Đột quỵ não là căn bệnh nguy hiểm vì có thể gây tử vong. Do đó việc nhận biết đột quỵ để phòng tránh, điều trị hoặc cấp cứu kịp thời vô cùng cần thiết. Cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu hơn về bệnh đột quỵ.
Menu xem nhanh:
1. Ai có nguy cơ cao bị đột quỵ?
Tại Việt Nam, có trên 200.000 người bệnh đột quỵ mỗi năm, có khoảng 50% trong số đó sống sót nhưng phải chịu nhiều di chứng về vận động, thần kinh.
Trên thực tế, bất kì ai cũng có thể bị đột quỵ. Tuy nhiên, một số đối tượng sau đây có nguy cơ cao hơn là:
– Nam giới
– Người cao tuổi (trên 50 tuổi)
Một số yếu tố nguy cơ chúng ta có thể ngăn ngừa là:
– Tiền sử gia đình có người thân hoặc chính bản thân người bệnh từng bị đột quỵ
– Người bị tăng huyết áp
– Nhóm người mắc bệnh tim mạch bẩm sinh
– Bệnh nhân tiểu đường
– Người hút thuốc lá, liên tục tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài.
– Người ít ăn rau xanh, ăn nhiều món dầu mỡ, ăn mặn.
– Người thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc, bị mất ngủ mạn tính.
– Người lạm dụng bia rượu, đồ uống có cồn.
– Người thừa cân, béo phì.
– Người ngồi nhiều, ít vận động đi lại và rèn luyện thể chất.
2. Ai cũng cần biết các dấu hiệu để nhận biết đột quỵ
2.1. Cách 1: Nhận biết đột quỵ qua các triệu chứng cảnh báo
Không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau, tuy nhiên một số dấu hiệu cảnh báo thường gặp là:
– Yếu, tê liệt mặt, méo miệng thường xảy ra ở một bên cơ thể.
– Tay chân suy yếu, khó cầm nắm, bê vác những đồ vật nhẹ nhất.
– Khó nói, nói ngọng, không nghĩ ra từ để nói hoặc không hiểu lời người khác nói.
– Chóng mặt, mất thăng bằng, hoa mắt, té ngã dù không vấp.
– Giảm thị lực, nhìn mờ, nhức mỏi mắt không rõ lý do.
– Đau đầu đột ngột, thỉnh thoảng đau dữ dội, cảm giác nặng đầu.
Các triệu chứng trên thường xuất hiện đột ngột, do đó cần chú ý theo dõi. Trong một số trường hợp, dòng máu lên não tắc nghẽn, tế bào não bắt đầu chết dần nhưng không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cảnh báo nào. Tình trạng này vô cùng nguy hiểm và được gọi là đột quỵ thầm lặng. Dù ít biểu hiện nhưng dạng đột quỵ này vẫn gây ra một số hạn chế về vận động cũng như khả năng ngôn ngữ tuy nhiên sẽ khó nhận biết hơn.
2.2. Cách 2: Nhận biết đột quỵ qua quy tắc FAST
Nếu đang nghi ngờ bản thân hoặc người thân bị đột quỵ, bạn có thể áp dụng quy tắc FAST sau đây để kiểm tra:
– F – Face: Khuôn mặt
Hãy quan sát gương mặt họ để xem có sự biến đổi nào hay không. Bệnh nhân đột quỵ não thường bị méo miệng, mặt lệch hoặc xệ một bên, miệng và mắt sụp xuống. Bên cạnh đó khuôn mặt của họ thường không thể biểu hiện cảm xúc nhanh và rõ ràng như người bình thường.
– A – Arm: Cánh tay
Cách kiểm tra là nhấc và giữ hai cánh tay ở trạng thái giơ cao qua đầu. Nếu một cánh tay thõng xuống, có thể là triệu chứng cảnh báo đột quỵ não.
– S – Speech: Lời nói
Hãy trò chuyện với người đó, hạn chế trong giao tiếp cũng là một cách để nhận biết đột quỵ. Cụ thể là họ không thể nói tròn chữ, tròn câu, ngắc ngứ để tìm từ phù hợp. Một số trường hợp có thể nói ngọng, nói lắp. Hoặc có thể ngớ người ra không hiểu đối phương đang nói gì.
– T – Time: Thời gian
Thời gian là yếu tố quyết định trong việc điều trị và phục hồi của bệnh nhân đột quỵ não. Ngay khi thấy các dấu hiệu trên hãy gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
3. Một số vấn đề cần biết về đột quỵ não
3.1. Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ thường kéo dài trong bao lâu?
Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ kéo dài trong bao lâu còn phụ thuộc vào từng loại bệnh và mức độ ảnh hưởng của nó. Với các cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ nhỏ, triệu chứng thường biến mất trong khoảng 10-20 phút, thường không kéo dài quá 1 tiếng. Tuy nhiên, không nên chủ quan mà cần theo dõi vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một cơn đột quỵ thật sự sẽ xảy ra trong tương lai gần. Vì vậy ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân cần đi khám tại khoa Nội thần kinh để phòng ngừa bệnh phát triển.
Việc cấp cứu ngay khi triệu chứng xuất hiện có ý nghĩa lớn với việc điều trị sau này. Lý do bởi vì thiếu máu càng lâu thì tế bào não chết đi càng nhiều, tổn thương não càng lớn. Từ đó dẫn đến nguy cơ tàn tật hoặc tử vong rất cao. Thời điểm vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong vòng 3-6 tiếng kể từ khi triệu chứng cảnh báo đầu tiên xuất hiện, tốt nhất trong 3 giờ đầu tiên.
3.2. Tại sao đột quỵ thường xảy ra ở một bên cơ thể?
Đối với hầu hết bộ phận trên cơ thể, bán cầu não trái chi phối nửa bên phải, trong khi bán cầu não phải lại kiểm soát nửa trái còn lại. Cơn đột quỵ ảnh hưởng đến phần nào của não thì sẽ gây ra các biến chứng thần kinh cho phần cơ thể nó chịu trách nhiệm.
3.3. Các biến chứng nguy hiểm khi bị đột quỵ
Đột quỵ thường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tùy theo tình trạng đột quỵ và thời gian cấp cứu, thể trạng sức khỏe, khả năng đáp ứng điều trị mà biến chứng sẽ khác nhau.
– Nặng nhất gây tử vong
– Liệt toàn thân hoặc một bên
– Giảm khả năng đi lại
– Mất khả năng ngôn ngữ hoàn toàn hoặc bị hạn chế
– Khó khăn trong nhai nuốt
– Viêm phổi do nằm lâu một chỗ
– Nhiễm trùng đường tiết niệu cụ thể là tiểu ra máu, đau buốt khi đi tiểu, đau vùng bụng dưới.
– Động kinh do tế bào não tổn thương.
Nhìn chung, biến chứng của đột quỵ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nhiều người dù sống sót nhưng luôn phải nhờ cậy vào sự chăm sóc của người thân, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó việc chăm sóc và kiểm tra sức khỏe thường xuyên là vô cùng quan trọng và cần thiết. Lưu ý ngay khi có triệu chứng cảnh báo, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và xử lý sớm.