Điều trị sau đột quỵ cần một chế độ chăm sóc đặc biệt, phù hợp với tình trạng từng người. Mục tiêu luôn được ưu tiên hàng đầu là giúp người bệnh phục hồi chức năng tối đa, trong thời gian nhanh nhất.
Menu xem nhanh:
1. Các biến chứng nguy hiểm do đột quỵ não gây ra
Đột quỵ gây ra nhiều biến chứng, di chứng cho người bệnh cụ thể là:
– Rối loạn vận động: yếu, liệt một phần cơ thể hoặc nửa người.
– Rối loạn nhận thức: giảm tư duy, mất trí nhớ mức độ nhẹ đến nặng, sa sút trí tuệ.
– Rối loạn cơ tròn: tiểu và đại tiện không tự chủ.
– Rối loạn ngôn ngữ: nói ngọng, nói lắp, âm điệu biến đổi, khó diễn đạt bằng lời, có người thậm chí không nói được.
– Rối loạn thị giác: mắt kém, nhìn mờ, tầm nhìn giảm.
– Liệt dây thần kinh mặt, tê liệt nửa mặt.
– Rối loạn cảm giác: đau, tê, nóng rát, ngứa ran. Thậm chí mất cảm giác một phần trên cơ thể.
– Mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ.
– Khó nuốt kết hợp với tình trạng liệt dễ dẫn đến viêm phổi do thức ăn đi vào phổi.
– Loét các vùng tỳ đè do nằm một chỗ quá lâu.
– Giảm các kỹ năng xã hội, hoạt động cá nhân.
Các rối loạn trên nếu không được điều trị sớm sẽ khiến người bệnh không tự chăm sóc bản thân, phải phụ thuộc vào người khác hoàn toàn. Từ đó, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, người bệnh dễ trầm cảm, u uất.
2. Tìm hiểu về quá trình điều trị sau đột quỵ
2.1. Khi nào nên bắt đầu điều trị sau đột quỵ?
Thời gian vàng để phục hồi chức năng, điều trị sau đột quỵ là trong vòng từ 24-48 giờ sau khi bị bệnh. Việc đầu tiên cần làm là giúp người bệnh thực hiện một số động tác độc lập, thông qua các bài tập. Nếu bệnh nhân đang yếu sức, có thể hỗ trợ để thực hiện. Mục đích của việc làm này là tăng khả năng vận động ở các chi bị giảm chức năng do đột quỵ não.
Người bệnh có thể bắt đầu học cách ngồi dậy, di chuyển giữa giường và ghế, di chuyển từng bước nhỏ. Ban đầu có thể nhờ người nhà dìu đi sau đó tăng dần mức độ không có sự trợ giúp. Sau đó, người bệnh cũng nên thực hiện các hoạt động cơ bản hàng ngày như tắm, mặc quần áo, …
Việc phục hồi chức năng sớm giúp tăng khả năng hồi phục các khả năng, kỹ năng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều bác sĩ ưu tiên hàng đầu sẽ là:
– Ổn định tình trạng đột quỵ của bệnh nhân.
– Kiểm soát các yếu tố nguy cơ đe dọa tính mạng.
– Ngăn ngừa đột quỵ não tái phát trong tương lai.
– Hạn chế biến chứng liên quan đến đột quỵ não.
2.2. Điều trị sau đột quỵ kéo dài bao lâu?
Thời gian phục hồi chức năng đột quỵ còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và các biến chứng bệnh gây ra. Một số người sống sót sau đột quỵ hồi phục trong thời gian ngắn. Nhưng cũng có trường hợp mất nhiều thời gian kéo dài từ vài tháng đến vài năm để tìm lại sức khỏe và các kỹ năng cơ bản.
Điều quan trọng là người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, thoải mái và kiên trì điều trị. Bên cạnh đó, sự động viên và chăm sóc tận tình của người nhà cũng giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.
2.3. Yếu tố quyết định kết quả điều trị phục hồi sau đột quỵ
Kết quả phục hồi chức năng sau đột quỵ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm:
– Mức độ nghiêm trọng và tổn thương của não.
– Tuổi tác: người trẻ có khả năng phục hồi tốt hơn so với người lớn tuổi.
– Cường độ và mức độ phù hợp của phác đồ phục hồi chức năng.
– Mức độ nghiêm trọng của bệnh lý, bệnh nền kèm theo.
– Không gian sống trong gia đình: cần bổ sung tay vịn cầu thang, thanh vịn để đảm bảo an toàn và tăng tính độc lập cho người bệnh.
– Sự hỗ trợ, chăm sóc, quan tâm từ người thân, bạn bè.
– Thời gian phục hồi: nên bắt đầu càng sớm càng tốt.
3. Người bệnh cần làm gì để ngăn ngừa đột quỵ tái phát?
Nghiên cứu gần đây cho thấy, việc điều chỉnh lối sống và sử dụng thuốc có thể ngăn ngừa một cơn đột quỵ khác diễn ra. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn các yếu tố nguy cơ quan trọng sau đây:
3.1. Kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não. Những người sống sót sau đột quỵ cần được theo dõi và đưa huyết áp trở về ngưỡng bình thường. Bên cạnh đó, người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống phù hợp và dùng các loại thuốc theo đơn để giúp điều chỉnh huyết áp về mức ổn định.
3.2. Bỏ thuốc lá, thuốc lá điện tử
Hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ não. Nguyên nhân có liên quan đến sự tích tụ của các mảng xơ vữa động mạch. Thuốc lá cũng là yếu tố làm tăng huyết áp, khiến máu đặc hơn và dễ đông hơn.
3.3. Điều chỉnh lối sống
Người bệnh sau đột quỵ nên tập thể dục, vận động thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý. Béo phì và ít vận động là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch. Thừa cân cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu não.
Bên cạnh đó, người bệnh không nên thức khuya, cần ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Không nên sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài sẽ gây ức chế thần kinh. Thay vào đó nên đọc sách, nghe nhạc nhẹ nhàng để thư giãn.
3.4. Giảm mức mỡ máu
Cholesterol cao dẫn đến sự tích tụ các chất béo (xơ vữa động mạch) trong mạch máu, khiến lượng máu và oxy lên não suy giảm.
3.5. Quản soát bệnh tim, bệnh tiểu đường
Các rối loạn tim mạch có thể dẫn đến các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não. Người bệnh nên thăm khám và tuân thủ phác đồ để ngăn ngừa cục máu đông xuất hiện.
Bệnh tiểu đường gây ra những phá hủy trong mạch máu khắp cơ thể bao gồm có não. Tổn thương ở não nghiêm trọng và lan rộng khi lượng đường huyết cao. Vì vậy, để ngăn ngừa đột quỵ tái phát, việc điều trị và kiểm soát bệnh tiểu đường vô cùng cần thiết.
Đột quỵ không chỉ là tình trạng cấp tính mà còn gây ra nhiều di chứng nặng nề, kéo dài. Vì thế, người bệnh sau đột quỵ cần được chăm sóc và điều trị phục hồi phù hợp. Bên cạnh đó cũng cần thăm khám thường xuyên và điều trị dự phòng để ngăn bệnh tái phát.