Tìm hiểu thông tin phẫu thuật thay khớp háng 

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Hiện nay, số ca phẫu thuật thay khớp háng được thực hiện đang có xu hướng tăng lên hằng năm. Nhờ kỹ thuật hiện đại này mà chức năng khớp háng của bệnh nhân được khôi phục tốt, lấy lại khả năng đi lại và chất lượng cuộc sống được cải thiện một cách rõ rệt.

1. Phẫu thuật thay khớp háng là gì?

Phẫu thuật thay khớp háng (Tên tiếng anh: Hip Replacement Surgery) là quy trình thực hiện cắt bỏ một phần hoặc toàn phần khớp háng bị đau do gặp chấn thương hoặc do bệnh lý và tiến hành thay thế bằng khớp háng nhân tạo phù hợp.

Kỹ thuật thay khớp háng là một trong những thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của ngành chấn thương chỉnh hình. Tại Việt Nam, kỹ thuật này đã được ứng dụng thành công và phát triển trong hơn 40 năm qua. Theo đó cũng đã đạt được những thành tựu nhất định, giúp hàng nghìn người bệnh thoát khỏi cơn đau xương khớp dai dẳng, lấy lại khả năng đi lại và cải thiện tốt chất lượng cuộc sống.

Phẫu thuật thay khớp háng

Bác sĩ thực hiện phẫu thuật nhằm thay phần khớp háng bị tổn thương bằng một khớp háng nhân tạo.

2. Những trường hợp cần xem xét thực hiện thay khớp háng

Phẫu thuật thay khớp háng được khuyến nghị thực hiện khi người bệnh đã trải qua tất cả các phương pháp điều trị bảo tồn khác mà không thể giảm đau khớp háng, khả năng vận động không được cải thiện, gây bất tiện trong sinh hoạt, làm việc hằng ngày.

Người bệnh cần chủ động thăm khám để được bác sĩ đánh giá chi tiết, xem xét về việc thực hiện thay khớp háng trong các trường hợp sau đây:

2.1. Gặp chấn thương nặng

Hậu quả từ việc gặp chấn thương nghiêm trọng như té ngã, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chơi thể thao,… có thể gây nên những cơn đau khớp háng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thói quen đi đứng hay vận động sai tư thế cũng có ảnh hưởng đến khớp háng. Theo thời gian có thể gây nên tình trạng hư hại các sụn khớp, di chuyển khó khăn.

2.2. Thoái hóa khớp háng

Những cơn đau khớp háng thường đến từ nguyên nhân thoái hóa. Thoái hóa khớp háng sẽ làm mất hoặc gây tổn thương tới sụn khớp. Từ đó, việc đi lại sẽ khó khăn hơn, những cơn đau khớp ngày một nghiêm trọng. Theo thời gian, các hoạt động của người bệnh dần bị hạn chế, thậm chí ngồi không di chuyển cũng cảm nhận rõ cơn đau. Ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt.

Thoái hóa khớp háng thường gặp ở người già

Thoái hóa khớp háng gặp nhiều ở người cao tuổi.

2.3. Viêm khớp dạng thấp

Đây là một bệnh lý tự miễn có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam (khoảng 500.000 người đang phải sống chung với căn bệnh này). Viêm khớp dạng thấp gây sưng, đau, cứng các khớp. Các trường hợp nặng có thể làm phá hủy phần khớp vĩnh viễn.

2.4. Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi

Tình trạng này xảy ra khi nguồn máu nuôi dưỡng cho xương bị gián đoạn hoặc mất đi hoàn toàn khiến cho các mô xương dần bị hoại tử. Sau đó, các ổ xương bị khuyết khiến cho phần sụn và xương sẽ bị phá hủy. Khi gặp trường hợp này, bệnh nhân sẽ có cảm giác rất đau phần khớp háng, xoay người khó khăn.

2.5. Viêm cột sống thể dính khớp

Đây là loại bệnh lý mạn tính có ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến cột sống và các khớp, nhất là khớp háng. Trường hợp khớp háng bị dính kéo theo suy giảm khả năng vận động. Mỗi lần đi vệ sinh, ngồi làm việc,… đều rất khó khăn, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

3. Các kỹ thuật thay khớp háng được thực hiện hiện nay

Hiện nay, việc thay khớp háng được chỉ định dựa theo tình trạng thương tổn cụ thể của khớp háng với các loại chính sau đây:

3.1. Phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng (phẫu thuật toàn phần)

Bệnh nhân sẽ được thay mới hoàn toàn phần khớp của xương đùi và ổ cối. Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần chỉ định trong trường hợp thoái hóa khớp háng, hoại tử vô khuẩn,… Và điều quan trọng là bệnh nhân cần đảm bảo sức khỏe để có thể trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài.

3.2. Phẫu thuật thay một phần khớp háng (phẫu thuật bán phần)

Bệnh nhân được thay thế phần chỏm xương đùi mà không thay thế cả ổ cối. Phẫu thuật bán phần được chỉ định trong các trường hợp gặp chấn thương gãy cổ xương đùi (thường ở người già) hoặc những trường hợp bệnh nhân có thể trạng yếu không thể đáp ứng điều trị phẫu thuật thay khớp háng toàn phần.

4. Thay khớp háng: Lợi ích và rủi ro

4.1. Lợi ích thay khớp háng nhân tạo

Thay khớp háng nhân tạo sẽ giải quyết được các vấn đề mà người bệnh gặp phải bao gồm:

– Giúp người bệnh thoát khỏi cơn đau khớp dai dẳng với tỷ lệ giảm đau thành công ở 95% người bệnh thực hiện.

– Khôi phục khả năng vận động, giúp người bệnh đi lại một cách thoải mái. Không chỉ vậy, bạn còn có thể trở lại chơi các môn thể thao yêu thích như đi bộ, golf, bơi lội, yoga, đạp xe,… Từ đó giúp nâng cao cả về sức khỏe và chất lượng cuộc sống một cách rõ rệt.

– Phẫu thuật thay khớp háng thành công cũng giúp người bệnh giảm nguy cơ gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe mạn tính như tiểu đường, suy tim, trầm cảm,…

Lợi ích của thay khớp háng nhân tạo

Phẫu thuật giúp người bệnh thoát khỏi cơn đau khớp háng và trở lại vận động bình thường.

4.2. Những rủi ro có thể gặp phải

Cũng như bất kỳ loại hình phẫu thuật nào, thay khớp háng cũng tồn tại những rủi ro và biến chứng nhất định bao gồm:

– Bệnh nhân bị sưng, nóng, rát, đỏ tại vùng chân. Gặp khó khăn trong đi lại ở giai đoạn đầu sau phẫu thuật.

– Bệnh nhân có thể bị đau ngực hoặc khó thở. Triệu chứng này khá hiếm gặp sau phẫu thuật thay khớp háng.

– Bị lỏng khớp nhân tạo. Đây là biến chứng muộn có thể xảy ra với tỷ lệ gặp khoảng 5% trong tổng các ca được thực hiện. Bác sĩ sẽ xem xét về tình trạng cụ thể của người bệnh để chỉ định có thực hiện phẫu thuật thay lại khớp háng không?

– Trật khớp háng có thể gặp trong vài ngày đầu sau phẫu thuật. Bác sĩ sẽ xem xét dùng các thủ thuật hoặc phải phẫu thuật để đưa khớp trở lại đúng vị trí cũ.

– Lệch chiều dài 2 chân. Cụ thể, chân được phẫu thuật thay khớp háng có thể ngắn hơn hoặc dài hơn chân bình thường.

– Nhiễm trùng khớp nhân tạo (khá hiếm gặp).

Để kiểm soát và hạn chế nguy cơ rủi ro và biến chứng sau phẫu thuật thay khớp háng, cần đặc biệt quan tâm ở giai đoạn hậu phẫu. Bệnh nhân cần được chăm sóc tốt, thực hiện đúng chỉ định chăm sóc của bác sĩ điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital