Giải đáp câu hỏi xung quanh việc mổ thay xương khớp háng

Mổ thay xương khớp háng bán phần hoặc toàn phần là phương pháp phẫu thuật chỉnh hình phổ biến hiện nay. Trong đó phần khớp háng bị hư hỏng và tổn thương sẽ được thay thế bằng khớp nhân tạo. Nhờ vậy phương pháp này giúp hồi sinh việc vận động cho bệnh nhân một cách hiệu quả.

1. Thế nào là mổ thay xương khớp háng?

Phẫu thuật thay khớp háng là quy trình tiến hành cắt bỏ khớp háng bị đau do chịu tổn thương bệnh lý và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thông thường, phương pháp phẫu thuật này được bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân có tổn thương ở khớp háng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, học tập và lao động.

Tại nước ta, kỹ thuật này đã được ứng dụng và phát triển cách đây hơn 40 năm, đến nay có hàng nghìn trường hợp được tiến hành thay khớp thành công vào mỗi năm. Phẫu thuật này giúp mở ra cho bệnh nhân cơ hội thoát khỏi các cơn đau xương khớp dai dẳng và hồi sinh vận động. Tuy nhiên, đây được đánh giá là một kỹ thuật khó nên chỉ có các bệnh viện lớn với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi cùng thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp mới có thể tiến hành thực hiện thành công ca mổ.

mổ thay xương khớp háng

Thay khớp háng nhân tạo giúp mở ra cho bệnh nhân cơ hội thoát khỏi các cơn đau xương khớp dai dẳng

2. Đối tượng phù hợp và những lưu ý trước khi phẫu thuật

2.1. Những ai được chỉ định mổ thay xương khớp háng?

Việc quyết định có tiến hành phẫu thuật thay khớp háng hay không cần phải có sự phối hợp giữa bệnh nhân, người nhà, bác sĩ điều trị chính và bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. Quá trình đưa ra quyết định này thường bắt đầu bằng việc bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình gặp bệnh nhân để đánh giá ban đầu tình trạng bệnh.

Có nhiều lý do để bác sĩ xem xét đề nghị phẫu thuật thay khớp háng. Trong đó, những bệnh nhân phù hợp để thực hiện phương pháp này như:

– Người bị đau khớp háng làm ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày (đi bộ hoặc gập người).

– Tình trạng đau khớp háng vẫn tiếp tục duy trì khi người bệnh nghỉ ngơi, dù vào ban ngày hay ban đêm

– Người bị cứng khớp háng gây hạn chế khả năng di chuyển hoặc nâng nhấc chân lên.

– Các hỗ trợ từ những loại thuốc kháng viêm, vật lý trị liệu hoặc dụng cụ hỗ trợ để đi bộ vẫn không đủ để giúp người bệnh giảm đau.

Bên cạnh đó, việc thay khớp háng hoàn toàn không bị giới hạn về độ tuổi hoặc cân nặng.

Các đề nghị phẫu thuật sẽ được căn cứ vào mức độ đau và khuyết tật của người bệnh. Phần lớn bệnh nhân thực hiện phẫu thuật thay khớp háng toàn phần là từ 50 – 80 tuổi. Tuy nhiên bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ đánh giá tình hình của bệnh nhân tùy từng trường hợp. Phương pháp thay khớp háng toàn phần đã được thực hiện thành công ở mọi lứa tuổi, từ người trẻ tuổi bị viêm khớp thiếu niên cho tới các bệnh nhân cao tuổi bị bệnh thoái hóa khớp.

tìm hiểu về mổ thay xương khớp háng

Người bị đau khớp háng làm ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày thường được chỉ định thực hiện phương pháp này

2.2. Cần chuẩn bị gì trước khi mổ thay xương khớp háng?

Phẫu thuật thay thế khớp háng là một cuộc “đại phẫu”, vì vậy cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng ở cả bản thân người bệnh, người nhà và đội ngũ y bác sĩ. Trước khi mổ, bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình của mình để thực hiện một số thủ tục cần có như:

– Bác sĩ giải thích và tư vấn về ca phẫu thuật. Bệnh nhân có thể hỏi bất kỳ câu hỏi nào mà mình còn băn khoăn.

– Bệnh nhân có thể được yêu cầu ký vào mẫu giấy chấp thuận cho phép bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Hãy đọc kỹ biểu mẫu và đặt câu hỏi nếu có băn khoăn cần bác sĩ giải đáp.

– Bệnh nhân được tiến hành khám kiểm tra sức khỏe tổng quát và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết giúp đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt trước khi tiến hành phẫu thuật.

– Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ nếu biết mình bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào hoặc với thức ăn, băng vết thương, băng dính và thuốc gây mê.

– Kê khai với bác sĩ về mọi loại thuốc đang dùng. Điều này bao gồm các thuốc theo toa, thuốc không kê đơn và những chất bổ sung khác.

– Thông báo với bác sĩ nếu bản thân có tiền sử bị chứng rối loạn đông máu hoặc nếu bệnh nhân đang dùng bất kỳ loại thuốc chống đông máu nào. Bệnh nhân có thể cần ngưng những loại thuốc này trước khi thực hiện phẫu thuật.

– Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn và uống tối thiểu trong 8h trước khi phẫu thuật.

– Bệnh nhân có thể gặp chuyên gia vật lý trị liệu trước khi mổ để trao đổi về vấn đề phục hồi chức năng sau phẫu thuật.

– Bệnh nhân sẽ được yêu cầu cai thuốc lá vì việc hút thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thời gian hồi phục của vết thương.

– Nếu cân nặng của bệnh nhân vượt quá mức cho phép, bệnh nhân có thể được yêu cầu giảm cân để ca mổ được tiến hành thuận lợi nhất.

3. Chi phí phẫu thuật thay khớp háng là bao nhiêu?

Chi phí cho một cuộc phẫu thuật như thế này là câu hỏi của nhiều người bệnh. Tuy nhiên phần chi phí này sẽ dao động tùy thuộc vào các yếu tố như: chỉ định phẫu thuật thay khớp toàn phần hoặc bán phần, vật liệu sử dụng trong cuộc phẫu thuật và các kỹ thuật được áp dụng khi phẫu thuật,…

Khớp háng nhân tạo là thiết bị cấy ghép y tế cao cấp và đắt đỏ. Tại nước ta, giá của các loại khớp háng sẽ dao động rất lớn. Đối với khớp háng toàn phần thường được dùng cho mổ thay khớp lần đầu thì loại rẻ nhất vào khoảng 50 triệu và loại đắt nhất có thể lên tới 150 triệu.

Còn với các khớp chuyên biệt dùng cho việc phẫu thuật thay lại, các trường hợp u xương thì chi phí sẽ còn cao hơn nữa. Nhìn chung, sự khác biệt về chi phí giữa các loại khớp phụ thuộc 3 điểm đó là:

– Yếu tố thiết kế của khớp

– Vật liệu tạo nên khớp

– Nơi xuất xứ và sản xuất của khớp

Tuy nhiên, không phải cứ khớp rẻ là không tốt và khớp đắt mới là tối ưu. Bởi mỗi khớp được thiết kế cho từng trường hợp bệnh lý và đặc điểm cụ thể của từng bệnh nhân.

Ngoài ra, tuổi thọ chung của đa phần các khớp hiện nay đều đạt khoảng 20 năm trở lên. Phẫu thuật viên sẽ là người tư vấn cho bệnh nhân lựa chọn loại khớp phù hợp nhất để giúp cân đối giữa hiệu năng và yếu tố kinh tế.

mổ thay xương khớp háng có đắt không

Chi phí thay xương khớp háng phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được các thắc mắc xung quanh phương pháp phẫu thuật thay khớp háng. Ngoài ra, bạn đừng quên đi thăm khám cơ xương khớp định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh sớm nếu có nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital