Dù được đánh giá là bệnh khá lành tính nhưng nếu điều trị viêm kết mạc sai cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tổn thương thị lực vĩnh viễn. Vậy điều trị căn bệnh này dễ hay khó, cần lưu ý những gì? Tìm hiểu cùng chúng tôi ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Viêm kết mạc là bệnh gì?
Kết mạc là một trong những bộ phận quan trọng của mắt, dùng để chỉ lớp màng mỏng, trong có công dụng che phủ cũng như bảo vệ cả nhãn cầu và mặt trong của mí mắt. Bên cạnh đó, kết mạc cũng có nhiệm vụ bôi trơn nhãn cầu để mắt của chúng ta có thể hoạt động tốt nhất.
Chính vì thế, kết mạc rất mỏng manh và dễ bị tổn thương bởi những tác nhân bên ngoài. Một trong những bệnh thường gặp ở kết mạc nhất đó là viêm kết mạc – tình trạng kết mạc bị một số tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, các tác nhân gây dị ứng… tấn công, xâm nhập và gây hiện tượng sưng, viêm, mưng mủ.
Bên cạnh đó, viêm kết mạc (hay còn được gọi là đau mắt đỏ) cũng là bệnh có tính chất lây lan từ mắt này sang mắt kia và từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc thông thường (tiếp xúc với dịch tiết chứa mầm bệnh) như dùng chung đồ dùng, vật dụng cá nhân…
Biểu hiện thường thấy nhất của viêm kết mạc là mắt sưng đỏ, đau, nhiều nước mắt và ghèn mắt hơn thông thường, mắt có chảy mủ vàng, xanh hoặc trắng, khó mở mắt mỗi khi ngủ dậy bởi ghèn mắt dính chặt… Ở một số trường hợp, viêm kết mạc còn khiến người bệnh giảm thị lực, chảy nước mũi, ho, nổi hạch… lúc này người bệnh hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa để nhận được lời khuyên tốt nhất.
Theo các chuyên gia về mắt, viêm kết mạc khá lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, nhất là khi bệnh do vi khuẩn lậu cầu hoặc Chlamydia trachomatis. Để biết chính xác nguyên nhân, hãy đến gặp bác sĩ để khám và kiểm tra từ đó có hướng điều trị hiệu quả nhất.
2. Điều trị viêm kết mạc khó hay dễ
Điều trị bệnh viêm kết mạc khó hay dễ ắt hẳn là thắc mắc của nhiều người, như vừa chia sẻ nếu được phát hiện sớm, biết được chính xác nguyên nhân gây bệnh thì điều trị căn bệnh này sẽ không có gì đáng ngại. Nhưng nếu chủ quan, phát hiện muộn thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Theo đó, bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng, nguyên nhân bệnh. Các cách điều trị sẽ bao gồm những loại như sau.
2.1 Điều trị viêm kết mạc bằng thuốc kháng sinh
Tùy nguyên nhân bệnh cũng như mức độ của bệnh viêm kết mạc mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khác nhau. Đối với viêm kết mạc, sử dụng thuốc nhỏ mắt là phương pháp tác động trực diện và mang lại hiệu quả cao. Cụ thể:
– Nếu viêm kết mạc do virus: Các loại thuốc được kê sẽ chứa thành phần chống viêm corticoid như fluoromethason, dexamethason, prednisolon… hoặc thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) như diclofenac.
– Nếu viêm kết mạc do nhiễm khuẩn: Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc hoặc nhỏ mắt chứa cloramphenicol, polymyxin B, tobramycin, neomycin, ofloxacin,, sulfocetamid… để kháng khuẩn để dùng nhưng liều dùng không quá 7 ngày.
– Nếu viêm kết mạc do các tác nhân dị ứng: Trong trường hợp này các bác sĩ sẽ kê thuốc có thành phần kháng histamin H1 như: clorpheniramin,diphenhydramin… hoặc thuốc nhỏ mắt kháng dị ứng để làm giảm triệu chứng dị ứng trước, khi dị ứng hết tình trạng viêm kết mạc cũng sẽ dần hết.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp bác sĩ cũng sẽ kê những loại thuốc nhỏ mắt hỗn hợp, nước mắt nhân tạo… để giúp bệnh viêm kết mạc nhanh khỏi, chống khô mắt, tái bệnh trở lại hoặc biến chứng.
2.2 Điều trị viêm kết mạc bằng các phương pháp thực hiện tại nhà
Đa phần các ca bệnh viêm kết mạc đều được hướng dẫn điều trị tại nhà, trừ những trường hợp nặng. Ngoài sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh, thành phần kháng khuẩn, kháng viêm… các bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện các biện pháp để hỗ trợ quá trình điều trị, tránh lây lan bệnh như:
– Vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý nồng độ 0.9% theo chỉ định của bác sĩ. Cách làm như sau: rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đổ nước muối vào miếng bông hoặc khăn sạch ẩm sau đó vệ sinh mắt nhẹ nhàng. Khi vệ sinh xong vứt ngay miếng bông hoặc khăn đã dùng vào thùng rác riêng, không tái sử dụng.
– Giảm đau nhức mắt tạm thời bằng cách chườm lạnh. Bạn có thể sử dụng khăn sạch, dùng ngâm vào nước mát sau đó vắt khô và đắp lên vùng mắt bị đau khoảng 10 – 15 phút. Lời khuyên là hãy sử dụng khăn 1 lần hoặc tiệt trùng khăn sau khi dùng để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
– Sử dụng nước nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo để hạn chế tình trạng khô mắt, cung cấp độ ẩm tự nhiên cho mắt.
– Bổ sung vitamin A, C, E, kẽm, dầu cá… để tăng đề kháng cho mắt của bạn.
Lưu ý, có một nguyên tắc “bất di bất dịch” mà bạn nên tuân thủ đó là chỉ sử dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc điều trị và các biện pháp dưới sự chỉ định cũng như hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Tuyệt đối không tự ý dùng hoặc đắp lá, thuốc nam, thuốc bắc… lên mắt, không tự mua thuốc kháng sinh dùng.
Trong trường hợp sử dụng hết liều mà bác sĩ kê, bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm thì hãy đến gặp bác sĩ để được khám chuyên sâu hơn, hoặc điều chỉnh phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
3. Bí quyết phòng ngừa bệnh viêm kết mạc bảo vệ đôi mắt
Dù biết viêm kết mạc nếu được điều trị đúng cách sẽ không nguy hiểm, nhưng nó lại gây khó chịu không nhỏ cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Do đó, ai trong chúng ta cũng hãy chủ động bảo vệ bản thân, bảo vệ đôi mắt bằng cách thực hiện:
– Luôn vệ sinh mắt sạch sẽ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc môi trường ô nhiễm, khói bụi, nhiều nguy cơ mầm bệnh.
– Hạn chế tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, điều hòa…
– Không sờ hoặc dụi mắt, nhất là khi tay chưa được làm sạch và diệt khuẩn.
– Không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, kính mắt, kính áp tròng, nhỏ mắt… với người khác.
– Thường xuyên vệ sinh, diệt khuẩn không gian sống xung quanh, giữ môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ.
– Khám nhãn khoa định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện những nguy cơ bệnh sớm nhất.
Nếu có bất kỳ nghi ngờ hoặc vấn đề bất thường nào liên quan đến mắt, đừng chủ quan mà hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm nhất để được khám chữa, chẩn đoán bệnh chính xác nhất cũng như cách điều trị bệnh về mắt nói chung, điều trị viêm kết mạc nói riêng từ đó bảo vệ đôi mắt toàn diện nhất.