá đâm sâu vào họng hoặc rơi xuống thực quản, dẫn đến áp xe cục bộ niêm mạc họng, tắc khí quản, thủng động mạch chủ,…
2. Nuốt phải xương cá, xử lý thế nào cho đúng đắn?
Khi nuốt phải xương cá, đầu tiên bạn cần phải bình tĩnh. Nếu xương cá thuận lợi trôi từ họng xuống dạ dày, tiếp tục theo dõi tình trạng của cơ thể. Trong trường hợp các dấu hiệu bất thường sau xuất hiện: Đau, châm chích vùng cổ họng; nghẹn, khó nuốt, đau khi nuốt; ho nhiều hoặc ho ra máu; cổ phù nề, ngực sưng, không thể ăn uống,…. bạn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng uy tín gần nhất càng sớm càng tốt. Rất có thể, trên đường di chuyển từ họng xuống dạ dày, xương cá đã đâm thủng động mạch chủ, làm áp xe vùng trung thất,… hoặc tại dạ dày, ruột non, ruột già,… xương cá đã gây ra những tổn thương nhất định.
Nếu xương cá mắc ở họng, bạn cần ngừng nuốt ngay lập tức. Nuốt có thể là phản xạ tự nhiên khi có dị vật mắc ở họng của hầu hết chúng ta. Tuy nhiên, phản xạ này không những không giúp chúng ta thoát khỏi dị vật mà còn khiến chúng mắc sâu hơn. Thay vì nuốt, hãy cố gắng nôn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên nôn quá nhiều. Acid dạ dày có thể đốt thanh quản của bạn, gây phù nề, khó thở. Móc họng để nôn cũng là một hành vi tuyệt đối tránh, bởi nó có thể đẩy xương cá đến vị trí phức tạp hơn.
Nếu nôn không hiệu quả, đối với trường hợp xương cá nhỏ, bạn có thể ngậm một vài viên Vitamin C. Theo chuyên gia, Vitamin C có thể làm mềm xương, tạo điều kiện cho xương trôi xuống thực quản và dạ dày dễ dàng hơn. Vitamin C bạn có thể mua tại tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc. Bạn cũng có thể dùng kẹp y khoa để gắp xương cá ra, đối với trường hợp xương cá mắc ở những vị trí có thể nhìn thấy được qua gương, như mắc ở hạnh khẩu cái, màn hầu hay thành sau họng,…
Trong trường hợp xương cá lớn hoặc xương cá nhỏ nhưng ngậm Vitamin C mà vẫn không hiệu quả, cảm giác vướng và đau khi nuốt vẫn còn, bạn nên thăm khám và điều trị với chuyên gia ngay, để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trường hợp xương cá mắc ở thực quản, với các triệu chứng như đau sau xương ức, đau lan tỏa ra sau lưng, và hai bả vai,… bệnh nhân cần đến bệnh viện nhanh chóng.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi nuốt phải xương cá có sao không. Theo đó, nuốt phải xương cá có thể nguy hiểm hoặc không, tùy từng trường hợp. Trong trường hợp nguy hiểm, xương cá có thể làm áp xe cục bộ niêm mạc họng, thủng động mạch chủ, thủng dạ dày, thủng ruột non, thủng ruột già, viêm phúc mạc, thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, bệnh nhân tuyệt đối không được chủ quan; nếu nuốt phải xương cá, cần theo dõi sát sao tình trạng cơ thể. Khi có biểu hiện bất thường, tìm kiếm hỗ trợ y tế chuyên nghiệp ngay, không trì hoãn.