Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, và trẻ em cũng không phải ngoại lệ dù đột quỵ ở đối tượng này không quá phổ biến. Bài viết sẽ cung cấp những thông tin về đột quỵ trẻ em, nguyên nhân và những biểu hiện mà cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Menu xem nhanh:
1. Giải mã: Tại sao trẻ em cũng bị đột quỵ?
1.1. Cơ chế hình thành chứng đột quỵ trẻ em
Nhiều người lầm tưởng rằng trẻ em là đối tượng không bị đột quỵ, hay đột quỵ chỉ xảy ra đối với người lớn. Trên thực tế, hầu hết các ca bệnh đột quỵ diễn ra là ở người trưởng thành, đột quỵ trẻ em tuy khá hiếm nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp xảy ra hàng năm.
Đột quỵ là tình trạng một hội chứng lâm sàng mất cấp tính chức năng của não bộ. Lưu lượng máu lên não đột nhiên gián đoạn do hiện tượng tắc hoặc vỡ động mạch cung cấp máu. Lúc này, một phần não sẽ không thể nhận được oxy và các dưỡng chất cần thiết. Các tế bào não tại đây sẽ bị chết rất nhanh và dẫn đến các chức năng não bộ mất đi.
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong đời, do vậy đột quỵ có thể xảy ra ở trẻ em. Hậu quả mà đột quỵ trẻ em để lại có thể rất nặng nề như tử vong, liệt nửa người, hội chứng khó nuốt, không thể nói. Một số trẻ em gặp vấn đề về thị giác như thị giác yếu hoặc bị mù. Ngoài ra có thể dẫn đến các rối loạn về cảm xúc, không thể ghi nhớ hoặc khó đoán tính cách và hành vi cho đến khi trưởng thành.
1.2. Các nhóm tuổi xảy ra đột quỵ trẻ em
Theo nhiều nghiên cứu, đột quỵ ở trẻ em được chia thành 3 nhóm tuổi khác nhau với những nguy cơ đột quỵ khác nhau như sau:
– Nhóm tuổi trước khi sinh – giai đoạn trẻ còn nằm trong bụng mẹ
– Nhóm tuổi sơ sinh đến 28 ngày tuổi
– Nhóm tuổi sơ sinh sau 28 ngày tuổi đến khi 18 tuổi
Ngoài ra, đột quỵ ở trẻ em cũng có hai loại như người lớn: đột quỵ vì xuất huyết não hoặc đột quỵ vì thiếu máu cấp tính gây ra bởi máu đông hoặc thuyên tắc mạch máu. Trẻ thường phục hồi nhanh hơn người lớn sau cơn đột quỵ nếu sống sót. Các di chứng sẽ khá mờ nhạt khi lớn lên, đôi khi phụ huynh không nhận ra.
1.3. Đột quỵ trẻ em và những nguyên nhân hình thành
Những lý do dẫn tới đột quỵ ở trẻ nhỏ khá phong phú, tuy nhiên nguyên nhân chính thường xoay quanh dị tật mạch máu hoặc một số bệnh lý hiếm gặp nào đó.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ bị xuất huyết não dẫn đến đột quỵ
– Trẻ bị dị tật hoặc rối loạn động mạch bẩm sinh
– Trẻ có khối u trong não
– Khi mang thai, mẹ sử dụng ma túy hoặc rượu, tuy nhiên trường hợp này là khá hiếm gặp.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu máu trẻ em dẫn đến đột quỵ
– Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng cao hơn trẻ thường
– Trẻ bị rối loạn đông máu – rối loạn prothrombotic. Bệnh lý này có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải trong quá trình trưởng thành. Đột quỵ có thể là hồi chuông đầu tiên cảnh báo chứng rối loạn đông máu. Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng này là hệ quả của nhiều bệnh lý khác trẻ mắc như viêm màng não, nhiễm trùng máu, tiêu chảy kéo dài, mất nước, không đủ sắt,…
– Trẻ bị chứng rối loạn động mạch, động mạch không đều. Trẻ dễ bị đột quỵ khi bị hẹp động mạch. Tuy vậy, tình trạng này cũng rất khó để nhận biết cho đến khi trẻ bị đột quỵ. Trẻ em có chứng hẹp động mạch cần được theo dõi đặc biệt và chặt chẽ để phòng ngừa cơn đột quỵ có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Một số nguyên nhân khác dẫn đến đột quỵ như: trẻ phẫu thuật tim hoặc não, trẻ có hồng cầu khuyết hình liềm, trẻ bị bệnh tự miễn, bệnh bạch cầu,..
2. Làm thế nào để chẩn đoán và phát hiện đột quỵ ở trẻ nhỏ
Theo các chuyên gia, muốn giảm thiểu các rủi ro do tổn thương não ở trẻ em, cần có biện pháp chẩn đoán nhanh để phát hiện sớm. Các bác sĩ sẽ dựa vào các xét nghiệm hình ảnh não để chẩn đoán, thông qua một số phương pháp sau:
– Chụp cắt lớp vi tính, còn gọi là CT, dùng tia X để chụp ảnh chi tiết để xác nhận trẻ có bị đột quỵ hay không, là loại nào và xảy ra tại khu vực nào.
– Chụp MRI cộng hưởng từ tạo ra hình ảnh của não bộ, phương pháp này sẽ rõ ràng và chi tiết hơn chụp CT cắt lớp.
– Chụp động mạch não bằng cách sử dụng thuốc nhuộm đặc biệt bơm vào động mạch, sau đó dùng tia X chụp lại phần não đã nhuộm và chẩn đoán.
– Một vài phương pháp khác như siêu âm tim, điện tâm đồ, xét nghiệm máu hoặc chọc dò thắt lưng,..
3. Hồi phục đột quỵ cho trẻ dựa vào các phương pháp điều trị nào?
3.1. Điều trị đột quỵ trẻ em do xuất huyết não
Muốn khắc phục tình trạng này, việc cần làm là tập trung vào ổn định cơ thể như kiểm soát huyết áp ở mức độ hợp lý, kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Một điều quan trọng nữa là cần giúp trẻ dễ thở hơn, oxy lên não nhiều hơn.
Những bệnh nhi bị đột quỵ bởi xuất huyết não cần được đội ngũ chuyên gia phẫu thuật thần kinh mạch máu điều trị đặc biệt. Về điều trị, phương pháp thường dùng để phẫu thuật có thể là vi phẫu cắt phình động mạch hoặc phẫu thuật giúp loại bỏ các mạch máu bất thường.
3.2. Điều trị đột quỵ trẻ em do thiếu máu cục bộ
Để khắc phục tình trạng này, cập trung vào tiêu chí giảm các tổn thương não, và ngăn ngừa đột quỵ tái phát. Nếu bệnh nhi được chẩn đoán bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giúp loãng máu, phá tan các cục máu đông gây ứ tắc động mạch.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi trị liệu phục hồi chức năng sau đột quỵ. Điều này giúp trẻ có thể dần dần thực hiện hoạt động thể chất bình thường. Trong sáu tháng đầu, khả năng hồi phục sau đột quỵ sẽ là tốt hơn cả. Điều này có thể tiếp tục cải thiện trong khoảng từ 2 – 3 năm sau. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn ra cách trị liệu hợp lý với sức khỏe và cơ địa của trẻ.
Trên đây là những thông tin khái quát về đột quỵ trẻ em, nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị. Cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến chứng bệnh này để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ nhỏ.